Friday, March 29, 2024

Vấn nạn tảo hôn: Càng chống càng tăng!

Mỗi năm, H.Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) có gần 200 người dưới 18 tuổi kết hôn, trong đó có nhiều học sinh 13 – 14 tuổi đã làm vợ, làm chồng. Dù Nghệ An đã có đề án chống tảo hôn nhưng càng chống lại càng tăng.

 

Những cặp “vợ chồng” học sinh

L.Y.D (trú xã Mường Lống, H.Kỳ Sơn) vừa bước sang tuổi 14, đang học lớp 8. Dịp tết Nguyên đán vừa rồi, D. được nghỉ học, về nhà và sau tết đã thành vợ. Chồng của D. là học sinh lớp 9 cùng trường, mới 15 tuổi.

Sau hôn lễ được 2 gia đình tổ chức theo phong tục của người Mông, D. về nhà chồng và cùng chồng tiếp tục đến trường. “Đợt nghỉ tết vừa rồi, lớp em có 3 bạn khác cũng lấy chồng mà”, D. hồn nhiên nói.

Vấn nạn tảo hôn: Càng chống càng tăng!

Giáo viên và lực lượng chức năng H.Kỳ Sơn đến nhà vận động học sinh không kết hôn sớm, tiếp tục đi học

CTV

“Vợ chồng” D. thuộc rất ít học sinh đã cưới vợ, lấy chồng vẫn quay lại trường học. Trường THCS bán trú Mường Lống có 345 học sinh. Sau dịp tết Nguyên đán 2023, có 22 học sinh kết hôn, trong đó có 15 em bỏ học vì lý do lấy chồng, lấy vợ. Trong số học sinh bỏ học kết hôn, có những học sinh sinh năm 2010, đang học lớp 7, khi lấy chồng còn chưa đủ 13 tuổi.

Thầy Hờ Bá Tu, giáo viên chủ nhiệm lớp 8B của trường này, cho biết lớp có 39 học sinh, sau dịp nghỉ tết, có 5 em bỏ học đi lấy chồng, lấy vợ khi chưa đến 14 tuổi. “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết, chúng tôi lại phải đến tận nhà từng học sinh để vận động các em khoan hãy lấy vợ, lấy chồng. Nhiều bản ở xa trung tâm xã, việc đi lại vận động rất vất vả nhưng gần như không thể thay đổi được quyết định của các em”, thầy Tu buồn bã nói.

Thầy Tu cũng cho biết, tập tục của người Mông thường kết hôn sớm, với quan niệm có thêm thành viên trong gia đình để tăng sức lao động. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cặp học sinh kết hôn với nhau là do các em thích nhau rồi về nhà bắt bố mẹ tổ chức đám cưới. Thích nhau rồi, nam sinh tổ chức đến nhà nữ sinh “bắt vợ” đem về nhà mình.

Theo phong tục, sau 3 ngày ở nhà bạn trai, nữ sinh không phản đối thì đám cưới sẽ được tổ chức tại 2 bên gia đình, sau đó cả hai về chung sống với nhau. Có trường hợp bị bố mẹ từ chối thì những cặp tảo hôn này dọa ăn lá ngón tự tử; ở xã này đã từng xảy ra những trường hợp như vậy khiến bố mẹ không dám ngăn cản nữa.

Tình trạng học sinh kết hôn gia tăng trong những năm qua đã khiến lãnh đạo và các giáo viên Trường THCS bán trú Mường Lống lo lắng. Nhà trường đã phải làm văn bản “cầu cứu” chính quyền địa phương; tuy nhiên, việc ngăn chặn nạn tảo hôn không hề dễ dàng.

Cần xử lý hình sự để răn đe

Từ đầu năm đến nay, H.Kỳ Sơn có 154 học sinh THCS bỏ học, trong đó có gần 60 học sinh bỏ học để kết hôn. Ông Ngô Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Huồi Tụ (H.Kỳ Sơn), cho biết sau dịp nghỉ tết, trường có 16 học sinh nghỉ học, trong đó có 9 em lấy chồng, lấy vợ. Tình trạng học sinh nghỉ học để đi lấy chồng, lấy vợ đã diễn ra từ lâu, năm nào cũng có nhưng năm nay nhiều hơn các năm trước.

Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng cho thấy năm 2019, huyện biên giới Kỳ Sơn có 145 trường hợp tảo hôn, năm 2020 là 189 trường hợp, năm 2021 là 182 trường hợp. H.Kỳ Sơn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tình trạng tảo hôn như tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết; xây dựng các mô hình phòng, chống tảo hôn…

Năm 2021, huyện này ban hành kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tảo hôn ở huyện vùng cao này vẫn còn rất gian nan, số lượng tảo hôn dường như chưa hề có dấu hiệu giảm.

Trên phạm vi toàn tỉnh, năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án chống tảo hôn, thực hiện đến năm 2020 và sau đó là đề án nối tiếp đến năm 2025 với nhiều giải pháp đã được thực hiện, trên cơ sở phối hợp giữa Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An, Sở LĐ-TB-XH Nghệ An… Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn rất nhức nhối.

Ông Vi Mỹ Sơn, Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết mặc dù luật hình sự quy định hành vi giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi bị xử lý hình sự, tuy nhiên việc xử lý theo luật vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính của tảo hôn là do tập quán, nhận thức. Theo ông Sơn, thời gian tới cùng với việc tuyên truyền, chính quyền địa phương cần chỉ đạo cơ quan công an xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự một vài trường hợp tảo hôn nhằm răn đe.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Tư pháp H.Kỳ Sơn, cho biết huyện đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sau tuyên truyền đã yêu cầu người dân ký cam kết. Tại trường học, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 cũng được tuyên truyền, ký cam kết không tảo hôn. Tuy nhiên, ký vẫn ký nhưng nhiều trường hợp vẫn vi phạm.

“Chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp đã ký cam kết nhưng không thực hiện, nhằm tăng nặng tính răn đe, giáo dục. Xã Nậm Cắn (H.Kỳ Sơn) sẽ là xã đầu tiên tiến hành thí điểm việc xử phạt, sau đó tiến hành nhân rộng với hy vọng thay đổi dần nhận thức của người dân về tảo hôn”, ông Tuấn nói.

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img