>>Chuyện “đi nhờ” nhà vệ sinh quán cà phê

Chuyện hàng quán miễn phí nhà vệ sinh

Quận 1 đang thực hiện chương trình tổ chức nhà vệ sinh công cộng

Quận 1 đang thực hiện chương trình tổ chức nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận để phục vụ du khách và người dân. Nhằm giải quyết ngay nhu cầu nhà vệ sinh trong thời gian chờ đợi các địa điểm mới được xây dựng, quận đã vận động được 100 các cơ sở kinh doanh gắn biển báo cho phép người dân và du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.

Vận động và được các cơ sở kinh doanh đồng ý là một chuyện. Thế nhưng đưa vào thực hành và triển khai là một chuyện. Bởi việc các nhà hàng, quán cà phê chia sẻ nhà vệ sinh là một chuyện rắc rối từ lâu giờ.

Điển hình như trong đợt vận động, có không ít chủ hàng quán lo ngại tình trạng nhiều người sử dụng nhà vệ sinh không văn minh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của quán. Dĩ nhiên đây là suy nghĩ không phải không có cơ sở, bởi khi đã sử dụng miễn phí, thì không ai bảo đảm được cách sử dụng của tất cả mọi người.

Nổi tiếng nhất trong “cuộc chiến” nhà vệ sinh miễn phí chắc có lẽ là Starbucks.

Tháng 5/2018, Starbucks Mỹ ra một quyết định lớn: miễn phí sử dụng nhà vệ sinh cho tất cả mọi người, bất kể có mua hàng hay không.

Tuy nhiên bước đi này khiến Starbucks trả giá đắt với một loạt chỉ số quan trọng đều sụt giảm so với những quán trong khu vực. Chẳng hạn tổng số khách giảm 6,8%, thời gian khách dừng chân lại quán ít hơn 4,2%, hoặc chỉ số độ giàu có của khách cũng giảm nốt. Đặc biệt cửa hàng nào càng gần khu cư trú của người vô gia cư thì số lượng sụt giảm càng nhiều.

Chuyện hàng quán miễn phí nhà vệ sinh

Starbucks Mỹ ra một quyết định lớn: miễn phí sử dụng nhà vệ sinh

Trước tình trạng này, đến 6/2022, Starbucks Mỹ quyết định ngừng chính sách mở cửa nhà vệ sinh miễn phí với lý do “ngăn chặn mối đe dọa tiềm ẩn đối với nhân viên và khách hàng”.

Không chỉ Starbucks, những năm gần đây ở Mỹ cũng có tình trạng nhà vệ sinh của các cửa hàng, khu thương mại luôn trong tình trạng bị khóa. Ai muốn dùng phải đưa ra hóa đơn mua hàng, tức là chứng minh mình là khách hàng thực sự, thì nhân viên mới mở cửa cho sử dụng nhà vệ sinh. Một khi áp dụng chính sách như vậy thì chắc có lẽ các nhà hàng cũng đã biết hoặc “nếm đủ mùi” từ việc cho dùng nhà vệ sinh miễn phí.

Với những câu chuyện điển hình ở trên, có thể thấy rằng việc vận động nhà hàng cho du khách và người dân sử dụng nhà vệ sinh chỉ là một giải pháp mang tính tình thế, không thể áp dụng về lâu về dài.

Vậy thì đâu là phương án khả thi cho bài toán nhà vệ sinh công cộng?

Trên thực tế trước đây TP.HCM từng có một mô hình khá hay, đó là cho mở ki-ốt cà phê mang đi kết hợp nhà vệ sinh công cộng của thương hiệu cà phê nhượng quyền Viva Star Vietnamese Coffee To Go.

Nói là khả thi, bởi với mô hình này các bên đều có lợi. Ở phía người bán, họ sẽ tiếp cận được đối tượng khách hàng rộng lớn hơn. Khi bán được nhiều cà phê, họ sẽ có nguồn vốn duy trì, tu sửa và vận hành nhà vệ sinh. Còn ở phía người dùng, thì rõ ràng là họ sẽ có một nơi sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn để “giải quyết” nhu cầu cấp bách của mình.

Với mục đích win-win này, thì một mô hình kết hợp như trên sẽ bền vững hơn, đem đến hiệu quả lâu dài hơn. Hy vọng trong tương lai mô hình này sẽ dần được lan tỏa, để giúp thành phố có thể giải quyết được bài toán khó về nhà vệ sinh công cộng.