Trước ngày khởi công, cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) đã được rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng hải cảnh báo thảm họa sa bồi.
Gần 1 năm qua, cảng container quốc tế Hải Phòng (SICT) đã không thể đón tàu có trọng tải lớn trực tiếp vào làm hàng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp cảng mà còn ảnh hưởng đến toàn chuỗi vận tải biển khu vực phía Bắc và cả nước. Nguyên nhân do độ sâu trước bến bị sa bồi nghiêm trọng. Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, hiện độ sâu trước bến cảng HICT chỉ còn -7m, tức là bằng độ sâu các cảng nằm phía sâu bên trong. 03 năm, cảng HICT bị bồi lắng đến 9m so với thiết kế ban đầu.
Ngược quy luật tự nhiên
Năm 2012, ông Tạ Quyết Thắng – TGĐ Công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng), đã gửi gần 40 văn bản “gan ruột” đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành TW,… và đặc biệt Bộ GTVT để chỉ ra những bất cập trong việc xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện. Vốn dĩ là doanh nghiệp hàng đầu trong nước về thiết kế và xây dựng cầu cảng nước sâu, để có sức thuyết phục, ông Thắng đã có hẳn một Báo cáo đề xuất đầu tư hạ tầng cho vùng kinh tế Lạch Huyện. Tại đây, ông Thắng cho rằng không thể xây dựng cảng nước sâu gần bờ và ở đầu con lạch như hiện tại vì đó là khu vực đổ ra từ các cửa Nam Triệu, cửa Cấm ra Lạch Huyện tạo nên vùng bồi. Và tất nhiên, không ai làm cảng nước sâu ở trong vùng bồi như vậy.
Cho nên, nếu muốn xây dựng cảng nước sâu thì vị trí xây dựng cảng sẽ nằm cách đó (cảng HICT) khoảng 15km hướng ra biển. Và toàn bộ hệ thống cảng nên quy hoạch theo thứ tự từ trong ra ngoài theo hướng tải trọng tăng dần, phía trong đón tàu nhỏ khoảng 3 vạn tấn, phía ngoài đón tàu lớn có thể lên đến 15 vạn tấn. “Toàn bộ khu vực bến cảng số 1, 2 (Cảng container quốc tế – HICT) như hiện nay sẽ đóng cọc và xây dựng cầu cảng trên đầu cọc để lưu thông dòng chảy tự nhiên chứ không làm kè đổ bê tông cốt thép lấp kín như hiện nay” – ông Thắng cho biết.
Năm 2012, Tổng Hội xây dựng Việt Nam đã có Tọa đàm khoa học xem xét báo cáo đề xuất phương án thay đổi địa điểm xây dựng cảng Lạch Huyện. Tại đây, nhiều nhà khoa học đã lo ngại đến việc sa bồi cho cảng nước sâu này trong tương lai.
“Không thể thay đổi quy luật tự nhiên, và như vậy đừng mong muốn tạo một dòng sông 2 đáy. Trong ngành hàng hải, yếu tố cốt lõi khi quyết định xây dựng cảng chính là độ sâu tự nhiên của dòng sông. Một khi muốn thay đổi độ sâu của dòng sông thì chi phí sẽ rất tốn kém. Mặt khác, nạo vét cũng chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết trong ngắn hạn, không thể khắc phục triệt để được. Rất may là trong mấy năm qua chưa có trận bão lớn. Nếu có trận bão lớn thì lượng phù sa đổ về sẽ lấp đầy toàn bộ như trước đây” – ông Thắng nhận định.
Phản biện – việc của các nhà khoa học
Những lập luận tâm huyết của ông Tạ Quyết Thắng về cảng nước sâu Lạch Huyện đã bị Bộ GTVT “phủi”. Lý do đơn giản là…“thiếu căn cứ khoa học” và “đó chỉ là ý tưởng”.
Thậm chí, việc tham vấn các tổ chức, các nhà khoa học cũng được Bộ GTVT làm “chiếu lệ”. TS. Tô Văn Trường – Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, Hội Xây dựng là tổ chức đầu tiên quan tâm phản biện dự án cảng Lạch Huyện. Trong quá trình tham vấn, lãnh đạo Bộ GTVT 4 lần thúc ép, thuyết phục lãnh đạo Hội ký công văn xác định cảng Lạch Huyện là công trình “cấp bách”. Gần đây, lãnh đạo Trung ương MTTQ Việt Nam dự định tổ chức hội thảo về cảng Lạch Huyện theo đúng chức năng giám sát và phản biện nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT lại khuyến cáo “không nên làm”.
Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng – Nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật kinh tế biển TP.HCM từng được Bộ GTVT mời tham gia góp ý đề án xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện. Ông Dũng đã đưa ra lời cảnh báo về sự bồi lấp ở cảng và luồng Lạch Huyện: “Thứ nhất, biên độ thủy triều vùng Bắc Hạ Long cao hơn vùng Nam Hạ Long. Vì nguyên nhân này, dòng chảy từ nội địa ra biển có hướng chuyển từ cửa Nam Triệu lên Lạch Huyện. Thứ hai, việc xây dựng cầu Tân Vũ – Lạch Huyện dài 5,4 km nối nội thành Hải Phòng với Cát Hải đã chọn phương án vượt sông bằng hệ thống cầu có chân cọc ở hạ lưu kênh Đình Vũ, qua sông Bạch Đằng. Hệ thống cọc này đã ngăn cản sa bồi ra cửa Nam Triệu, sa bồi sẽ chạy ngược sông Bạch Đằng và ra biển bằng cửa Lạch Huyện”.
Và cũng như cảnh báo khác, phản biện là… việc của các nhà khoa học. Phương án xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện đã định sẵn trong ý chí của Bộ GTVT.
Nếu không có chuyện cảng nước sâu HICT bị bồi lắng “trong một nốt nhạc”, hẳn sẽ không mấy ai để ý những cảnh báo năm xưa về cảng nước sâu Lạch Huyện. “Việc lựa chọn vị trí Lạch Huyện (một lạch thủy triều xưa) làm tiền cảng nước sâu của cụm cảng Hải Phòng mà không phải là cửa Nam Triệu và Đình Vũ chắc chắn sẽ vấp phải sai lầm về mặt chiến lược. Các bài học sử dụng 5 cửa sông chính đổ ra biển từ mảnh đất Hải Phòng trong 20-30 năm qua đã cho thấy những thất bại của sự can thiệp bởi con người đối với dải đất ven biển giàu tiềm năng này” – TS. Tô Văn Trường nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.