Saturday, April 20, 2024

Họa sĩ Nguyễn Sơn: ‘Có ai nghe thấy một tiếng vọng’…

Trong số các họa sĩ thế hệ 7X ở Sài Gòn thì có lẽ tôi thân với Nguyễn Sơn hơn cả. Khi cuốn tiểu thuyết Hát của tôi ra đời (khoảng 2015), Nguyễn Sơn là một trong những người đọc đầu tiên. Đọc xong, Nguyễn Sơn bảo tôi “Nhân vật Kỷ trong tiểu thuyết giống tôi quá ông ạ”. Đến lượt tôi lại ngạc nhiên. Bởi chúng tôi từng ngồi với nhau ở cà phê Nâu dông dài bao nhiêu chuyện, nhưng đời tư của Sơn, tôi chưa từng hỏi và cũng gần như không biết gì nhiều.

Họa sĩ Nguyễn Sơn:

Họa sĩ – nghệ sĩ thị giác Nguyễn Sơn

Tôi chỉ biết Nguyễn Sơn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mẹ Sơn vốn là diễn viên hay nhà biên kịch, thuở nhỏ Sơn từng lang thang theo nhiều đoàn làm phim hoặc thơ thẩn sau cánh gà sân khấu. Rồi Sơn vô Sài Gòn, học mỹ thuật trong này, trở thành một nghệ sĩ tự do.

Hóa ra là Nguyễn Sơn cũng mê ca trù và cổ cầm như nhân vật Kỷ trong tiểu thuyết Hát. Và, Nguyễn Sơn cũng tự nhân mình có cái tâm thế cùng dáng vẻ bề ngoài tương tự Kỷ. Nhưng, theo tôi, Nguyễn Sơn không giống như Kỷ – một tri thức mất phương hướng, Nguyễn Sơn là một nghệ sĩ nhập thế. Tính hoang mang bản thể, xét cho cùng là cần thiết cho bất kỳ nghệ sĩ sáng tạo nào, nhưng trên hết đó là cái nhìn, thái độ và hành động của người nghệ sĩ đối với xã hội. Nguyễn Sơn là người có thái độ rõ ràng, chỉ có điều anh không “diễn ngôn”, mà tập trung vào tác phẩm hội họa.

Họa sĩ Nguyễn Sơn:
Bức Tin Mừng từ Golgotha (108x215cm, chất liệu tổng hợp, 2022)

Nguyễn Sơn dường như không có dáng vẻ của một nghệ sĩ, nếu như không nhìn vào mắt anh. Theo như tôi biết thì Nguyễn Sơn từng dạy vẽ cho trẻ ở trường dòng, từng làm thuê cho một công ty vẽ truyện tranh, cũng từng tham gia vào những dự án phim hoạt hình và phim điện ảnh… Nguyễn Sơn cũng từng chạy grab, từng làm shipper cho Bếp Ù của vợ (là họa sĩ Nguyễn Lan Phương) trong suốt nhiều năm trời. Do đó, có thể nói Nguyễn Sơn luôn đi vào đời sống, thậm chí Sơn dị ứng và khước từ cái gọi là “thế giới cung đình” trong nghệ thuật.

Giữa ngổn ngang cuộc đời, chúng ta thường thường thốt, không biết bắt đầu từ đâu, không biết nên tận tụy vào việc gì. Nghệ sĩ, chẳng phải cứ là “nghệ sĩ tính”, cứ ngồi tựa lưng bó gối ôm đầu… bên chén rượu, trong không gian mịt mù khói thuốc, như trên phim. Sự khổ hạnh cũng không phải để độc diễn trên sân khấu đời mình.

Họa sĩ Nguyễn Sơn:

Bức Người ở đâu? (159×113,5cm, chất liệu tổng hợp, 2021)

Họa sĩ Nguyễn Sơn:

Bức Ta ở đây (68,5x88cm, chất liệu tổng hợp, 2022)

Nguyễn Sơn có vẻ là kiểu nghệ sĩ mới. Từ hội họa giá vẽ tới ảnh kỹ thuật số, nghệ thuật sắp đặt và video art…, Nguyễn Sơn đều “bày trò” tới nơi tới chốn. Về sau này, Nguyễn Sơn lại triển khai sơn mài, đến thi công các chất liệu sắt, đồng, nhôm và vẽ 3D bằng keo epoxy. Món nào Sơn cũng “bập vào” và “nghiện ngập”. “Vẽ epoxy gần với vẽ nước, đạt được tập trung trong sự miên man, đạt được tính thư nhàn hay đùa chơi với nước thuở nhỏ. Nhưng, epoxy khác nước: tự thân nó không tan biến, giống như kỷ niệm. Kỷ niệm là thứ rất lạ nó sinh ra ở quá khứ và tái sinh ở hiện tại”, Nguyễn Sơn nói về kỹ thuật này. Cũng bằng kỹ thuật này, Nguyễn Sơn “múa tay” và “đóng băng” nhiều khoảnh khắc, khiến người xem vừa ấn tượng thị giác vừa tràn ngập trong miền cảm xúc kỷ niệm.

Nhân loại vừa trải qua những năm tháng khốn cùng chống chọi với đại dịch Covid-19. Chúng ta cũng vậy. Và Nguyễn Sơn cũng vậy. Chỉ có khác, trong đại dịch, nhiều người gần như tê liệt vì sợ hãi, thì Nguyễn Sơn vẫn miệt mài làm việc. Sơn cố vượt lên nỗi sợ hãi có nguy cơ đông cứng, vận hành xưởng vẽ tại nhà, vật lộn suốt hai năm ròng để hoàn thành dự án nghệ thuật Tiếng vọng/ Bản ngã.

Trong dự án này, Nguyễn Sơn vẫn tiếp tục kết hợp hội họa giá vẽ với các kỹ thuật khác để chuyên chở những ý niệm của cá nhân. Hình như đây là lần đầu tiên Nguyễn Sơn đưa tôn giáo vào trong tác phẩm của mình. Miền thánh giá xa xanh của Nguyễn Sơn quả thật đã neo vào trong trí nhớ của người xem từ lúc nào không biết. Nhưng không chỉ có xanh và xám, mà còn có những đường bay rắc vàng. Cái chất vàng son của sơn mài như bày ra đó, nhưng câu chuyện đã mở dẫn sang một không gian khác.

Tiếng vọng là khởi thủy. Hay mọi cội nguồn đều bắt đầu từ một tiếng vọng/ lời vọng? Ở đây, Nguyễn Sơn không đặt chúng ta vào sự hoang mang, trái lại anh đã định minh khi chọn tôn giáo (Công giáo) làm chủ thể cho tiếng vọng và bản ngã con người. “Tiếng vọng luôn còn đó, chỉ là chúng ta có muốn nghe nó hay không?”, Nguyễn Sơn bộc bạch.

Ở đây, tiếng vọng có thể xem là lời nhắc, điều răn; nhưng tiếng vọng cũng có thể là sự song thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa Đông và Tây, giữa Nam và Bắc, giữa cái cá thể với đám đông… Còn bản ngã, đơn giản là “cái tôi” hay cái “chính tôi”. Cái tôi, không phải để nhổ bỏ, xóa sổ; không phải để quên nó đi, mà rèn giũa nó như sự chiêm nghiệm và quan sát tinh tế. Đây là điều cốt tủy của con người, mà Nguyễn Sơn đã mượn nghệ thuật để bộc bạch lòng mình.

Họa sĩ Nguyễn Sơn:

Trước lúc bình minh (56x76cm; chất liệu tổng hợp, 2021)

“Tìm hiểu những tác giả, nghệ sĩ lớn của dân tộc, tôi có cảm giác sự mâu thuẫn biến mất chỉ còn những trạng thái tinh thần thăng hoa, những giá trị nghệ thuật đích thực, sự cống hiến. “Tôi vô can ngây thơ đó chỉ là một nhận định chủ quan nhất thời bởi tôi có là một cọng cỏ dại hay một vì sao trên trời thì cỏ dại và sao ấy vẫn chịu tác động từ mọi phía, từ thời gian trong suốt quá trình tồn tại. Không thể lý giải hay phân tích tới kiệt cùng những gì thuộc về lịch sử dân tộc, nhân loại, nhưng có thể nhập vai và tái tạo một vài khoảnh khắc sống bằng sự nhạy cảm. (Nguyễn Sơn)

Xem loạt tác phẩm chuẩn bị triển lãm của Nguyễn Sơn, trong lòng tôi tràn đầy xúc cảm. Lúc này tôi chợt nhớ tới câu châm ngôn được xem là slogan cho phái Đan tu: “Cầu nguyện và Lao động”. Lao động mang lại cho chúng ta lương thực. Cầu nguyện giúp linh hồn chúng ta được cứu rỗi. Lao động và cầu nguyện, là hai vế trong một cuộc đời, cần phải duy trì bền bỉ, dù mình là ai. Và, tôi cũng chợt nhận ra, trong suốt mấy năm “chống chọi” với đại dịch Covid-19, chính Nguyễn Sơn cũng đã luôn “Cầu nguyện và Lao động”. Anh khảo sát nội tâm, hướng tới đức tin, trỗi dậy niềm đam mê sáng tạo cuồng nhiệt.

Cuối cùng, tôi nghĩ, nếu bỏ đi tất cả mọi lý sự rườm lời, thì xem tranh của Nguyễn Sơn chúng ta vẫn thấy mình được bay trong miền sắc màu, lạc trong đó chúng ta sẽ tìm thấy được niềm giao cảm hiện sinh. Và, lúc này, trong tôi chợt vang lên hai câu thơ của cố thi sĩ Trần Lê Văn: “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi”.

Triển lãm ‘Tiếng vọng/ Bản ngã’ của họa sĩ – nghệ sĩ thị giác Nguyễn Sơn do Sóng Mây Contemporary Art Museum (SMCAM) tổ chức; Giám tuyển: Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) từ ngày 2.12 – 18.12. Triển lãm gồm: 21 tranh giấy, 18 tranh chất liệu tổng hợp, 1 sơn dầu, 5 nghệ thuật vật thể, hai sắp đặt kết hợp 2 videoart (3D mapping), 1 trình chiếu video art.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img