Thursday, April 25, 2024

Có lương khi còn trên giảng đường, sinh viên mất hứng thú với việc học?

Có lương cứng ngay khi còn ngồi trên giảng đường, một số sinh viên gặp áp lực khi phải cân bằng giữa việc làm và việc học.

 

Thử thách khi cân bằng giữa việc làm và việc học 

Trước sự cám dỗ về thu nhập và được va chạm với môi trường thực tế, một số sinh viên không còn cảm hứng với việc học hoặc thường xuyên vắng mặt trên lớp để hoàn thành công việc.

Nguyễn Mai (sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) hiện là người sáng tạo nội dung cho một công ty mỹ phẩm. Nữ sinh viên cho hay, cân bằng giữa việc làm và việc học là một thử thách khi khối lượng công việc lẫn bài tập trên lớp khá nặng. Theo Mai, bản thân từng chứng kiến bạn bè vì đi làm mỗi tối mà bỏ lỡ lớp học vào sáng hôm sau dẫn đến rớt môn hay phải học cải thiện.

Mai chia sẻ: “Tôi cũng cố gắng không để việc đi làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập. Tuy nhiên, đi làm là một biện pháp học tập rất thực tiễn giúp tôi trau dồi kiến thức từ công ty nên không tránh khỏi đôi lúc tôi chán việc học. Do đó, tôi không ưu tiên phải có mặt đủ các buổi trên lớp nhưng vẫn nỗ lực đáp ứng đủ số điểm”.

Nữ sinh viên này còn phải nhờ bạ bè hỗ trợ mình vào những lúc phải vắng mặt “bất đắc dĩ” hoặc tranh thủ giờ giải lao trên lớp, trên công ty hoàn thành luôn việc để dành thời gian học khi ở nhà.

 

Đi làm rất thiết thực, áp dụng được kiến thức vào thực tế, tăng khả năng giải quyết vấn đề, thay đổi tư duy học ĐH chỉ học lý thuyết. Do đó, tôi có chút mất cảm hứng đối với một số môn học đại cương, môn học không liên ngành trên trường

Nguyễn Hồng Ngọc (sinh viên năm 3, Trường ĐH Tài chính-Marketing)

Tương tự, là một thực tập sinh mảng nội dung tại một công ty tư vấn digital marketing, Nguyễn Hồng Ngọc (sinh viên năm 3, Trường ĐH Tài chính-Marketing) cũng phải cân bằng giữa việc học và việc làm.

“Đây là công việc không đúng chuyên ngành quản trị marketing của tôi nhưng khi đi làm lại rất thiết thực, áp dụng được kiến thức vào thực tế, tăng khả năng giải quyết vấn đề, thay đổi tư duy học ĐH chỉ học lý thuyết. Do đó, tôi có chút mất cảm hứng đối với một số môn học đại cương, môn học không liên ngành trên trường”, nữ sinh viên nói.

Theo Ngọc, giữa việc làm và việc học không có sự so sánh quan trọng hay ưu tiên cái nào hơn mà sẽ cố gắng hết khả năng. 

“Hiện tại là giai đoạn gần năm cuối, tôi cần hoàn thành chương trình học để nhận bằng tốt nghiệp. Tôi thường sắp xếp lịch học rơi vào thứ bảy cộng thêm 1-2 buổi trong tuần để dành thời gian còn lại đi làm. Nếu bài tập quá nhiều, tôi thường làm vào buổi tối và cuối tuần. Công ty cũng không yêu cầu tăng ca hay làm vào cuối tuần nên tôi vẫn cân bằng khá ổn”, Ngọc cho biết.

Có lương khi còn trên giảng đường, sinh viên mất hứng thú với việc học?

Một số sinh viên đã có lương khi còn ngồi trên giảng đường

Những hậu quả nếu chỉ chạy theo kiếm tiền, bỏ bê việc học

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết, lao vào kiếm tiền khi còn đi học sẽ dẫn đến việc một số sinh viên trì hoãn tốt nghiệp, khó lấy được bằng ĐH.

“Bằng ĐH là một chứng nhận quan trọng thể hiện trình độ chuyên môn cao và sâu về một ngành nghề nào đó, giúp mang đến cơ hội việc làm. Một số sinh viên tìm thấy niềm vui, đam mê khi đi làm, bỏ bê việc học, không tốt nghiệp ĐH. Sau này, nếu muốn luân chuyển nghề nghiệp mà không có bằng ĐH, chứng nhận thì sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn”, thầy Phan lưu ý.

Theo thầy Phan, thị trường lao động sẽ thay đổi liên tục nên sinh viên đang tập trung làm một công việc nào đó có thể sẽ không còn phù hợp với nhu cầu, sở thích sau khi tốt nghiệp ĐH.

Do đó, nhiệm vụ chính của sinh viên là học, cần phải suy xét đầu tư thời gian hợp lý khi quyết định đi làm, theo cô Sabrina Uyên Lưu, nhà đồng sáng lập kiêm cố vấn hướng nghiệp của tổ chức giáo dục-hướng nghiệp LeapEd Vietnam, TP.HCM.

Cô Uyên Lưu nhận định: “Tùy vào bản chất ngành nghề, có một số ngành xem trọng kết quả học thuật hơn nhưng đa số các ngành nghề đều xem trọng kỹ năng, kinh nghiệm khi tốt nghiệp ĐH để đi xin việc. Vì vậy, sinh viên phải hiểu được đích đến của mình để cân bằng việc học và việc làm cho phù hợp”.

Có lương khi còn trên giảng đường, sinh viên mất hứng thú với việc học?

Sinh viên phải hiểu được đích đến của mình để cân bằng việc học và việc làm cho phù hợp

 

Theo cô Uyên Lưu, sinh viên không nên đi làm “chỉ vì để bằng bạn bè” hoặc “chỉ vì thu nhập”. Một số công việc làm thêm không bổ trợ nhiều cho hồ sơ xin việc sau này. 

“Nếu đầu tư thời gian đi làm nhưng lại hổng kiến thức, có thể trước mắt nhìn thấy thu nhập cao, nhưng sau đó ta nhận ra mình thiếu tư duy, thiếu tấm bằng ĐH, không có cơ hội thăng tiến tốt thì khó nâng mức thu nhập lâu dài”, cô Uyên Lưu chia sẻ.

Cô Uyên Lưu nói thêm, một số sinh viên do không thích ngành học hiện tại nên khi tìm được việc làm, gặp “cám dỗ” về thu nhập sẽ mất hứng thú với việc học, nhưng cần có trách nhiệm với lựa chọn của bản thân.

 

“Lúc ở trường, việc đi làm khiến sinh viên chán nản ngành học chưa ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, khi ra trường, vì sinh viên không có động lực, kết quả học tập cũng không ở mức xuất sắc, không có kinh nghiệm chuyên môn sẽ dễ thất nghiệp và gặp áp lực tài chính”, chuyên gia hướng nghiệp lưu ý.

“Ngay khi nhận ra bản thân có dấu hiệu không hứng thú, không muốn gắn bó lâu dài với ngành đang học, sinh viên nên sớm chủ động tìm kiếm ngành nghề hợp với mình thay vì tập trung đi làm, nhận lương trước mắt và lơ là việc học”, chuyên gia hướng nghiệp Uyên Lưu khuyên.

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img