Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn ra rất phức tạp, nếu không ngăn chặn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn xã hội.
Phức tạp hoạt động tấn công mạng, tin giả, cờ bạc, khiêu dâm trên Internet
Theo báo cáo Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 của Chính phủ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Một tin giả lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Internet
Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội ngày 24/10, đại biểu Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) nhận định, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn ra rất phức tạp. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng, mức độ nghiêm trọng. Tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên internet. Giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng. Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng.
Đặc biệt, hành vi đưa tin sai sự thật không được kiểm chứng trên không gian mạng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đại biểu cho rằng, bên cạnh tính chất phức tạp, tinh vi của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, việc xử lý vẫn chưa kiên quyết, chưa nghiêm và chưa kịp thời.
Đại biểu Trần Chí Cường cũng cho biết, theo phản ánh của cử tri thời gian qua có rất nhiều ứng dụng trên mạng Internet hoạt động dưới hình thức cờ bạc trá hình, thậm chí lôi kéo người chơi bằng các hoạt động khiêu dâm, phản cảm. Tình trạng lợi dụng mạng xã hội để có những phát ngôn không đúng, dùng ngôn từ phản cảm, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí còn xúc phạm cả tôn giáo…
“Những hành vi này lôi kéo hàng triệu người tham gia, đặc biệt là các thế hệ trẻ gây bất ổn về an ninh, trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội. Diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời xử lý dứt điểm” – ĐBQH đoàn TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa về việc quy định các chế tài và các biện pháp để các ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Đắk Nông.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng chỉ ra, tội phạm trên không gian mạng đang gia tăng với các thủ đoạn tinh vi: “Loại tội phạm này đang làm mưa làm gió trên không gian mạng trong thời gian gần đây, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn trong xã hội”.
Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn lực chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường năng lực, lực lượng kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Phối hợp quốc tế trong đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói riêng.
Ma túy đang hủy hoại một bộ phận không nhỏ giới trẻ
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (tỉnh Ninh Thuận) chỉ ra rằng, tội phạm ma túy là nhóm tội phạm có xu hướng phát triển nhanh ở nước ta trong những năm gần đây. Theo số liệu báo cáo, toàn quốc đã có khoảng 247.300 người nghiện ma túy có hồ sơ đang quản lý. Phần lớn số này ở ngoài xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, số đối tượng có liên quan đến ma túy chắc chắn sẽ còn lớn hơn. Những đối tượng này đa số ở ngoài xã hội sẽ dẫn đến các tội phạm khác, như giết người, cố ý gây thương tích, cướp giật, trộm cắp dẫn đến mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bất an trong nhân dân.
“Nhóm đối tượng này đang hủy hoại một bộ phận không nhỏ đến giới trẻ, gây bất an cho nhiều gia đình và toàn xã hội, là nguồn gốc phát sinh của tội phạm trong xã hội. Do vậy, chúng tôi đề nghị các lực lượng công an, biên phòng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn các nguồn cung từ các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh biên giới miền Trung, biên giới phía Nam, tại các cảng và hàng không” – ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Ninh Thuận.
Cùng với việc chặn đứng nguồn cung, việc tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ. Tham gia và giám sát của cộng đồng trên từng địa bàn dân cư được xem là yếu tố quyết định đến hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy của toàn xã hội. Phải có biện pháp cụ thể, căn cơ trong tình hình cai nghiện ma túy ở cộng đồng, phân rõ trách nhiệm và chế độ đối với những người ở đơn vị giúp người cai nghiện, có chính sách khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tạo việc làm, ổn định thu nhập để bảo đảm cuộc sống, giúp người cai nghiện sớm tái hòa nhập.
Về tội phạm tổ chức liên quan đến tín dụng đen, Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, tác động bởi đại dịch, nhiều tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống, đây cũng chính là cơ hội tốt để tội phạm cho vay nặng lãi hoạt động riêng rẽ ở từng tổ chức và phát triển mở rộng địa bàn. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, một số lượng người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về quê, theo số liệu tính đến nay có khoảng 1,3 triệu người lao động về quê tránh dịch. Qua đó cho thấy, số lượng người lao động về quê tránh dịch rất lớn, đồng nghĩa với việc mất việc, trong số đó có 70% đã mất việc.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, có chính sách căn cơ hơn nữa trong vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đang thất nghiệp, nhất là liên kết tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
“Ngay lúc này cần sự vào cuộc kiên quyết của lực lượng công an và các ngành có liên quan trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm này, để nhằm bảo đảm cuộc sống, lợi ích của chính người dân” – ông Nguyễn Văn Thuận nêu rõ.
Nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và cấp bách
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về các nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, từ đầu năm 2021 đến nay, nhất là từ khi bắt đầu bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đất nước ta phải đối diện với áp lực lớn về mọi mặt, sức khỏe, tính mạng của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương bị giảm sút hoặc đình trệ. Cả nước chuyển sang trạng thái mới. Việc triển khai thực hiện nhiều biện pháp với những sáng tạo chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng, kiểm soát bệnh dịch hiệu quả, quyết tâm để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vì thế cũng chuyển sang một trạng thái mới, thích ứng với những hoạt động giãn cách xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Công tác phòng, chống dịch so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, hầu hết các loại tội phạm đều giảm, song chưa bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm lại có xu hướng gia tăng như chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tung tin giả, kinh doanh đa cấp qua mạng Internet, các hành vi lợi dụng các chính sách phòng, chống dịch để trục lợi. Những tội phạm gia tăng này cũng có tác động rất nhiều do những nguyên nhân ảnh hưởng của bệnh dịch COVID-19 và chúng ta phải triển khai các biện pháp”.
Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, trong thời gian tới dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp. Trong nước, đại dịch COVID-19 sẽ là những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm chống phá đất nước. Hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn đa dạng, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn và cấp bách. Tình hình này diễn ra hết sức nhanh chóng và phức tạp. Lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, vừa là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa là vấn đề cấp bách trước mắt. Chính phủ rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ, giám sát của Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trong thời gian tới” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.