Friday, March 29, 2024

Quỹ phụ huynh, thu thế nào cho hợp lý?

Câu chuyện thu quỹ phụ huynh được dư luận đặc biệt quan tâm sau khi Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM thực hiện các buổi khảo sát về những khoản thu trong trường học.

 

PHỤ HUYNH BÀN GIAO HIỆN VẬT THAY VÌ ĐÓNG QUỸ

Những ngày qua, khi khảo sát về những khoản thu tồn tại trong trường học, đoàn khảo sát Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM khá quan tâm đến quỹ phụ huynh học sinh (HS).

Trả lời chất vấn của thành viên đoàn giám sát, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM), cho hay: “Nhiều năm trở lại đây, trường không tổ chức thu quỹ cha mẹ HS trường. Đối với các hoạt động tài trợ cơ sở vật chất, trường thực hiện theo hình thức “chìa khóa trao tay”, phụ huynh bàn giao hiện vật cho trường chứ không đóng góp bằng tiền mặt. Nhà trường xây dựng kế hoạch, phòng GD-ĐT duyệt và thực hiện vận động các nhà hảo tâm trong trường, thậm chí có thể ngoài nhà trường hỗ trợ”.

Còn về quỹ phụ huynh của lớp, vị hiệu trưởng này cho hay, các lớp được lập quỹ nhưng hằng năm phải xây dựng kế hoạch, sau đó báo cáo tình hình thu chi cho phụ huynh. Việc thu quỹ cũng không cào bằng mà vận động trên tinh thần tự nguyện, lớp cũng không yêu cầu HS có hoàn cảnh khó khăn phải đóng quỹ.

Quỹ phụ huynh, thu thế nào cho hợp lý?

Thu quỹ và quản lý nguồn quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh là vấn đề phụ huynh quan tâm

ĐÀO NGỌC THẠCH

Được biết, Trường tiểu học Hòa Bình là một trong số 50% trường học trên địa bàn Q.1 không thực hiện việc thu quỹ phụ huynh cấp trường, theo thông tin từ bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD-ĐT quận.

Khi đề cập đến việc thu quỹ phụ huynh hay vận động tài trợ trong nhà trường, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Ký (H.Hóc Môn), cũng chia sẻ câu chuyện thực tế. Theo bà Hằng, vào đầu năm học, nhà trường mới có ý định về vận động tài trợ cơ sở vật chất trường lớp theo Thông tư 16 để lắp máy lạnh cho lớp, nhưng có một phụ huynh phản ánh nhà trường thu sai quy định, lạm thu lên mạng xã hội. Do vậy, nhà trường lo ngại nên đã không thực hiện.

Về phía phụ huynh, ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng ban đại diện cha mẹ HS Trường THCS Tô Ký, thông tin hiện nay mỗi lớp có quỹ lớp riêng để phục vụ liên hoan cho HS, giúp đỡ HS nghèo trong lớp… Riêng ban đại diện cha mẹ HS trường thì không thu quỹ. Khi nhà trường có sự kiện cần hỗ trợ, các thành viên của ban chấp hành chung tay cùng chăm lo cho HS.

Còn ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hóc Môn, cho hay: “Thực tế các trường rất e ngại vận động quỹ cha mẹ HS trường, hiện nay trường đang làm theo mô hình một số phụ huynh có tâm huyết hỗ trợ trường làm công trình giáo dục. Các phụ huynh khác nhìn thấy cũng có thêm đóng góp, chứ nhà trường không kêu gọi vận động, làm thư quyên góp hay cào bằng mức thu. Cách làm này đang được nhân rộng để thực hiện xã hội hóa giáo dục, chăm lo cho HS”.

LO NGẠI PHÁT SINH HỆ LỤY

Trước thực tế nói trên, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, băn khoăn: “Hiện nay việc một số trường không tổ chức thu quỹ ban đại diện cha mẹ HS trường nhận được ý kiến đồng tình lẫn phản đối. Bởi không có quỹ, lấy đâu nguồn chi cho các hoạt động? Mặc khác, thu quỹ cấp trường hay cấp lớp chỉ là hình thức triển khai. Nếu không thu quỹ trường thì vô tình gánh nặng được đổ về cho chi hội các lớp”.

Từ đó, ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh: “Việc các lớp tự thu liệu có đúng hay không? Bởi thu ở trường hay ở lớp cũng là quỹ phụ huynh, chẳng qua là khác hình thức thôi. Lớp thu thì ai quản lý thu chi, trường có nắm được không? Nếu lớp thu sai trường không chịu trách nhiệm có được không? Thậm chí ở cùng một trường còn có các mức thu quỹ khác nhau giữa các lớp, có thể gây ra phân biệt trong trường, các lớp “chạy đua nhau”, cuối cùng phụ huynh HS gánh nặng trên vai”.

Bà Nguyễn Thị Việt Tú, đại biểu HĐND TP.HCM, nhìn nhận nếu không có ban đại diện cha mẹ HS, không có khoản thu dịch vụ thì các trường không thể làm tốt công tác giáo dục. Tuy vậy, xung quanh vấn đề thu chi của quỹ phụ huynh còn nhiều ý kiến, cần tìm giải pháp thực hiện tốt nhất. Bên cạnh vấn đề thu tiền, phụ huynh rất quan tâm việc chi tiền như thế nào? Không thu quỹ phụ huynh chung của trường nhưng có thu quỹ lớp, vậy trường có quản lý việc thu chi quỹ lớp này không, hay để chi hội lớp tự quản lý?

Chính vì vậy, ông Cao Thanh Bình lo ngại: “Về bản chất đây vẫn là quỹ phụ huynh và không thể hoạt động vượt ra khỏi các quy định, đã có thu là phải có quyết toán thu chi. Khi các lớp thu mà không có đơn vị kiểm soát thì có thể dẫn đến những hệ lụy, những biến tướng về hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS”.

Bên cạnh đó, theo Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP, cần có nghiên cứu đánh giá mô hình “chìa khóa trao tay” với các công trình tài trợ cơ sở vật chất. Nếu “nhà hảo tâm” hỗ trợ thì khác, còn do ban đại diện cha mẹ HS vận động đóng góp, mua rồi bàn giao lại thì có phải là một hình thức “lách” các quy định của Thông tư 16 hay không?

Ông Cao Thanh Bình cũng cho biết trong kỳ họp HĐND TP vào tháng 7 sắp tới sẽ lấy ý kiến về nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ năm học 2023 – 2024.

NÊN THU NHỮNG KHOẢN NÀO?

Ông Võ Quốc Bình, phụ huynh HS Trường tiểu học Hòa Bình, cách đây 6 năm do bức xúc trước việc ban đại diện cha mẹ HS của lớp con mình đang học gửi thư ngỏ lấy ý kiến về việc thay lót sàn gỗ với mức chia bình quân là 400.000 đồng/HS, đã viết đơn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị xóa bỏ ban đại diện cha mẹ HS. Ông Bình cho rằng không thu quỹ mà làm “công trình của phụ huynh” về bản chất là vẫn thu tiền đóng góp từ phụ huynh.

Nói về quỹ phụ huynh, ông Bình bày tỏ quan điểm: “Quỹ phụ huynh chỉ nên thu các khoản thuộc về hoạt động ngoại khóa đã có sự đồng thuận của đa số phụ huynh. Hoặc nếu hơn chút thì thu để tổ chức tiệc liên hoan cuối năm; cùng nhau thực hiện những chương trình bổ ích về thể chất lẫn tinh thần, sự hiểu biết và kỹ năng sống của HS nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Đức Thắng, có con đang học tại một trường tiểu học ở Q.1, bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương thu quỹ phụ huynh để hỗ trợ cũng như chăm lo cho HS; tuy nhiên nên thực hiện theo cách tự nguyện, tùy tâm và không nên có tâm lý chạy đua. Dù thu theo quy mô trường hay lớp thì các khoản chăm lo cho HS thực hiện theo hình thức “liệu cơm gắp mắm” và có diễn giải thu chi rõ ràng, minh bạch để phụ huynh thấy việc đóng góp của mình có ý nghĩa. 

Quỹ phụ huynh ở các nước

Phụ huynh tại một số quốc gia như Mỹ và Anh thường tổ chức những hoạt động gây quỹ với nhiều hình thức khác nhau để ủng hộ mua sắm trang thiết bị dạy học cho trường. Phụ huynh thường quyên góp tiền cho trường thông qua các chi nhánh địa phương của hiệp hội giáo viên – phụ huynh hoặc tổ chức phụ huynh – giáo viên độc lập, theo tờ The Atlantic (Mỹ). Ban giám hiệu nhà trường không can dự vào những hoạt động này, và nếu các trường công lập gặp khó khăn tài chính thì kêu gọi hiệp hội phụ huynh hỗ trợ, chứ không bắt ép hay thu tiền cào bằng, theo tờ The Guardian (Anh).

Hiệp hội phụ huynh do chính phụ huynh điều hành, thường chỉ lấy ý kiến của nhà trường để xem trường còn thiếu kinh phí tổ chức hoạt động hay thiết thiết bị dạy học, sách vở cần thiết…; rồi từ đó tổ chức những hoạt động gây quỹ. Bên cạnh cơ sở vật chất, số tiền quỹ phụ huynh còn được dùng để hỗ trợ tổ chức giải thi đấu thể thao, hoạt động câu lạc bộ và chuyến dã ngoại… Các công ty và cá nhân có nhiều khoản đóng góp cho trường sẽ được miễn hoặc giảm tiền đóng thuế theo quy định của từng bang. 

Phúc Duy

Quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS

Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ HS và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ HS lớp.

Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ HS lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban đại diện cha mẹ HS lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện HS trường.

(Quy chế hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh theo Thông tư 55)

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img