Đó là chia sẻ của ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về thực trạng của ngành Thủy sản Việt Nam hiện nay.

Ông Trương Đình Hòe cho biết, hiện nay thế giới đang ngày càng gia tăng việc sử dụng thực phẩm là thủy sản, năm 2021, trị giá thương mại của thủy sản đạt 164 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với thương mại thịt bò của thế giới, gấp 5 lần so với thịt lợn và 8 lần so với thịt gia súc gia cầm.

70% nguyên liệu chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay có nguồn gốc từ sản phẩm thủy sản nuôi trồng với hai mặt hàng lớn nhất là tôm và cá tra. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so với năm 2018, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng thủy sản sẽ được xuất khẩu vào năm 2030.

Theo Tổng Thư ký VASEP, xu hướng và vấn đề sử dụng thủy sản không chỉ cho thấy đây là mặt hàng mang lại lợi ích về sức khỏe mà đồng thời còn phản ánh cho vấn đề sản xuất xanh. Bởi hiện nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản của thế giới chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần trong tương lai.

“Cho nên chúng tôi nghĩ rằng xu hướng cho ngành thủy sản là xu hướng sản xuất xanh. Việt Nam hiện cũng đang đi theo lộ trình như vậy”, ông Hòe nhận định.

Để chuyển đổi xanh của ngành thủy sản Việt Nam, theo VASEP thì bao gồm 3 mục tiêu cốt lõi: Mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, quản lý hiệu quả tất cả nghề cá và nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản.

Trong 10 năm tới, mục tiêu của nuôi trồng thủy sản phải mở rộng bền vững để đáp ứng khoảng cách về nhu cầu thức ăn thủy sản trên toàn cầu, đặc biệt là ở các vùng thiếu lương thực, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập và việc làm mới. Điều này đòi hỏi phải cập nhật quản lý việc nuôi trồng thủy sản bằng cách thúc đẩy cải thiện quy hoạch, khung pháp lý và thể chế và chính sách.

Ngành thủy sản và xu thế tất yếu chuyển đổi xanh

Hiện nay thế giới đang ngày càng gia tăng việc sử dụng thực phẩm là thủy sản

Có một thực tế là doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp cận kinh tế xanh đã có từ rất sớm, ông Hòe chia sẻ: 10 năm trước đã có tổ chức tài trợ về vấn đề tôm sinh thái tại Cà Mau. Khi đó, sản phẩm tôm của công ty Camimex được bán tại Thụy Sỹ với giá cao hơn 20% so với sản phẩm tôm thông thường, đồng thời các doanh nghiệp hiện đã tham gia hoạt động sản xuất theo kinh tế tuần hoàn như sử dụng phụ phẩm tạo ra colagen từ cá tra, vỏ tôm. Điều này góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế tuần hoàn của ngành, mang lại hiệu quả không hề nhỏ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cho doanh nghiệp thủy sản. Cụ thể, VASEP cho biết việc thực hiện mô hình (kỹ thuật) sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh đã được tiến hành, nhưng để nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn, thử thách cả khách quan lẫn chủ quan.

Thị trường và người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất theo hướng kinh tế xanh. Nếu đợi sản xuất đi theo khi thị trường đòi hỏi bắt buộc thì doanh nghiệp sẽ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm cùng loại.

Ngành thủy sản và xu thế tất yếu chuyển đổi xanh

Vẫn còn nhiều thách thức cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam

Cũng theo Tổng thư ký VASEP, đối với các nhà quản lý của các doanh nghiệp, sự nhạy cảm đối với vấn đề môi trường của các nhà quản lý đóng vai trò tiên quyết nên các nhà quản lý cần tăng cường tính nhạy cảm và cam kết đối với các vấn đề xanh, đặc biệt là trong phòng/ban xuất khẩu của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp cần tạo điều kiện nuôi dưỡng và phát triển tư duy xanh trong công ty, bao gồm xây dựng các chương trình đào tạo “xanh”, khuyến khích việc áp dụng các “thực hành xanh” trong doanh nghiệp.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nên thường xuyên rà soát, cập nhật để hiểu rõ các yêu cầu từ thị trường, từ các quy định, luật lệ và từ thực tiễn cạnh tranh liên quan đến các vấn đề sinh thái, từ đó giúp công ty điều chỉnh chiến lược xuất khẩu xanh cho phù hợp.