Thursday, April 18, 2024

”Hương Thanh – Hẹn ở Sài Gòn”: Cuộc hạnh ngộ của âm nhạc Đông – Tây

Một người gốc Việt nhưng sinh ra và lớn lên tại Pháp, một người Việt sang Pháp định cư khi vừa qua tuổi thiếu niên, hai người Pháp chính gốc, một người Nhật sống ở Pháp, hai người Việt. Điều gì đã mang những nghệ sĩ đa chủng tộc này đến với nhau trong một cuộc hẹn trên đất Sài Gòn nếu không phải là… âm nhạc!

 

Tối 18.3, chương trình Musique de Salon lần thứ 4: Hương Thanh – Hẹn ở Sài Gòn đã diễn ra tại nhà hát VOH Music One, TP.HCM. Trên sân khấu, nữ nghệ sĩ diện chiếc áo dài gấm đỏ, đầu đội mấn gợi nhớ nhiều đến hình ảnh chị trên bìa đĩa Moon and Wind (hãng đĩa ACT phát hành năm 1999) – album thứ hai của bộ đôi Nguyên Lê – Hương Thanh nhưng là lần đầu tiên cái tên Hương Thanh được đặt trân trọng trên bìa bên cạnh Nguyên Lê (ở album đầu – Tales from Viet-nam, chị chỉ là người góp giọng, như một nhạc cụ trong album chính thức của nghệ sĩ Nguyên Lê).

Hẹn ở Sài Gòn là số thứ 4 của Musique de Salon – chuỗi chương trình do Gia Định Audio kết hợp với nhạc sĩ Đức Trí thực hiện với chủ trương xây dựng một sân khấu thuần chất mộc mạc (acoustic), hạn chế âm thanh điện tử, tối giản phần trang trí để tôn vinh âm nhạc, âm thanh và tài biểu diễn của những nghệ sĩ chơi nhạc cụ cùng với ca sĩ có giọng hát đặc biệt

Gần 20 năm kể từ lần biểu diễn đầu tiên cùng nhau trên quê nhà (năm 2004), đây là lần hạnh ngộ thứ hai của bộ đôi lừng lẫy Hương Thanh và Nguyên Lê, những nghệ sĩ có công mang âm nhạc truyền thống Việt Nam ra ngoài biên giới, đến với khán giả châu Âu, đặc biệt là Pháp. Hẹn ở Sài Gòn cũng là dịp hiếm hoi cặp đôi nghệ sĩ kề vai sát cánh với nhau sau album chung cuối cùng Fragile Beauty (phát hành 2007). Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Pháp Franck Tortiller (người cùng Hương Thanh thực hiện album Sài Gòn, Saigon), Patrice Heral, Kengo Saito (nghệ sĩ Nhật sống và làm việc tại Pháp), Đức Trí và Thanh Tân (Việt Nam).

Hẹn ở Sài Gòn là dịp hiếm hoi cặp đôi nghệ sĩ Nguyên Lê – Thanh Hương biểu diễn cùng nhau sau album chung cuối cùng Fragile Beauty (phát hành 2007)

Hương Thanh mở đầu chương trình bằng Quê hương là gì – một bài hát do chị tự sáng tác từ câu hỏi của chính những đứa con mình – được sinh ra và lớn lên tại Pháp. Kế tiếp là những bài hát tiền chiến: Làng tôi, Khúc nhạc dưới trăng, Đường lên sơn cước… cùng trong đĩa nhạc Sài Gòn, Saigon mà nhạc sĩ Đức Trí khi trò chuyện cùng khán giả trong đêm nhạc đã bày tỏ “cảm thấy sốc khi nghe lần đầu”. “Sốc” bởi cách nghệ sĩ Franck Tortiller sản xuất, hòa âm và chơi bộ gõ của album, “sốc” bởi cách một người Pháp xử lý những ca khúc được mệnh danh là “tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu” thật lạ lẫm… nhưng suy cho cùng thì bài hát cũng chỉ là cái cớ để những nghệ sĩ chơi nhạc đồng hành cùng nhau. Kẻ phương Đông – người phương Tây, đa văn hóa trong một thứ âm nhạc world music/world jazz vừa lạ vừa quen. Để hôm nay, anh được đồng hành cùng Hương Thanh, Nguyên Lê và những nghệ sĩ khác trình diễn trên sân khấu. Ngoài tay guitar cự phách Nguyên Lê vẫn chứng tỏ bản lĩnh của một nghệ sĩ quốc tế, chương trình còn giới thiệu một Franck Tortiller chơi nhạc cũng không hề kém cạnh, phóng khoáng và đầy ngẫu hứng.

Hương Thanh cùng nghệ sĩ Franck Tortiller – người đã thực hiện album Sài Gòn, Saigon với chị năm 2017

Ở phần hai, ban nhạc rời sân khấu, chỉ còn lại Hương Thanh và Đức Trí (anh chuyển từ piano sang chơi đàn tỳ bà và đàn kìm) cùng sự xuất hiện của nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. Bộ ba làm nên những Lý qua cầu (tựa gốc Khi bóng em qua cầu), Lý trăng soi (Chung một vầng trăng), Lý tình tang (Mười thương)Ngũ điểm bài tạ. Phần đờn ca tài tử – cải lương này cũng là phần Hương Thanh trình bày tốt nhất, hát mượt và nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả nhất.

Hương Thanh trình diễn cùng nhạc sĩ Đức Trí và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng những bài dân ca đậm chất truyền thống

Phần cuối chương trình quay về những bài hát quen thuộc đóng dấu Nguyên Lê trong các album chung như: Thỏa nỗi nhớ mong, Mời trầu, Trống cơm, Dạ cổ hoài lang, Lý ngựa ô. Đây cũng là khoảng khắc mà nghệ sĩ Nguyên Lê tung hết “chiêu” của mình ra với những ngón đàn điêu luyện, đẳng cấp. Anh khiến người xem vỗ tay không ngớt với phần solo guitar điện. Ở phần này, Đức Trí linh hoạt khi chuyển đổi liên tục từ độc huyền cầm sang tam huyền cầm, đàn sến hay nguyệt… tùy từng bài nhạc. Đây cũng là một điểm đặc sắc của đêm nhạc bởi người xem hiếm khi được chứng kiến Đức Trí chơi nhạc cụ dân tộc. Tuy nổi tiếng với nhạc pop cũng như những nhạc cụ phương Tây, từng học biên soạn và sản xuất âm nhạc đương đại ở Berklee, Mỹ nhưng gốc của anh vốn là âm nhạc truyền thống, từng học đàn bầu cũng như các nhạc cụ dân tộc khi là sinh viên Nhạc viện TP.HCM. Và như anh tâm sự trong chương trình, thuở nhỏ anh thích trống, piano nhưng gia đình lại “bắt” học nhạc cụ dân tộc, nếu muốn học một nhạc cụ phương tây nào thì phải học một nhạc cụ dân tộc, để rồi từ đó hai thứ âm nhạc hiện đại – cổ truyền hòa quyện, đồng hành theo con đường âm nhạc của anh đến hôm nay.

Chỉ tiếc rằng trong đêm diễn, có phần nào Hương Thanh chưa thực sự ăn-rơ với các nghệ sĩ chơi nhạc cụ vốn đã rất xuất sắc trong phần thể hiện cùng nhau

So với phần đờn ca tài tử được thể hiện mượt mà thì phần đầu và cuối, nghệ sĩ Hương Thanh chưa thực sự ở phong độ tốt nhất, có lẽ cũng vì lý do tuổi tác. Là con gái của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Hữu Phước, em gái danh ca Hương Lan, cũng đi theo con đường hát nhạc quê hương nhưng khác với sự chuyện nghiệp và chỉn chu của người chị gái, Hương Thanh khai thác chất mộc mạc, rất giản dị, khoan thai khi hát dân ca. Điều này làm nên sự đặc biệt của giọng hát Hương Thanh trong không gian có phần mênh mang của world music. Dẫu có ý kiến rằng Hương Thanh hát nhạc dân ca cả 3 miền cùng một tông giọng, sắc thái, cách nhấn nhá, xử lý gần như nhau nhưng có lẽ đó cũng là điểm đặc trưng làm nên thương hiệu của chị. Chính điều đó khiến giọng hát chị như một nhạc cụ, không quá nổi trội mà trung tính, cân bằng trên nền nhạc world jazz.

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img