Wednesday, April 24, 2024

Gia Lai: Khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp

Các cấp chính quyền liên tục kiểm tra, xử lý, tuy nhiên tình trạng khai thác vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí có nơi đá tang vật bị lấy đi chế biến.

Hơn 40m3 đá tang vật “biến mất”?

Chiều 15/3, sau khi nhận được thông tin từ nhân dân tại thôn Bình Thanh đang khai thác đá trái phép với khối lượng lớn, UBND xã Ia Đrăng, huyện Chư Prông nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra.

Tại thời điểm ghi nhận, Đoàn chỉ phát hiện nhiều dụng cụ dùng chế biến đá xây dựng như: mũi khoan, búa, xà beng… và rất nhiều khối đá với đủ kích cỡ tại hiện trường.

Gia Lai: Khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp

Biên bản kiểm tra khu vực khai thác đá trái phép tại xã Ia Đrăng tại 2 thời điểm và khối lượng đá bị mất đi khoảng 40m3.

 

Qua kiểm đếm, Đoàn ước tính có khoảng 40m3 đá bazan với đủ kích cỡ, 300 viên đá móng xây dựng, không phát hiện chủ khai thác.

Ông Ngô Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đrăng cho biết: Xã đã lập biên bản, đồng thời yêu cầu Trưởng thôn Bình Thanh phối hợp cử người trông tang vật vi phạm và báo cáo UBND huyện, Công an huyện về vụ việc để xử lý theo quy định.

Gia Lai: Khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp

Hiện trạng khai thác đá được UBND xã Ia Đrăng phát hiện 9/2022 và 3/2023.

Trước đó, tại khu vực trên, vào đầu 9/2022, UBND xã Ia Đrăng đã lập biên bản khoảng 80m3 đá bazan và một số thiết bị (máy phát điện, mũi khoan, búa) người nhận khai thác và chế biến đá xây dựng trái phép là ông Đặng Xuân Sinh, trú tại xã Ia Đrăng. Sau khi lập biên bản, đề nghị giữ nguyên hiện trường để xử lý, tuy nhiên tang vật không rõ đã bị ai vận chuyển khỏi hiện trường khoảng 40m3 đá bazan?  

Gia Lai: Khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp

Ông Sinh (bên trái) ký nhận biên bản hiện trường khai thác đá trái phép tháng 9/2022.

Diễn biến phức tạp

Mới đây, nhiều điểm khai thác đá trái phép với khối lượng lớn được ghi nhận tại các huyện Đăk Pơ, Chư Sê và Chư Prông. Đầu tháng 3/2023, trao đổi với Chủ tịch UBND xã Cư An, huyện Đăk Pơ ông Văn Doãn Diệu cho biết: Sau khi phát hiện 2 bãi khai thác đá trái phép, các lực lượng của xã đã lập biên bản, phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xử lý theo quy định. Với 2 điểm khai thác vừa bị kiểm tra, 1 điểm không phát hiện đối tượng vi phạm, Xã sẽ tiếp tục làm rõ và ngăn chặn tình trạng vi phạm này.

Trước đó, theo nguồn tin phản ánh, tại xã Cư An, huyện Đăk Pơ, có nhiều khu vực đang khai thác, vận chuyển, chế biến đá móng xây dựng với khối lượng lớn. Để tìm hiểu thực hư, sau 1 ngày ghi nhận thực tế tại nhiều nơi, di chuyển đến khu đồi, ẩn phía sau nhiều cụm cây rừng trồng là khu vực tập kết hàng ngàn viên đá bazan với nhiều kích thước khác nhau (vị trí khai thác cách trụ sở UBND xã Cư An khoảng 6km, cách UBND huyện Đăk Pơ hơn 8km).

Cách khu vực PV phát hiện điểm khai thác đá nêu trên khoảng 600m, là 1 điểm khai thác đá trái phép khác. Tại hiện trường có cả ngàn viên đá được đập nhỏ theo quy cách, còn lại là vô số những khối đá nguyên khai với nhiều hình thù khác nhau. Cả 2 khu vực khai thác trái đá phép được UBND xã Cư An ghi nhận, lập biên bản. Tuy nhiên, sau gần nửa tháng trôi qua, PV vẫn chưa nhận được việc xử lý của UBND xã Cư An về hành vi khai thác, chế biến đá trái phép trên địa bàn.

Cũng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tại xã Dun, xã Al Bá thuộc huyện Chư Sê; xã Ia Ga, huyện Chư Prông và xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ vừa qua đã phát hiện các bãi khai thác đá xây dựng trái phép với quy mô lớn. Tại thời điểm chính quyền kiểm tra, có hàng trăm viên đá lớn được tập kết và cả nghìn viên đá đã được sơ chế thành phẩm.

Gia Lai: Khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp

Khu vực khai thác đá trái phép tại xã Cư An, huyện Đắk Pơ.

Sau khi vụ việc được phát hiện, cuối tháng 2/2023, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình đã ký, ban hành văn bản đề nghị UBND huyện Chư Prông chỉ đạo phòng chức năng cùng UBND xã Ia Ga kiểm tra, xác minh việc khai thác khoáng sản đá xây dựng trái phép. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Chư Prông kiểm điểm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài.

Theo tìm hiểu của PV, hoạt động khai thác đá trái phép dù bị kiểm tra, tịch thu tang vật, nhưng chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh hay vì một lý do nào khác khiến nạn “đá tặc” vẫn tồn tại, thậm chí việc khai thác diễn ra với quy mô ngày một lớn hơn?

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép liên tiếp xảy ra trên địa bàn, tang vật vụ việc không được bảo vệ chặt chẽ trách nhiệm này thuộc về ai?

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img