Friday, March 29, 2024

Credit Suisse khủng hoảng, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ giải cứu

Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, đang rơi vào cảnh khủng hoảng và hỏi vay 54 tỉ USD từ ngân hàng trung ương.

Reuters ngày 16.3 đưa tin ngân hàng Credit Suisse đang tìm cách tăng cường thanh khoản khi hỏi vay 50 tỉ franc Thụy Sĩ (54 tỉ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, ngân hàng trung ương của nước này. Trước đó một ngày, giá cổ phiếu của Credit Suisse lao dốc đột ngột, giảm đến 30% và buộc ngân hàng trung ương phải lên tiếng cam kết sẽ hỗ trợ.
Credit Suisse khủng hoảng, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ giải cứu

Logo của Credit Suisse tại một chi nhánh ở Bern, Thụy Sĩ

Vấn đề của Credit Suisse đã tồn tại trong thời gian dài và bùng phát mới đây sau khi không được cổ đông lớn cam kết rót thêm vốn. Cụ thể, theo tờ The Guardian, Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB) – ngân hàng thương mại lớn nhất của Ả Rập Xê Út và là cổ đông chính của Credit Suisse đã từ chối rót thêm vốn vì quy định giới hạn mức cổ phần của SNB trong Credit Suisse là 10%. SNB hiện sở hữu 9,9% cổ phần của Credit Suisse.

Năm ngoái, Credit Suisse đã kêu gọi 4 tỉ franc Thụy Sĩ để phục vụ kế hoạch tái cơ cấu. Chủ tịch SNB Ammar Al Khudairy nói rằng Credit Suisse là ngân hàng rất mạnh và không cần thêm tiền sau lần gọi vốn đó.

Phát biểu của ông về quy định giới hạn mức cổ phần đã khiến giới đầu tư lo ngại Credit Suisse khó tìm thêm tiền từ Trung Đông trong trường hợp khẩn cấp.

Cộng với vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature ở Mỹ mới đây, bình luận của lãnh đạo SNB đã khiến giới đầu tư hoang mang và giá cổ phiếu của Credit Suisse trong ngày 15.3 có thời điểm giảm hơn 30% xuống mức thấp kỷ lục là 1,56 franc Thụy Sĩ. Chốt phiên, cổ phiếu của ngân hàng này giảm gần 25%, theo AFP.

Trong động thái để trấn an, Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ (FINMA) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ ra tuyên bố chung nói rằng Credit Suisse đáp ứng yêu cầu về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng quan trọng cho hệ thống. Hai cơ quan này nói Credit Suisse có thể xin ngân hàng trung ương hỗ trợ vốn nếu cần.

Vụ việc của Credit Suisse đã khiến giá cổ phiếu nhóm ngân hàng châu Âu giảm 7% trong ngày 15.3, với hàng loạt ngân hàng lớn như Barclays của Anh, Commerzbank của Đức, BNP Paribas và Societe Generale của Pháp đồng loạt giảm 7-12%.

Các cơ quan quản lý của châu Âu và Mỹ thông báo đang theo dõi tình hình liên quan Credit Suisse. Vụ việc của Credit Suisse dấy lên lo ngại về sức khỏe của ngành ngân hàng giữa thời điểm nhạy cảm sau sự sụp đổ của SVB.

Tuy nhiên, theo trang Axios, Credit Suisse – ngân hàng 167 năm tuổi, không phải là một quân domino đổ ngã sau những gì xảy ra với SVB tại Mỹ, mà do những những vấn đề nội tại của chính ngân hàng này. Năm 2021, Credit Suisse thiệt hại nhiều tỉ USD sau khi công ty tài chính Greensill tại Anh phá sản. Vài tuần sau đó, quỹ phòng hộ Archegos tại Mỹ cũng sụp đổ, khiến ngân hàng Thụy Sĩ thiệt hại hơn 5 tỉ USD. Ngoài ra, ngân hàng này còn vướng phải nhiều lùm xùm khác trong những năm qua.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, Credit Suisse có tổng tài sản 574 tỉ USD tính đến cuối năm 2022, giảm 37% so với cuối năm 2020. Số tiền này lớn hơn nhiều so với tổng tài sản của SVB vào cuối năm 2022 (212 tỉ USD).

Đơn vị quản lý tài sản của ngân hàng chịu trách nhiệm giám sát số tài sản 1.700 tỉ USD. Báo cáo thường niên còn cho thấy Credit Suisse bị lỗ 8 tỉ USD trong năm 2022 và có nhiều điểm yếu trong khâu kế toán trong giai đoạn 2021-2022. Theo CNN, khách hàng đã rút hàng tỉ USD khỏi Credit Suisse trong năm ngoái, gây nên khoản lỗ lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá cổ phiếu của ngân hàng giảm 67% trong 12 tháng qua.

Credit Suisse là một trong 30 tổ chức tài chính toàn cầu được Ban Ổn định Tài chính quốc tế coi là có tầm quan trọng đối với hệ thống, nghĩa là không thể sụp đổ vì quá lớn, thuật ngữ tiếng Anh là “too big to fail”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img