Saturday, April 20, 2024

Mục đích thực sự của Trung Quốc khi đối thoại với Taliban



Trung Quốc sẵn sàng công nhận Taliban như một “lực lượng quân sự và chính trị nòng cốt”, miễn là điều này có thể bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị của Bắc Kinh tại Afghanistan.

 

Trung Quốc hiện nay đã có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận đối với an ninh toàn cầu cũng như khu vực Trung Á. Trong những tuần qua, Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ việc tái thiết hòa bình ở Afghanistan, chỉ trích việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, ủng hộ viện trợ tài chính cho Kabul và đối thoại trực tiếp với phái đoàn 9 thành viên của Taliban để thảo luận về những “lằn ranh đỏ” cũng như kỳ vọng trong tương lai của Bắc Kinh.

Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Mỹ sắp hoàn tất quá trình rút hoàn toàn binh sỹ khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm với thiệt hại hàng trăm tỷ USD trong khi không thể “nhổ tận gốc” các phiến quân Taliban.

Trong vòng vài tháng, Taliban gần như đã tăng gấp 3 số quận mà lực lượng này kiểm soát. Trong khi đó, các lực lượng an ninh Afghanistan – vốn chủ yếu được Mỹ hỗ trợ – đang phải chật vật kiềm chế các cuộc xung đột bạo lực.

Tình hình an ninh ngày càng xấu đi, cộng với mối liên kết của Taliban với các phiến quân chống Trung Quốc đã thúc đẩy Bắc Kinh tìm kiếm giải pháp để ngăn chặn nhóm phiến quân chống Trung Quốc mở đường vào Tân Cương.

Bắc Kinh cũng nhận thức được rằng, khả năng Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan có thể trở thành hiện thực. Vì thế, nước này sẵn sàng công nhận Taliban như một “lực lượng quân sự và chính trị nòng cốt”, miễn là điều này có thể bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại Afghanistan.

Trung Quốc muốn khống chế nhóm phiến quân ETIM

Các tính toán an ninh của Trung Quốc tới nay đã rất rõ ràng. Hôm 28/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), nhóm phiến quân tìm cách thiết lập một nhà nước của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, là “mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

“Việc chống lại ETIM là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế”, ông Vương Nghị nói với Mullah Abdul Ghani Baradar, trưởng phái đoàn Taliban tới Thiên Tân cuối tháng 7 vừa qua.

Lời kêu gọi hành động này được đưa ra ở thời điểm quan trọng. Hàng trăm tay súng ETIM vẫn hoạt động ở các tỉnh của Afghanistan, gần biên giới Afghanistan-Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, những thực tế này làm dấy lên lo ngại lực lượng phiến quân chống Trung Quốc có thể vượt biên giới Afghanistan vào Tân Cương, gây phức tạp cho những nỗ lực trấn áp chủ nghĩa ly khai tại tỉnh này. Đó cũng là kịch bản không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải cân nhắc về sự hợp tác của Taliban.

“Chúng tôi hy vọng lực lượng Taliban tại Afghanistan có thể cắt đứt quan hệ với ETIM”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói như vậy với phái đoàn Taliban tại Thiên Tân hồi tháng 7.

Tiềm năng hợp tác của Taliban với Trung Quốc nằm ở các hành động của lực lượng này với ETIM. Trung Quốc coi các chiến dịch của Taliban chống lại ETIM là lợi ích chủ quyền chính của nước này. Việc trấn áp thành công ETIM cũng là điều kiện để Trung Quốc công nhận tính hợp pháp của Taliban “trong sự ổn định và phát triển của khu vực”.

Điều này cho thấy sự khác biệt rõ rệt với cách tiếp cận của Mỹ trong việc trấn áp các nhóm phiến quân thông qua Taliban. Mỹ đã ký thỏa thuận hòa bình với Taliban đầu năm 2020, theo đó Mỹ rút quân khỏi Afghanistan với điều kiện Taliban cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố như Al Qaeda. Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, mối quan hệ giữa Taliban và Al Qaeda đi theo hướng nào lại là điều khó xác minh rõ ràng.

Trung Quốc không lặp lại sai lầm của Mỹ. Bắc Kinh cảm thấy hài lòng với sự đảm bảo sớm của Taliban về việc ngăn chặn các chiến dịch qua biên giới của nhóm phiến quân chống Trung Quốc, cũng như sự “im lặng” về tất cả các vấn đề “nội bộ” của Trung Quốc.

Taliban có một động cơ đơn giản trong việc thực hiện đề nghị của Trung Quốc: Nếu đáp ứng các lợi ích chủ quyền của Trung Quốc, thì nước này càng ít can thiệp vào vấn đề tương lai của Afghanistan nếu Taliban nắm quyền ở Kabul.

Bảo vệ các dự án đầu tư ở Afghanistan

Trong bối cảnh Mỹ tăng tốc rút quân khỏi Afghanistan, Taliban đã giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực. Trong số này, có cả cửa khẩu biên giới Afghanistan-Pakistan, một cửa ngõ chiến lược để kết nối Kabul với Peshawar và tạo điều kiện cho việc mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỷ USD của Bắc Kinh – dự án hàng đầu trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Công trình lớn của Trung Quốc trong Hành lang Wakhan, một dải đất giáp Tân Cương, cũng bị đe dọa bởi các cuộc tiếp quản nhanh chóng của Taliban ở các khu vực lân cận. Bắc Kinh biết chắc rằng cần phải đối diện và thay đổi cách tiếp cận với Taliban.

Do đó, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ tái thiết kinh tế ở Afghanistan để đổi lấy sự đảm bảo sớm từ Taliban về việc bảo vệ các dự án đầu tư.

Tại cuộc họp hồi tháng 7 của Nhóm liên lạc Afghanistan của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Trung Quốc tuyên bố muốn mở rộng hồ sơ kinh tế, thương mại và kết nối của Afghanistan, đồng thời muốn củng cố các hoạt động tái thiết hòa bình ở Kabul với sự hỗ trợ của SCO.

Taliban nhận thức được sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với các dự án đầu tư của nước này ở Afghanistan và không muốn bỏ lỡ thiện chí từ Bắc Kinh.

Vì lý do này, người phát ngôn của Taliban, Suhail Shaheen, gần đây đã tuyên bố việc đảm bảo an toàn cho các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Afghanistan sẽ là ưu tiên hàng đầu của lực lượng này. Ông cũng gọi Trung Quốc là “người bạn đáng hoan nghênh” cho các nỗ lực tái thiết ở Afghanistan.

Con đường khác biệt của Trung Quốc về “xây dựng lòng tin”

Taliban có đáng tin hay không? Mỹ chắc chắn sẽ nói “không”. Tốn tới 840 tỷ USD cho cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, Mỹ giờ đây vội vàng rời khỏi đất nước “nghèo đói, phụ thuộc vào viện trợ và bị tàn phá vì các cuộc xung đột” trong khi Taliban đang gia tăng bạo lực.

John Sopko, Chánh thanh tra đặc biệt của Mỹ về Tái thiết Afghanistan, nhấn mạnh rằng thất bại của Washington trong việc xây dựng một quân đội Afghanistan gắn kết và hiệu quả là một trong những yếu tố góp phần gây ra bất ổn ở quốc gia Nam Á này hiện nay.

Trung Quốc sẽ không vấp phải những thất bại như vậy. Bắc Kinh không có ý định lựa chọn các nhân vật cùng phe cánh hay chi hàng tỷ USD cho lực lượng an ninh Afghanistan để chống lại Taliban.

Trung Quốc cũng không quan tâm tới việc lấp chỗ trống sau khi Mỹ rút quân bằng một cam kết can thiệp vào cuộc xung đột phức tạp ở Afghanistan.

Yếu tố trọng tâm của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng ở Afghanistan chính là việc không đặt ra các ưu tiên chính trị. Nếu đặt ra các ưu tiên chính trị để xây dựng hình ảnh thân thiện ở Kabul, điều đó sẽ đi kèm với những hạn chế trong việc thỏa hiệp các vấn đề thuộc về lợi ích sau cùng của Trung Quốc./.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img