Saturday, April 20, 2024

Đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu với giáo viên từ mầm non đến THCS

Trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đề nghị xem xét giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ mầm non đến THCS như trước.

Cụ thể, đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi bộ luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS như trước đây (nam nghỉ hưu tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55) do sự phù hợp của học sinh các cấp học này với giáo viên lớn tuổi là không cao. 
Đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu với giáo viên từ mầm non đến THCS

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng tuổi nghỉ hưu của giáo viên từ mầm non đến THCS nên giữ như trước

“Nếu theo lộ trình quy định, đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60. Với đặc thù tính chất công việc và tâm lý lứa tuổi học sinh thì độ tuổi nghỉ hưu như vậy không phù hợp, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non”, báo cáo nêu.

Liên quan đến chính sách đối với nhà giáo, Hà Nội cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu với Chính phủ để ban hành các chính sách liên quan đến đãi ngộ nhà giáo; đảm bảo ổn định kinh tế để yên tâm công tác, đặc biệt là cấp mầm non. Thực tế hiện nay, lương và chế độ đãi ngộ của giáo viên vẫn chưa có chính sách ưu tiên, đội ngũ giáo viên mới tuyển dụng và đặc biệt là giáo viên mầm non có mức lương thấp, không đảm bảo cuộc sống, chưa tạo động lực để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển, Hà Nội đề nghị cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng vào giảng dạy tại các khối trường tiểu học, THCS với điều kiện đến năm 2030 hoàn thành chương trình đào tạo và được công nhận trình độ đạt chuẩn theo luật Giáo dục năm 2019.     

Có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên tiếng Anh, tin học, nghệ thuật để thu hút giáo viên gắn bó lâu dài với ngành giáo dục, nhất là khu vực công lập.

Đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ GD-ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức nói chung nhưng có tính đến đặc thù của công chức, viên chức ngành giáo dục cho phù hợp và hiệu quả; 

Nghiên cứu chế độ lao động, định mức lao động của giáo viên mầm non, phổ thông và khảo sát về định mức giáo viên mầm non, phổ thông làm căn cứ để điều chỉnh định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập nhằm thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Báo cáo của Hà Nội cũng chỉ ra thực tế  hiện biên chế giao cho các trường thấp hơn so với biên chế định mức của ngành giáo dục. Ví dụ, các quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… biên chế được giao chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu giáo viên cần để giảng dạy. Để tháo gỡ khó khăn, TP.Hà Nội đã giao chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường tự chủ một phần chi thường xuyên. 

Tuy nhiên do thu nhập thấp, áp lực công việc cao nên 1.030 giáo viên đã xin thôi việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác. Cụ thể, năm 2021 Hà Nội có 472 giáo viên nghỉ; năm 2022 558 giáo viên nghỉ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img