Wednesday, April 24, 2024

Khám phá thư pháp Đông – Tây và Việt Nam qua góc nhìn của Nguyễn Hiếu Tín

Từ góc nhìn thư pháp Đông và Tây, tác giả Nguyễn Hiếu Tín đã dành nhiều công sức hơn cho việc giới thiệu về thư pháp Việt, phân tích những tính kế thừa, sự nối mạch, sự cách tân từ thư pháp chữ Hán, phù hợp với quy luật phát triển của nghệ thuật nói chung.

 

Tác giả Nguyễn Hiếu Tín tạo sự bất ngờ, ấn tượng khi vừa “trình làng” tác phẩm Thư pháp là gì? (do NXB Hồng Đức ấn hành). Đây là tác phẩm đầu tay của anh, sau 15 năm được tái bản trong diện mạo mới, thể hiện sự tìm tòi, khám phá thư pháp bằng tất cả niềm say mê của chàng trai quê An Giang.

Khám phá thư pháp Đông - Tây và Việt Nam qua góc nhìn của Nguyễn Hiếu Tín

 

Khám phá thư pháp Đông - Tây và Việt Nam qua góc nhìn của Nguyễn Hiếu Tín

Tác giả Nguyễn Hiếu Tín tạo sự bất ngờ, ấn tượng khi vừa “trình làng” tác phẩm Thư pháp là gì? (do NXB Hồng Đức ấn hành)

Anh hiện là Trưởng Bộ môn Du lịch – Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cũng là cái tên khá quen thuộc trong giới những người yêu thư pháp ở TP.HCM. Anh từng là chủ nhiệm đầu tiên của CLB Thư pháp thuộc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM và đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm tem trong và ngoài nước.

Thật ấn tượng với một quyển sách “nặng ký” dày dặn, với gần 400 trang, đầy ắp tư liệu, nghiên cứu nghiêm túc và nghệ thuật, in ấn rất công phu được viết từ một chàng trai trẻ (ấn bản đầu tiên ra mắt khi tác giả mới 27 tuổi).

Lại bất ngờ hơn với phần giới thiệu và đặc biệt phần phụ lục liệt kế hơn 60 bài viết, công trình, triển lãm liên quan đến nghệ thuật thư pháp của tác giả. Bởi sẽ khó cảm nhận được sức lao động miệt mài, sáng tác của anh vì phải có một tấm lòng thiết tha, yên quý với thư pháp chữ Việt.

Đọc tác phẩm, người đọc như bị lôi cuốn bởi sự phân tích, đánh giá, giảng giải và đưa ra những luận chứng, luận cứ thuyết phục về cái hay, cái đẹp của thư pháp, đưa người đọc tìm về với thời kỳ chữ viết mới xuất hiện, đến khi được nâng lên một tầm cao hơn mang đậm tính nghệ thuật.

Thư pháp – viết chữ nghệ thuật – không đơn thuần là vẽ, mà phải chuyển tải được trạng thái tinh thần, cái hồn của chữ, của người viết. Đây là một cái thú rất kén chọn người chơi. Nguyễn Hiếu Tín đã có sự so sánh, đối chiếu giữa thư pháp Việt với các trường phái thư pháp khác từ Đông sang Tây như: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Tây Tạng, Ả Rập, các nước Âu Mỹ… Qua đó, giúp cho người đọc hiểu rằng nghệ thuật thư pháp phương Đông và phương Tây, tuy khác nhau về phương tiện, hình thức, mục đích, nhưng gặp nhau ở cái đẹp.

Dù phân tích theo nhiều góc độ để mang đến cho người đọc những cảm nhận khách quan nhất về môn nghệ thuật không dễ “cảm” này, Nguyễn Hiếu Tín đã thể hiện lần lượt qua các phần: Chữ viết và nghệ thuật viết chữ, Sơ lược thư pháp Đông Tây, Thư pháp Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và cuối cùng khép lại bằng một nhận định đầy thuyết phục của tác giả trong phần Thế và lực. Độc giả cảm nhận được qua các trang viết của tác giả là sự gởi gắm vào trong từng trang sách niềm đam mê, khám phá, sáng tạo và muốn mang những hiểu biết, vốn kiến thức của mình để chia sẻ, kiếm tìm những tâm hồn đồng điệu, lan tỏa giá trị của cha ông.

Khám phá thư pháp Đông - Tây và Việt Nam qua góc nhìn của Nguyễn Hiếu Tín

Tác giả Nguyễn Hiếu Tín hiện là Trưởng Bộ môn Du lịch (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), cũng là cái tên khá quen thuộc trong giới những người yêu thư pháp ở TP.HCM

Nhà nghiên cứu, người tâm huyết với thư pháp nhiều năm ở Huế – Hòa thượng Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã chia sẻ: “Một tìm kiếm về tư tưởng, lý luận hoặc một công trình nghiên cứu với nhiều thao tác tư duy, nhiều nguồn tham khảo như tác phẩm này là hiện tượng văn hóa đáng được quan tâm, khích lệ, tán thán; vừa tiếp truyền được hơi thở truyền thống của dân tộc, vừa mở đường khiêm tốn cho thư pháp Việt bước đi một cách tự tin, vững chãi hơn… Cảm ơn Nguyễn Hiếu Tín đã cho tôi đọc một tác phẩm nghiên cứu công phu mà nếu thiếu nhiệt huyết, đam mê; thiếu thời gian, kiến thức và tế bào não thì không thể làm được. Nó cần cả tâm và trí vậy”.

PGS.TS.Trần Hồng Liên thì nhận định: “Giá trị tác phẩm chính là đã nêu lên được tính sáng tạo trong đặc trưng dân tộc người Việt, góp phần phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập. Qua tác phẩm, chúng ta thấy được ngọn lửa nhiệt tình của thế hệ trẻ tiến vào lĩnh vực nghệ thuật, biết cảm nhận, thể hiện tâm hồn của mình qua ngòi bút sắc bén và nồng ấm niềm đam mê đối với thư pháp Việt”.

Khám phá thư pháp Đông - Tây và Việt Nam qua góc nhìn của Nguyễn Hiếu Tín

Nguyễn Hiếu Tín viết tặng chữ cho một số văn nghệ sĩ TP.HCM

Khám phá thư pháp Đông - Tây và Việt Nam qua góc nhìn của Nguyễn Hiếu Tín

Niềm vui của Nguyễn Hiếu Tín với đứa con tinh thần của mình gởi đến độc giả

Hy vọng rằng, sau Thư pháp là gì?, tác giả Nguyễn Hiếu Tín sẽ tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực mà anh dành hết cả tuổi xuân đam mê, để khai thác hết những cái hay, độc đáo giới thiệu cùng độc giả, bằng những công trình nghiên cứu sâu, độc và lạ để khẳng định sức sống mãnh liệt của thư pháp, dù đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img