Friday, March 29, 2024

Nhạc sĩ Trọng Bằng – Trọn vẹn với nền âm nhạc Việt Nam

Những năm gần đây, giới âm nhạc liên tục phải đón nhận nhiều tin buồn khi chứng kiến nhiều cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam lần lượt ra đi. Dẫu biết sinh – lão – bệnh – tử là quy luật tự nhiên, nhưng khi nghe tin NSND Trọng Bằng rời cõi tạm vào ngày 21/11, nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ không khỏi bàng hoàng, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn. Sự ra đi ấy là tổn thất lớn, bởi không ai có thể thay thế được người nhạc sĩ, người thầy đã dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ, góp phần xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Người nhạc sĩ, nhạc trưởng tài ba

Giáo sư, nhạc sĩ, NSND Trọng Bằng sinh ngày 1/5/1931 tại Cao Bằng (quê gốc tại Gia Lâm, Hà Nội). Ông là Nguyên giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), nguyên tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ V và VI, đại biểu Quốc hội khóa X. 

NSND Trọng Bằng bắt đầu hoạt động âm nhạc từ khi còn là học sinh các trường trung học thời kháng chiến ở Liên khu IV cũ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa – khóa I, ông được cử đi làm công tác văn nghệ ở mặt trận Trung Lào, sau đó làm Đội trưởng Đội Ca nhạc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam).

Năm 1963, ông là một trong ba sinh viên đầu tiên của Việt Nam được cử đi học chuyên ngành Chỉ huy giao hưởng ở các Nhạc Viện danh tiếng thời bấy giờ của Liên Xô cũ. Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng xuất sắc tại Nhạc viện Tchaikovsky. Trở về nước, ông tham gia công tác giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam và là chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng – Hợp xướng – Nhạc vũ kịch Việt Nam, sau giữ vị trí Phó giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật (1975).

Dù đảm nhận vai trò quản lý nhưng NSND Trọng Bằng vẫn luôn gắn bó với nghề chỉ huy, tham gia các chương trình lớn nhỏ mang tính hàn lâm. NSND Trọng Bằng là nhạc trưởng đầu tiên chỉ huy các buổi hòa nhạc giao hưởng nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh từ sau năm 1975, đặc biệt chương trình hoà nhạc diễn ra tại Nhà hát thành phố ngày 1/6/1975, chào mừng Đại thắng mùa xuân. 

Hình ảnh nhạc trưởng trẻ tuổi người Bắc chỉ huy dàn nhạc xuất thần vẫn còn in đậm nét trong ký ức của nhiều nhân chứng lịch sử, nhạc sĩ tên tuổi, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha. Nhớ lại giây phút đó, nhạc sĩ Thuỵ Kha bồi hồi chia sẻ: “Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bao người lính giải phóng áo quần còn lấm bụi trường chinh, chiếc mũ tai bèo khoác sau lưng đã rơi nước mắt khi nghe Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam từ Hà Nội vào Nhà hát lớn Sài Gòn trình diễn Giao hưởng số 5 “Định mệnh” của L.V.Beethoven. Người chỉ huy dàn nhạc khi ấy chính là Trọng Bằng”. 

Theo nhạc sĩ Thuỵ Kha, NSND Trọng Bằng là nhạc trưởng chỉ huy giao hưởng đáng nể trọng với trí nhớ tuyệt vời, ông thuộc khoảng 600 bản giao hưởng thế giới: “Suốt từ 1972-1984, Trọng Bằng đã đỡ trên đôi vai sứ mệnh duy trì Dàn nhạc Giao hưởng với tư cách là người chỉ huy cao nhất. Trong thập kỷ hồi sinh này của âm nhạc giao hưởng, Trọng Bằng dù đã cao tuổi, vẫn là một cây đũa chỉ huy nhạy cảm và “rất có hồn”. Không bao giờ quên một thu vàng se lạnh của Hà Nội, Trọng Bằng đầy thăng hoa, khi chỉ huy giao hưởng…”. 

Không chỉ là nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, NSND Trọng Bằng cũng từng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Moskva trong chương trình “Những ngày Văn hóa Việt Nam” tại Nga năm 1985, dàn nhạc Electone ở Tokyo (Nhật Bản) mùa hè 1995… Nhiều nghệ sĩ tầm cỡ của các nước như Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Mỹ… cũng đã đến Việt Nam biểu diễn cùng với dàn nhạc Giao hưởng ở Hà Nội dưới sự chỉ huy của ông.

NSND Trọng Bằng còn có đóng góp to lớn cho nền âm nhạc bác học nước nhà bằng các tác phẩm khí nhạc như Vũ khúc viết cho cello và piano, ouverture “Chào mừng” (1986), giao hưởng thơ “Người về đem tới ngày vui” (1990)…, ouverture fantaisie “Chào thiên niên kỷ mới” (2000), hai tổ khúc hợp xướng “Mùa xuân trên quê hương đổi mới” (2002) và “Trường ca Tây Bắc” (2004).

Bên cạnh đó, ông còn có những sáng tác xoay quanh chủ đề về sản xuất và chiến đấu. Trong đó tuyển tập ca khúc “Tình quê hương” ra đời năm 1976 gồm nhiều bài hát đã in đậm dấu ấn những năm tháng hào hùng của đất nước như “Tình quê hương”, “Tây Bắc sáng lại”, “Nhịp máy khoan”, “Những dũng sĩ Núi Thành”, “Bài hát bên cầu phao”, “Trăng sáng trên tuyến đường”, “Pháo ta gầm”, “Bài ca người chiến sĩ công an nhân dân”, “Quê hương vang lên tiếng hát tự hào” … Trong đó, ca khúc “Bão nổi lên rồi” được ông viết năm 1968 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Ca khúc có một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Tâm huyết với thế hệ tương lai

Được đào tạo bài bản, chính quy ở nước ngoài, NSND Trọng Bằng đã tích luỹ được vốn kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm phong phú để truyền dạy cho các thế hệ học trò. Người thầy ấy đã đưa rất nhiều “chuyến đò”, đào tạo nên biết bao lớp nghệ sĩ, chỉ huy nổi tiếng như: Nguyễn Thiếu Hoa, Phạm Ngọc Khôi, Lê Phi Phi,… 

Là một trong những học trò thành công của NSND Trọng Bằng, NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: “Với tôi, Giáo sư, NSND Trọng Bằng là một người thầy đã gắn bó cùng tôi suốt một chặng đường. Ông đã chỉ dạy cho chúng tôi bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn mà ông tích luỹ được sau nhiều năm nghiên cứu, học tập ở nước ngoài trên bước đường đào tạo những người làm âm nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt ở chuyên ngành khó nhất: Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Ông phổ quát các trường phái âm nhạc cũng các giai đoạn phát triển của âm nhạc thế giới, sau đó, tổng kết lại bằng một sự diễn đạt dễ hiểu, giúp nhiều người có thể tiếp cận. Những điều đó là nền tảng cơ bản vô cùng tốt giúp chúng tôi phát triển và có những thành công như hôm nay.

Học trò của ông có những người năm nay đã trên 80 tuổi, đã có những đóng góp to lớn trên nhiều mặt trận của nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng với sự thâm tình, ông luôn điềm đạm dặn dò chúng tôi luôn luôn phải sáng tạo, tìm tòi và đừng bao giờ thoả mãn. Vì chúng ta không bao giờ được tụt hậu mà phải tự mình vươn lên bằng nội lực của chính mình. Đây cũng là động lực để đội ngũ ở thế hệ mới tiếp tục phát huy thành tựu nối tiếp của thế hệ trước”. 

Đối với các học trò, Giáo sư Trọng Bằng luôn toát lên sự gần gũi, cởi mở.  NSND Phạm Ngọc Khôi chia sẻ: “Ông có biệt tài ra câu đối, đặc biệt vào những ngày lễ tết. Nhờ đó chúng tôi có những kỉ niệm vui cùng ông. Sự gần gũi toát ra từ con người ông, mặc dù ông giữ rất nhiều vị trí quan trọng nhưng đối với chúng tôi, Giáo sư, NSND Trọng Bằng là một người thầy tận tụy, sáng tạo, nghĩa tình và vô cùng hiền hậu”.

“Ở cương vị nào NSND Trọng Bằng cũng thể hiện xuất sắc vai trò”

Đứng đầu hai đơn vị nghệ thuật quan trọng của nước nhà là Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), NSND Trọng Bằng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam thông qua công tác đào tạo, định hướng, bồi dưỡng và phát triển tài năng nghệ thuật cho nước nhà cũng như quản lý hàng nghìn hội viên trong cả nước. 

Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thế hệ kế nhiệm của NSND Trọng Bằng cho biết: “15 năm làm công tác Hội, NSND Trọng Bằng đã xây dựng đội ngũ hội viên rất vững chắc. Ông luôn luôn quan tâm đến sự sáng tạo của hội viên, cho họ những trải nghiệm chuyên môn về nghề nghiệp, đóng góp rất nhiều trong công tác hội”. 

Từng được NSND Trọng Bằng dìu dắt, nhà phê bình lý luận Trần Lệ Chiến, Phó Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc nhớ lại: “NSND Trọng Bằng và nhạc sĩ Hồng Đăng đã là hai người đã động viên tôi làm đơn xin vào Hội để có điều kiện trau dồi nghề nghiệp của mình. Và tôi đã trở thành hội viên trẻ nhất của Hội khi ấy, năm 1995. Gần gũi, tiếp xúc nhiều với nhạc sĩ Trọng Bằng qua công việc và những tác phẩm của ông, tôi càng trân trọng những gì mà ông đã dâng tặng cho đời. Nhạc sĩ Trọng Bằng là người đa tài nhưng ông lại là người điềm đạm, nhân hậu. Ở cương vị nào ông cũng thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Ông không chỉ là một nhà quản lý giỏi, một nhà giáo lỗi lạc với hàm Giáo sư, một nhà chỉ huy tài ba với danh hiệu NSND”.

Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, NSND Trọng Bằng đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vào năm 2013 và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật vào năm 2017. 

Dù NSND Trọng Bằng đã đi xa nhưng những khát khao, mong ước của ông về một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc sẽ còn được thế hệ các học trò của ông gìn giữ và tiếp nối đến tận mai sau./. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img