Saturday, April 20, 2024

Hồ sơ di sản liên vùng, đa quốc gia ngày càng tăng

Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hồ sơ di sản UNESCO liên vùng, đa quốc gia.

 

 

Có di sản phi vật thể, có di sản thiên nhiên UNESCO

Ông Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho biết thời gian tới có một số hồ sơ sẽ trình UNESCO để ghi danh di sản. “Trong năm nay Chính phủ đã trình và dự kiến tháng 9 này UNESCO sẽ xem xét hồ sơ mở rộng Hạ Long và Cát Bà. Còn lại chúng ta đã gửi tới UNESCO danh sách tóm tắt của hai di sản để xem xét trong năm tiếp theo. Đó là di sản văn hóa Óc Eo Ba Thê (An Giang) và di sản Yên Tử – Côn Sơn Kiếp Bạc – chùa Vĩnh Nghiêm. Đây là di sản của 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang, là danh sách di sản vật thể theo Công ước 1972”, ông Thành nói.

Về di sản phi vật thể, theo Công ước 2003, ông Thành cho biết: “Chúng ta đang chuẩn bị hồ sơ chèo Thái Bình, Mo Mường và võ Bình Định. Các tỉnh đang triển khai 3 hồ sơ này. Tỉnh nào hoàn thành hồ sơ trước thì Bộ VH-TT-DL sẽ trình hồ sơ và báo cáo UNESCO. Hồ sơ dự kiến trình trong năm nay và năm tới”.

Hồ sơ di sản liên vùng, đa quốc gia ngày càng tăng

Quan họ không chỉ của riêng Bắc Ninh

Như vậy, có thể thấy VN đang trình UNESCO hai hồ sơ của hai di sản thiên nhiên liên vùng, chính xác hơn là liên tỉnh. Trong khi đó, hồ sơ di sản phi vật thể dự kiến trình trong thời gian tới chỉ của một địa phương. Trước đó, VN cũng có hồ sơ UNESCO Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông với địa bàn trải dài trên 5 huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP.Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông; hay hồ sơ di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là ca trù của nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Đặc biệt, VN có hồ sơ di sản được UNESCO ghi danh là kéo co ngồi, là di sản đa quốc gia với sự tham gia của 4 nước: Hàn Quốc, VN, Campuchia và Philippines. PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, đánh giá: “Xu hướng chung là các hồ sơ liên kết sẽ mỗi lúc một nhiều hơn, cả với di sản vật thể và phi vật thể. UNESCO đang rất khuyến khích các di sản đa quốc gia, di sản liên tỉnh”.

Thách thức quản lý

Theo các chuyên gia di sản, ngay cả với những hồ sơ đã được định hình là hồ sơ của một địa phương, việc mở rộng thêm các cộng đồng cũng là điều bình thường. Chẳng hạn, sau khi nghi lễ kéo co trở thành di sản được UNESCO ghi danh, đã có thêm các cộng đồng khác cũng thực hành nghi lễ kéo co. Đó là cộng đồng ở thôn Hòa Lan (xã Lũng Hòa, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và cộng đồng thôn Ngải Khê, H.Phú Xuyên (Hà Nội). Cộng đồng thôn Hòa Lan đã bị chiến tranh làm đứt đoạn nghi lễ truyền thống kéo co và mới nối lại vào năm 1992. Việc UNESCO tôn vinh nghi lễ kéo co giúp họ biết những cộng đồng kéo co khác và tìm đến. “Họ tự tìm đến và cho chúng tôi biết là họ cũng có kéo co nên muốn tham gia vào cộng đồng kéo co lớn”, TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, kể lại.

Hồ sơ di sản liên vùng, đa quốc gia ngày càng tăng

Hạ Long và Cát Bà là một di sản thiên nhiên không tách rời

Một hồ sơ di sản phi vật thể khác dự kiến cũng sẽ được mở rộng cộng đồng là di sản quan họ Bắc Ninh. Hiện tại, cộng đồng quan họ ở Bắc Giang cũng rất mạnh. Vì thế, không loại trừ khả năng hồ sơ di sản UNESCO về quan họ sẽ được mở rộng. Việc mở rộng cộng đồng, bổ sung hồ sơ cũng được UNESCO khuyến khích để có thể nhận diện di sản tốt hơn.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, đánh giá các di sản liên tỉnh, hồ sơ đa quốc gia cho thấy các vùng văn hóa, những khu vực có lợi thế thiên nhiên rõ rệt. Việc di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long mở rộng sang quần đảo Cát Bà theo 4 tiêu chí địa chất, địa mạo, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng giống loài cho thấy sự ưu việt của thiên nhiên nơi đây. Hoặc, khi hồ sơ Yên Tử – Côn Sơn Kiếp Bạc và chùa Vĩnh Nghiêm được thông qua, chúng ta sẽ có một khu vực du lịch di sản rất rộng rãi. “Với các hồ sơ này, có thể thấy có cả thiên nhiên, văn hóa kết hợp với nhau. Khách du lịch có thể đến và lưu lại lâu hơn nhờ du lịch liên tỉnh”, ông Tín đánh giá.

Mặc dù vậy, đó là một thách thức với nhận diện di sản, và hơn nữa là thách thức với quản lý di sản. Việc quản lý, theo PGS-TS Tín, có thể đã liên ngành, giờ lại thêm liên địa phương nên càng cần cơ chế phối hợp quản lý nghiêm minh và khoa học. “Các di sản nằm rải rác, không liền nhau, chẳng hạn ca trù ở nhiều tỉnh không sát nhau, khi kiểm kê sẽ vất vả hơn. Với di sản thiên nhiên như Cát Bà và Hạ Long, nếu hai địa phương có những cơ chế hoạt động tàu thuyền trên biển khác nhau, với những chuẩn về môi trường khác nhau, thì sẽ rất khó cho việc bảo vệ môi trường ở đây. Vì thế, việc thực hiện các cam kết với UNESCO cần được thực hiện nghiêm”, PGS-TS Tín nói. 

 

 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img