Saturday, April 20, 2024

Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ chung tay ‘cứu’ nhà băng lâm nguy

Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã cùng nhau gửi 30 tỉ USD vào Ngân hàng First Republic (FRB) nhằm xoa dịu lo ngại rằng nhà băng này có thể là quân domino tiếp theo sụp đổ sau vụ phá sản của hai tổ chức cho vay tầm trung trong vòng một tuần qua.

Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ chung tay

Một chi nhánh của Ngân hàng First Republic ở Manhattan, New York

Theo AFP, tổng cộng 11 ngân hàng tư nhân của Mỹ tham gia nỗ lực này. Cụ thể, 4 ngân hàng bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo mỗi bên sẽ gửi 5 tỉ USD vào FRB. Goldman Sachs và Morgan Stanley mỗi bên sẽ gửi 2,5 tỉ USD, trong khi BNY Mellon, PNC Bank, State Street, Truist và US Bank mỗi bên gửi 1 tỉ USD.

“Hành động của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ phản ánh niềm tin của họ vào hệ thống ngân hàng nước này. Chúng tôi cùng nhau dồn sức mạnh tài chính và thanh khoản của mình vào hệ thống lớn hơn, nơi cần thiết nhất”, các ngân hàng cho biết trong một tuyên bố chung ngày 16.3.

Động thái diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các cơ quan quản lý khác của chính phủ liên bang Mỹ tung ra các biện pháp khẩn cấp vào cuối ngày 12.3 để trấn an người gửi tiền ở hai ngân hàng mới phá sản, Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature (SB). Sự sụp đổ của hai nhà băng tầm trung này có nguy cơ dẫn đến những tác động nghiêm trọng, lan rộng đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng của Mỹ cũng như toàn cầu.

Song nhiều câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ về việc liệu hành động chung tay quăng “phao cứu sinh” nói trên có thể củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào FRB cũng như sức khỏe của ngành ngân hàng nói chung hay không. Cổ phiếu của FRB, sau khi tăng trở lại hôm 16.3, đã sụt giảm hơn 20% giá trị trong giao dịch sau giờ làm việc, theo Financial Times (FT).

FT cho hay cổ phiếu rớt giá sau khi FRB tuyên bố tạm dừng chia cổ tức “trong giai đoạn bất ổn này”. Ngân hàng cũng cho biết họ sẽ xem xét thu hẹp các khoản vay, cũng như quy mô và thành phần của các hoạt động tổng thể. Trước đó, cổ phiếu của FRB đã giảm 64% giá trị trong vòng một tuần kể từ khi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, được chỉ định tiếp quản SVB.

Được thành lập vào năm 1985, FRB là ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ tính theo tài sản, với 212 tỉ USD vào cuối năm 2022. Nhà băng này nổi tiếng với dịch vụ ngân hàng chuyên biệt (private banking) và quản lý tài sản dành cho những người giàu có. Với tệp khách hàng như vậy, FRB có một tỷ lệ lớn tiền gửi không được bảo hiểm. 68% tài khoản của ngân hàng có số tiền gửi hơn 250.000 USD, mức được các cơ quan quản lý Mỹ tự động bảo vệ.

Giữ sự hỗn loạn của thị trường tài chính Mỹ vì sự sụp đổ của SVB và SB, một số người lo ngại rằng nhiều khách hàng của FRB có thể rút tiền “tháo chạy” để tìm kiếm sự an toàn tương đối tại các ngân hàng lớn, có nguồn tiền dồi dào ở Phố Wall.

Trong một dấu hiệu căng thẳng lớn hơn trong lĩnh vực ngân hàng, các nhà băng của Mỹ đã đổ xô đến Fed để được hỗ trợ sau khi SVB sụp đổ. Theo FT, ngân hàng trung ương Mỹ đã cho vay 160 tỉ USD trong tuần kết thúc vào ngày 15.3. Song song, Fed cũng đã giải ngân 142,8 tỉ USD để bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và SB.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img