Friday, April 19, 2024

Giải mã cách các nghệ nhân Nhật Bản chinh phục thế giới giày

(Chuyện Nóng 24h) – Trang Nikkei Asia đã chia sẻ cách các nghệ nhân Nhật Bản định hình lại một xu hướng thời trang cổ điển.

Wataru Shimamoto, một sinh viên Luật, đến từ thị trấn lịch sử ven biển Kamakura, phía tây nam Tokyo, thì xu hướng thời trang cao cấp đưa anh sang một hướng mới. Có đam mê với những đôi giày thủ công tinh xảo, Shimamoto quyết định nhận việc trong một cửa hàng sửa giày, một con đường không liên quan gì đến luật pháp.

Bước tiếp theo của Shimamoto thậm chí còn lớn hơn: Chuyển đến Florence (Italy), nơi anh không hề biết một ai. Nhưng anh vẫn quyết tâm đi để học nghề làm đồ da – một nghề thủ công đã giúp thành phố hiện đại của Italy được ca ngợi trên toàn cầu.

Và cuối cùng, anh lại học việc trong khoảng một thập kỷ dưới sự hướng dẫn của một người Nhật Bản khác, người đã thực hiện một hành trình tương tự. Sư phụ của anh chính là Hidetaka Fukaya, một thợ đóng giày có nền tảng ban đầu là một nhà thiết kế và đang điều hành một xưởng vẽ ở Florence.

Shimamoto hiện đã trở lại quê hương tỉnh Kanagawa và mở một xưởng đóng giày của riêng mình. Anh cũng là người tiên phong của một cộng đồng thợ thủ công đang ngày càng phát triển ở Nhật Bản. Yukihiro Sugawara, tổng biên tập của Last, một tạp chí chuyên về giày nam, cho biết: “Những người thợ đóng giày Nhật Bản dường như yêu nghề hơn cả những người châu Âu. Họ có tính tò mò mạnh mẽ. Họ không tiếc công sức học tập, bao gồm cả việc tìm kiếm các tài liệu từ thế kỷ trước về đóng giày.”

Giải mã cách các nghệ nhân Nhật Bản chinh phục thế giới giày - Ảnh 1.

Shimamoto dành nhiều tâm huyết cho những đôi giày. Ảnh: Nikkei Asia.

Khẳng định vị thế toàn cầu

Sự tận tâm đó đang được đền đáp. Năm ngoái, Shimamoto đã giành vị trí số 1 trong Giải vô địch thế giới về đóng giày, được tổ chức tại London vào tháng 5.

Trong khi đó, vào tháng 2, một nghệ nhân đóng giày Nhật Bản khác, Noriyuki Misawa, đã được chọn là một trong những Người chiến thắng Giải thưởng Đặc biệt tại Giải Giày dép Toàn cầu của Mỹ. Các bài dự thi đến từ 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, và các thành viên ban giám khảo bao gồm các nhà thiết kế từ Prada và Adidas.

Tại giải vô địch giày thế giới ở London, người giành vị trí thứ hai và thứ ba cũng là người Nhật Bản. Trước đó, thành tích cao nhất của một nghệ nhân Nhật Bản tại cuộc thi này là vào năm 2019, khi Eiji Murata của thương hiệu Main d’Or về thứ ba. Cuộc thi sau đó bị gián đoạn cho đến tháng 5 vừa qua, khi có kỷ lục 6 trong số 10 thí sinh xuất sắc nhất đến từ Nhật Bản.

Cuộc thi được tổ chức bởi trang web Shoegazing của Thụy Điển và nhiều bên khác. Mặc dù số lượng bài dự thi năm ngoái giảm xuống còn 30 bài thi vì đại dịch, nhưng cuộc thi đã quy tụ các nghệ nhân lành nghề đến từ Anh, Pháp cùng 14 quốc gia và khu vực khác. Ban giám khảo gồm 9 chuyên gia bao gồm cả những người làm việc cho các thương hiệu giày lớn đã đánh giá các bài dự thi dựa trên mức độ khó, thiết kế và các tiêu chí khác.

Jesper Ingevaldsson, người điều hành Shoegazing, đã chỉ ra kỹ năng thiết kế và sự khéo léo xuất sắc của những người Nhật Bản đoạt giải.

Nỗ lực và đam mê truyền nghề

Shimamoto, 39 tuổi, cho biết anh chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ đứng đầu cuộc thi. Việc đóng giày theo yêu cầu bắt đầu bằng việc đo chân của khách hàng, sau đó làm các thanh gỗ theo hình dạng của mỗi bàn chân. Bước tiếp theo là tạo ra một thoi gỗ để định hình dáng sản phẩm trước khi các phần chi tiết cuối cùng được lắp ráp lại với nhau.

Shimamoto dành tới 70 giờ cho một đôi giày. Giá khởi điểm cho những đôi giày như vậy là 500.000 yên (3.870 USD) và anh làm được bốn đôi giày mỗi tháng, trong đó có 1 số sản phẩm đơn giản hơn.

Shimamoto cho biết đôi giày giúp anh vô địch thế giới xuất phát từ mong muốn kết hợp thẩm mỹ châu Âu và Nhật Bản. Lấy cảm hứng từ Art Nouveau, một xu hướng châu Âu thế kỷ 19 chịu ảnh hưởng của Japonisme, đôi giày có phần mũi và phần gót bằng đồng trông giống như huy hiệu của gia đình.

Giải mã cách các nghệ nhân Nhật Bản chinh phục thế giới giày - Ảnh 2.

3 đôi giày của 3 nghệ nhân Nhật Bản đứng đầu Giải vô địch giày thế giới ở London. Ảnh: Nikkei Asia.

Tài khoản Instagrammer MAX, người có 23.000 người theo dõi, đang chờ nhận đôi giày thứ 3 do Shimamoto thiết kế cho mình. MAX, người cho đến nay đã đặt hàng 25 đôi từ các thợ đóng giày Nhật Bản, cho biết: “Các nghệ nhân nước ngoài không thể bắt chước các chuỗi đường nét chạm khắc tuyệt đẹp của Shimamoto”.

Nhiều thợ đóng giày Nhật Bản cũng nhận được đơn đặt hàng từ khách hàng nước ngoài trên YouTube hoặc Instagram. Họ cũng nhận được sự chú ý bằng cách tham gia các buổi trình diễn tại khách sạn và các địa điểm khác.

Theo Last Editor Sugawara, có hơn 50 xưởng đóng giày thủ công ở Nhật Bản. Một số nghệ nhân này đã bắt đầu được khẳng định trên toàn cầu khoảng một thập kỷ trước. Ingevaldsson của tạp chí Shoegazing cho biết thông tin về những nghệ nhân này đã lan truyền trên Instagram sau khi trang web may mặc nam của Mỹ Styleforum giới thiệu họ.

Misawa, người chiến thắng Giải thưởng Giày dép Toàn cầu của Mỹ, cũng đã đưa nghệ thuật vào nghề đóng giày. Tác phẩm từng đoạt giải thưởng của ông, Foot’s Nest, có thiết kế lát gỗ xếp chồng lên nhau thành nhiều lớp và được tạo dáng theo hình bàn chân.

Ông Misawa đã học việc tại xưởng Materna lâu đời của Áo và năm 2010 đã giành được Giải thưởng Danh dự, giải thưởng cao nhất tại Cuộc thi Quốc tế của những người thợ đóng giày tại Đức. Tên của ông cũng được biết đến trên toàn thế giới. Đạo diễn phim Mỹ Spike Lee cũng là một khách hàng.

Misawa là một trong những nghệ nhân đóng giày thế hệ thứ hai của Nhật Bản học nghề ở nước ngoài. Ông đã học nghề tại một lớp học do Chihiro Yamaguchi thành lập, người đã học nghề đóng giày tại Cao đẳng Cordwainers (nay thuộc Cao đẳng Thời trang London) vào cuối những năm 1980 và 1990.

Ông hiện đang điều hành Lớp học cho các thợ đóng giày ở Tokyo, nơi ông đào tạo thế hệ thợ đóng giày tiếp theo.

Khoảng 70 học viên, từ thanh thiếu niên đến những người ở độ tuổi 60, đang học đóng giày tại xưởng của Misawa, trong đó có một số người mong muốn trở thành chuyên gia. Lớp học năm nay cũng có kế hoạch nhận sinh viên từ Mỹ và các nơi khác.

Trên thực tế, nhiều nghệ nhân từng học ở Nhật Bản đã mở xưởng ở châu Á và châu Âu. Ngay cả ở Vương quốc Anh, nơi được biết đến với những đôi giày nam chất lượng, cũng có rất ít cơ sở dạy nghề đóng giày thủ công một cách có hệ thống.

“Kỹ thuật của Nhật Bản là tốt nhất thế giới,” Chin Shiying, một người Singapore tham gia lớp học của Misawa hồi tháng 2 năm ngoái, cho biết, đồng thời khẳng định: “Tôi muốn mở một xưởng đóng giày ở đất nước mình sau khi học ở đây.”

An Bình


Nguồn: Toquoc.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img