(Chuyện Nóng 24h) – Tiến sĩ Quy Vo-Reinhard (Võ Cẩm Quy) là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tin sinh học, là nhà đồng sáng lập và giám đốc tại dHealth Foundation (Thụy Sĩ). Chị là một trong số những người tiên phong ứng dụng công nghệ blockchain vào số hóa ngành y tế. Đặc biệt, chị từng được bình chọn là một trong số những người phụ nữ có ảnh hưởng đến giới blockchain ở châu Âu năm 2018,
Mặc dù theo đuổi một lĩnh vực rất khó, nhưng chị Cẩm Quy cho biết, chị luôn sống và chiến đấu với niềm đam mê, luôn xác định mục tiêu và làm mọi thứ cho mục tiêu đó. Chị bộc bạch: “Không phải tự hào đâu, nhưng tôi thấy mình đang làm rất tốt. Thậm chí tôi vẫn có những ngày thứ 6 không làm việc mà chỉ chơi với con thôi. Để làm được điều đó, kỷ luật là một trong những yếu tố rất quan trọng”.
Tôi được biết, chị đã từ bỏ con đường học thuật và sự nghiệp giảng dạy ở Việt Nam để đi học MBA. Khi đó, chị thực sự mong muốn điều gì?
Đơn giản rằng tôi mong muốn mở công ty của riêng mình, theo đuổi ước mơ của riêng mình, chứ không phải là đi làm việc cho ước mơ của người khác.
Trên thực tế, đây là việc không hề đơn giản, dám từ bỏ con đường ổn định, ít rủi ro để chuyển sang con đường có rủi ro cao. Đây là sự dũng cảm, bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Tại sao chị chọn phát triển mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ blockchain vào ngành y tế trong khi nhiều người còn chưa hiểu rõ về blockchain là gì?
Bản thân tôi xuất thân từ ngành công nghệ tin sinh học, tức là ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các vấn đề trong sinh học và y tế sức khoẻ. Do đó, việc chọn phát triển blockchain vào ngành y tế là một bước chuyển khá thuận lợi và trơn tru.
Cùng với đó, tôi thấy được vấn đề mà mình muốn giải quyết trong ngành y tế nên đã tận dụng lợi thế của bản thân và quyết định phát triển blockchain vào y tế sức khoẻ, khoa học đời sống.
Đặc biệt, tôi nghĩ ngành y tế cần được số hoá ngay lập tức, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, điều này càng trở nên rõ ràng hơn. Theo đó, tôi nghĩ rằng blockchain sẽ giúp số hoá ngành y tế và blockchain sẽ thúc đẩy quá trình này nhanh hơn.
Thời điểm chị bắt đầu ứng dụng công nghệ blockchain vào y tế, đã có nhiều người làm điều đó hay chưa?
Cách đây khoảng 5 – 6 năm, mọi người còn chưa hiểu rõ blockchain là gì. Thời đấy, khi nhắc đến blockchain là mọi người nghĩ đến Bitcoin, nhưng sau khi nghiên cứu thị trường, tôi thấy được rằng blockchain rất tiềm năng trong lĩnh vực y tế.
Xét về blockchain, lúc đó chưa có một ứng dụng blockchain nào chuyên cho lĩnh vực y tế. Tôi nghĩ rằng chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên. Trên thực tế, trong ngành y tế chưa có nền tảng ứng dụng Blockchain nào tập trung chỉ cho ngành y tế. Chính vì vậy, chúng tôi là những người đi tiên phong trong việc ứng dụng blockchain vào y tế sức khoẻ.
Việc xây dựng một nền tảng với blockchain sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức, thành công cũng không dễ dàng. Chị thấy triển vọng nằm ở đâu để quyết định lựa chọn và phát triển?
Tôi thấy rằng tất cả mọi người đều cần có quyền sở hữu và kiểu soát, quyết định về dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu y tế của mình. Khi người dùng có toàn quyền với dữ liệu y tế cá nhân thì họ có thể chia sẻ thông tin của mình cho các bệnh viện, đơn vị nghiên cứu với những mục đích cụ thể.
Hơn nữa, các bác sĩ và hệ thống y tế cũng có nhiều cơ sở và dữ liệu hơn cho lộ trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân nếu quá trình chia sẻ dữ liệu đơn giản mà vẫn giữ được độ bảo mật cao.
Đồng thời, tôi thấy được nhu cầu số hoá của ngành y tế và khi đưa blockchain vào phát triển ứng dụng chuyên trong lĩnh vực y tế sẽ đưa người dùng trở thành trung tâm, từ đó đưa dữ liệu y tế đến với người dân. Do đó, tôi lựa chọn blockchain và phát triển.
Chị là nhà đồng sáng lập và giám đốc tại dHealth Foundation (Thụy Sĩ) (nền tảng truy xuất thông tin sức khỏe trên thị trường trực tuyến dựa vào công nghệ blockchain). Trên thực tế, chị đã ứng dụng nền tảng dữ liệu này cho những hoạt động cụ thể nào trong đời sống?
Chúng tôi có rất nhiều ứng dụng vào đời sống. Điển hình như tính năng Health2Earn, đây là tính năng được phát triển để khuyến khích người dùng hoạt động thể thao như chạy bộ, đạp xe, leo núi… thông qua app Strava. Cụ thể, người dùng sẽ sử dụng như đang chơi trò chơi, người dùng tham gia các hoạt động thể thao như đi bộ, cắm trại, bơi lội,… và được nhận lại token. Tính năng này từ lúc ra mắt đã được rất nhiều người dùng hưởng ứng.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện phát triển ứng dụng trong khám chữa bệnh. Ứng dụng này được dùng với mục đích khuyến khích bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị trong thời gian dài của các bệnh viện.
Cụ thể, người dùng sẽ sử dụng ứng dụng như đang chơi trò chơi, người dùng chỉ cần quẹt các câu hỏi mà bác sĩ đưa ra mỗi ngày. Dữ liệu câu trả lời sẽ được gửi về bệnh viện để kiểm soát quá trình thực hiện theo phác đồ điều trị.
Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển ứng dụng chuyên sử dụng trong quá trình tặng và nhận nội tạng, theo dõi phân phát vaccine. Ứng dụng này giúp các bên liên quan biết được điểm đầu và điểm cuối của một quá tình tặng và nhận nội tạng, phân phát vaccine để dễ kiểm soát hơn.
Sau nhiều năm phát triển, dHealth đã làm thế nào để tiếp cận nhiều người dùng hơn?
Hiện nay, chúng tôi làm việc với các đối tác làm việc trực tiếp với bệnh nhân để thu hồi ý kiến và sau đó thực hiện các cuộc khảo sát mà người dùng sẽ được thưởng. Cụ thể, người dùng cứ trả lời các câu hỏi thì sẽ được thưởng token và từ đó chúng tôi thu thập thông tin rồi cải thiện ứng dụng.
Xét về mặt tính năng, chúng tôi nhận thấy người dùng không cần thêm nhiều app nữa, cái họ cần là một nền tảng chung, một nền tảng mở, tức là người dùng có thể tự xây dựng app riêng của mình trên một nền tảng, điều này đúng hơn với tinh thần của blockchain.
Do đó, hiện nay chúng tôi tập trung xây dựng nền tảng hơn là xây dựng riêng một cái ứng dụng như trước kia. Nói một cách nôm na thì nền tảng này giống như trò chơi xếp hình LEGO, thay vì chúng tôi đi xây một cái nhà thì chúng tôi xây khung nhà rồi đưa tới người dùng. Sau đó, người dùng sử dụng các tính năng có sẵn lắp ghép thành ngôi nhà của mình theo nhu cầu cá nhân.
Trên thực tế, các app trên thị trường không có sự kết nối với nhau. Chúng tôi nhận thấy, thị trường cần có một cổng liên thông. Ví dụ như trong ngành y tế, các bệnh viện rất cần một cổng dữ liệu có thế liên kết giữa các bệnh viện với nhau, từ đó bệnh nhân đến khám ở nhiều bệnh viện khác nhau có thể lưu trữ dữ liệu khám bệnh trên một nền tảng mở, và họ có khoá bảo mật đến dữ liệu của mình.
Đây là phần mà các app trên thị trường đang thiếu, chính vì vậy chúng tôi đang tập trung phát triển theo hướng này để tạo sự khác biệt trên thị trường.
Sau 5 năm Start-up, thành tích đã đạt được của dHealth Foundation có ý nghĩa thế nào với chị?
Tính đến nay, công ty của chúng tôi đã được 3 công ty dược lớn đồng ý tham gia vào (Roche, Novartis, Eli Lilly), khi được các công ty dược lớn tham vào sẽ được coi là một “big deal” trong ngành. Ngoài ra, chúng tôi cũng có sự tham gia từ nhiều đối tác trên thế giới, nhất là các trường đại học.
Các đối tác tìm đến chúng tôi vì họ hiểu rằng đã đến lúc cần phải số hoá ngành y tế và họ cần chúng tôi cung cấp cho họ giải pháp số hoá. Mặc dù đây chỉ là những bước nhỏ trong quá trình phát triển nhưng tôi nghĩ đây cũng là những thành tựu mà cả công ty đã nỗ lực đạt được.
Khởi nghiệp thì đương nhiên sẽ có rất nhiều khó khăn, như tất cả các công ty khởi nghiệp khác, khó khăn về mặt tài chính, thời gian, đặc biệt là vấn đề con người. Thực tế, nhân tài về blockchain không nhiều, để tìm được người hiểu được cả blockchain và y tế thì cực hiếm.
Do đó, tìm được người làm được trong lĩnh vực này rất khó. Khi giải quyết được vấn đề con người thì có thể giải quyết được những vấn đề khác.
Được bình chọn là một trong số những người phụ nữ có ảnh hưởng đến giới blockchain ở châu Âu năm 2018, theo chị, ảnh hưởng của cá nhân mình trong lĩnh vực này như thế nào?
Lúc bắt đầu khởi nghiệp, tôi thấy nhiều người cứ nhắc đến blockchain là nhiều người nghĩ đến tiền mã hóa nhưng tiền mã hóa chỉ là một phần nhỏ thôi. Blockchain còn có nhiều ứng dụng hay ho khác, điển hình như trong lĩnh vực y tế, chuỗi cung ứng…
Tôi là một trong những người đầu tiên ứng dụng blockchain vào y tế để hướng đến người dùng. Cụ thể, blockchain sẽ tạo ra ứng dụng trao dữ liệu, trao quyền kiểm soát cho người dùng. Quan trọng rằng, việc ứng dụng blockchain vào y tế sẽ tạo ra cách tiếp cận mới và nhận thức khác cho mọi người về công nghệ này.
Khởi nghiệp với blockchain đã rất khó và đòi hỏi nhiều thời gian mới có thể thành công, nhưng chị vẫn tham gia một số tổ chức hỗ trợ các bạn trẻ như V-Space Global và AVSE Global. Làm thế nào để có thể thực sự đem lại giá trị trong những tổ chức đó mà vẫn đảm bảo đủ thời gian cho startup của mình?
Tôi cũng dành khá nhiều thời gian cho các dự án hỗ trợ các bạn trẻ. Thực tế, các cuộc họp với các dự án này thường được tổ chức vào các giờ nghỉ trưa hoặc vào lúc 9-10h tối. Điều này giúp tôi đảm bảo được thời gian cho startup của mình.
Việc tham gia vào các tổ chức hỗ trợ các bạn trẻ giúp tôi học hỏi được nhiều thứ từ những người xung quanh. Quá trình tham gia tôi nhận được nhiều năng lượng tích cực và thực tế tôi nhận được nhiều hơn là cho đi.
Kỳ vọng của chị khi khởi nghiệp về ứng dụng blockchain vào lĩnh vực y tế là gì?
Nhắc đến blockchain là nhiều người nghĩ tới bitcoin và tiền mã hoá nhưng tôi mong muốn nhắc đến blockchain mọi người sẽ nghĩ đến các ứng dụng như trong lĩnh vực y tế sức khỏe, supply chain.
Đặc biệt, tôi mong muốn một ngày nào đó, mọi người sẽ nghĩ ngay đến dHealth Foundation khi nhắc đến blockchain trong y tế, giống như việc cứ nghĩ đến mua sắm trực tuyến là mọi người nghĩ đến Amazon. Và một ngày nào đó, tôi tin rằng, ứng dụng của công ty tôi có thể trở thành một trong những ứng dụng được yêu thích nhất trong nhóm chăm sóc sức khỏe.
Chị có dự án nào ở thị trường Việt Nam không?
Dự án đầu tiên chúng tôi đã chạy trước khi Covid-19 xảy ra đó là dự án về tuân thủ phác đồ điều trị bệnh lao cho bệnh nhân lao ở Bệnh viện Phổi Trung ương. Công ty chúng tôi thực hiện dự án rất nhanh vì kỹ thuật trong dự án này chỉ khoảng 20% so với các dự án khác thôi.
Tuy nhiên, việc số hoá trong ngành y tế phụ thuộc rất nhiều vào nhân viên y tế và bệnh nhân. Trên thực tế, không phải tất cả các bệnh nhân đều giỏi sử dụng điện thoại thông minh. Do đó, cần có người hướng dẫn cho bệnh nhân cách sử dụng.
Nhưng cái khó là không phải lúc nào cũng sẵn người để chỉ cho bệnh nhân. Chính vì thế, tôi nghĩ vấn đề của tất cả ứng dụng số hoá trong y tế nằm ở phần đầu cuối chứ không phải là vấn đề kỹ thuật. Bệnh nhân là trung tâm và mình sẽ làm dễ dàng nhất có thể. Một ứng dụng cần có độ bảo mật cao và thân thiện với người dùng thì không hề dễ dàng.
Mục tiêu phát triển ứng dụng trong thời gian tới của chị là gì?
Mục tiêu trong thời gian tới của chúng tôi đó là đưa chuyển đổi số trong ngành y tế về các vùng kém phát triển hơn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Những người dân ở các thành phố lớn thì không vấn đề gì nhưng người dân ở vùng sâu, vùng xa rất khó có thể thường xuyên lên thành thị để khám chữa bệnh.
Chính vì thế, chúng tôi muốn xây dựng một ứng dụng để giúp người dân có thể kết nối với bác sĩ từ xa và bác sĩ có thể theo dõi phác đồ điều trị cho họ. Chúng tôi hướng tới ứng dụng giúp bệnh nhân và bác sĩ kết nối với nhau, sau những đợt điều trị, bác sĩ sẽ cho lại bệnh nhân điểm thưởng, điểm thưởng này có thể được chuyển thành một dịch vụ nào đó trong y tế.
Trên thực tế, những ứng dụng công nghệ còn tương đối khó sử dụng đối với những người không biết gì. Điều này đặc biệt đúng với những người không được tiếp cận nhiều thông tin như ở vùng có điều kiện kém phát triển hơn. Chính vì thế, chúng tôi hướng tới xây dựng ứng dụng trên một trình duyệt mà hầu hết mọi người đều có thể sử dụng dễ dàng.
Trên hệ thống sẽ có các bước hướng dẫn người dùng, từ bước bảo mật thông tin, duy trì thông tin cho đến cách sử dụng. Trong hệ thống này, người dùng vẫn có quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân và việc sử dụng hết sức đơn giản.
Chị đánh giá ra sao về tiềm năng phát triển của blockchain ở thị trường Việt Nam?
Thị trường Việt Nam thực sự rất tiềm năng, một trong những tiềm năng lớn nhất đó là chuyển đổi số. Việt Nam có dân số rất trẻ, trẻ hơn so với nhiều thị trường khác như Thuỵ Sĩ, Nhật Bản, và nhiều nước Âu Châu.
Dân số Việt Nam trẻ nên những cái gì mới sẽ rất được ưa chuộng. Thật ra, có rất ít quốc gia đặt công nghệ thông tin vào chiến lược phát triển quốc gia. Tại Việt Nam, từ chính phủ cho đến các trường đại học, khoa công nghệ thông tin là một trong những ngành được chú trong phát triển mạnh nhất.
Điều này cho thấy Việt Nam đang có sự chuẩn bị về tương lai rất mạnh, chuẩn bị từ nền tảng cho đến nguồn nhân lực. Đây chính là một trong những lợi thế của thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn nằm trong nhóm những nước có nguồn xuất khẩu công nghệ lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là một điểm mạnh của Việt Nam so với các nước khác.
Cảm ơn chị!
Nguồn: toquoc.vn