Friday, April 26, 2024

Logo riêng đặc biệt của hoàng hậu

Sách Hoàng hậu Nam Phương – qua một số tư liệu chưa công bố (tác giả Phạm Hy Tùng, NXB Tổng hợp TP.HCM) đang được dư luận chú ý.

 

Về nhân vật lịch sử này, đến nay đã có vài tập sách nghiên cứu chuyên sâu, Nam Phương hoàng hậu cùng vua Bảo Đại được nhiều nhà nghiên cứu soi rọi dưới nhiều góc độ, nhưng sức hấp dẫn của tác phẩm mới đến từ những tư liệu độc đáo và lạ, chưa từng được nhắc đến.

Trước hết, xin nói rõ tài liệu thuộc dạng “quý hiếm” và “độc lạ” này do nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng sở hữu. Các bức thư, từ hơn 20 năm trước, ông Tùng đã chuyển cho đại tá, nhà văn Lê Kim – một người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có tác phẩm thơ in li-tô Đời cứ tươi được nhà thơ Xuân Diệu khen ngợi “hóm hỉnh mà lại trữ tình”. Chính ông Lê Kim thẩm định giá trị của tài liệu này trước nhất và đề nghị ông Tùng sớm công bố.

Logo riêng đặc biệt của hoàng hậu

Gia đình cựu hoàng bên trong tư dinh Giáo hoàng Pierre XII tại Rome (Ý) ngày 4.9.1950

“Chúng tôi công bố 7 thư được viết tại Pháp hoặc Sài Gòn, trong đó 6 thư của bà Charles (mẹ nuôi Bảo Đại, vợ Khâm sứ Trung kỳ Charles), bà Agnès (chị ruột Nam Phương hoàng hậu), bà Nam Phương và một thư của thuộc hạ từ Pháp gửi cựu hoàng Bảo Đại trong thời gian ông ở Hồng Kông khoảng từ tháng 8.1946 đến năm 1948, hơn 80 thư còn lại được viết tại Pháp là của các nhân vật này và một vài người khác gửi cho ông ở VN từ năm 1949 đến năm 1954”, ông Phạm Hy Tùng cho biết.

Qua tài liệu này, điều bất ngờ lâu nay các nhà nghiên cứu chưa hề đề cập, đó là việc Nam Phương hoàng hậu có sử dụng logo riêng, dùng để đóng trên thư từ. Logo này có từ bao giờ và ai là người chế tác? Dù chưa tìm ra lý giải nào cụ thể nhưng căn cứ vào nội dung thư của Nam Phương hoàng hậu viết ngày 18.1.1952 gửi cựu hoàng Bảo Đại, nhà nghiên cứu Phạm Hy Tùng khẳng định đây là thư đầu tiên bà viết trên giấy có in sẵn logo cá nhân.

TRANG TRÍ THEO MỸ THUẬT TRIỀU NGUYỄN

Về ý nghĩa của logo này, ông Phạm Hy Tùng giải thích: “Về tổng thể, logo đặc biệt của hoàng hậu đóng trên thư được trang trí theo phong cách mỹ thuật triều Nguyễn. Bên trong có hình phượng hoàng nhưng đã được cách điệu, thay vì ngậm dây lụa buộc cổ đồ, được thay thế bằng cành ô liu – xuất phát từ truyền thống ghi chép trong Kinh thánh về con thuyền của Noah trong trận đại hồng thủy, sau khi nước rút ông Noah đã thả chim bồ câu. Nam Phương theo đạo Thiên Chúa, mà logo của bà được thiết kế theo dạng phù điêu với đường viền xung quanh hình rồng, là biểu trưng của ngôi vị đế vương. Tuy nhiên, điều vô cùng độc đáo là hình chim phượng hoàng ở logo được làm cách điệu thành hình chim phượng rất VN. Sự cách điệu này hoàn toàn hợp lý, vì phía trên đỉnh logo có 4 Hán tự Nam Phương hoàng hậu”.

Logo riêng đặc biệt của hoàng hậu

Một bức thư của Nam Phương hoàng hậu gửi vua Bảo Đại có logo riêng của bà ở góc trái

Từ đó, theo tác giả cuốn sách: “Nam Phương – người con gái Việt Nguyễn Hữu Thị Lan có tên thánh Marie-Thérèse có thể muốn thể hiện những tâm sự riêng tư sâu kín: Thứ nhất, bản thân bà luôn đinh ninh về ngôi vị hoàng hậu của mình. Thứ hai, trong tâm khảm bà luôn chan chứa tình yêu quê hương đất nước, nên đã bộc lộ khát vọng mong muốn hòa bình qua hình ảnh chim phượng hoàng ngậm cành ô liu. Và điều thứ ba, phản ánh bà vừa là con chiên ngoan đạo, một người vợ thủy chung vẹn toàn luôn dành tình yêu nồng nàn cho chồng, một người mẹ đêm ngày mang hết tâm lực dành cho các con”.

Về năm sinh của bà Nam Phương hoàng hậu, trước đây nhiều tài liệu cho rằng bà sinh năm 1914. Thật ra không đúng. Căn cứ vào thư viết ngày 17.1.1953, trong lúc bà tâm tình cùng Bảo Đại: “Em đang cần 35.000 fr, nếu Mình có thể tặng em số tiền này, coi như quà mừng sinh nhật em vào cuối năm nay khi em tròn 40 tuổi thì em sẽ rất hài lòng”. Chi tiết nhỏ trong thư đã minh chứng năm 1913 là năm sinh của hoàng hậu.

Vậy Nam Phương hoàng hậu sinh ngày, tháng nào? Câu hỏi này chưa dễ trả lời, vì trước nay chưa một tài liệu nào công bố chính xác. Bí mật này, trong thư gửi cho Bảo Đại, bà Nam Phương hé lộ: “Ngoài Mẫu hậu, chị Agnès và Mình, thì không ai biết sinh nhật của em ngày nào”.

Nay chúng ta đã biết, vì trong thư viết ngày 17.11.1951, Nam Phương hoàng hậu kể cho chồng sự việc diễn ra ngày hôm đó: “Nhờ Mẫu hậu và Mình nên hôm nay ngay bà hầu phòng của em cũng bất ngờ làm cho em một chiếc bánh ngọt có chocolate, gắn những cây nến màu vàng và màu đỏ. Agnès thì sai con trai mang đến biếu em 6 bông hồng cũng màu vàng và đỏ. Em vui sướng như một đứa trẻ lên mười”. (còn tiếp) 

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img