Friday, March 29, 2024

Ngày xuân nói chuyện sức khỏe

Sức khỏe là “tài nguyên có hạn” và suy giảm theo thời gian. Nhưng nếu chúng ta biết lựa chọn một lối sống lành mạnh và rèn luyện thích hợp thì tiến trình đó sẽ diễn ra chậm hơn, giúp ta có nhiều hơn những phút giây khỏe mạnh trong cuộc đời.

Sức khỏe là vốn quý nhất nhưng lại là giá trị ít được quan tâm

Mong ước đầu tiên và lớn nhất trong năm mới của tất cả mọi người đó là sức khỏe. Sự khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần là điều kiện tiên quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta và cần được ưu tiên số 1.

Tuy nhiên, nhiều người trong luôn coi việc có sức khỏe tốt là điều tất nhiên và quá thông thường. Vì vậy mà việc giữ gìn và chăm sóc sức khỏe ít được quan tâm đến. Lý giải về điều này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Trung tâm oxi cao áp Việt Nga – cho rằng, xét về mặt tâm lý, thường cái gì chúng ta sẵn có thì sẽ ít coi trọng. Chỉ đến khi bị thiếu thốn thì chúng ta mới thấy cần thiết. Mặt khác, trong xã hội hiện tại, mọi người dành thời gian, sức lực để kiếm tiền, để có những vị trí quan trọng… vô tình bỏ mặc cho sức khỏe suy giảm. Thậm chí chúng ta còn thực hiện nhiều hành vi, thói quen gây hại đến sức khỏe.

Theo số liệu của Bộ Y tế,  Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Trung bình mỗi người trên 15 tuổi uống 170 lít bia mỗi năm, tương đương hơn 8 lít cồn nguyên chất.  Nước ta nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng hơn 15 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới, ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.  

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, những thông tin về kỷ lục về uống rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động…của người Việt là điều vô cùng lo ngại. Bởi rượu bia, thuốc lá và lối sống tĩnh tại là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý mạn tính không lây như ung thư, các bệnh về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh gout, mỡ máu và các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ…

Bên cạnh đó, những thói quen như thức khuya, lạm dụng thiết bị nghe nhìn điện tử, xả rác bừa bãi ra môi trường khiến không khí và nguồn nước bị ô nhiễm… cũng là những hành vi góp phần làm suy giảm sức khỏe của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Một thói quen nữa cũng đang ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của nhiều người đó là khi có bệnh thì không đến bệnh viện khám và điều trị mà lại tin theo những quảng cáo trên mạng xã hội hoặc những thông tin không chính thống và mua thực phẩm chức năng hoặc các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng về sử dụng. 

Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, khi tham gia tư vấn miễn phí cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhận thấy, khi đó rất nhiều người mới thấm thía tiền bạc không mua được sức khỏe; những giá trị của gia đình, sức khỏe của bản thân cũng như người thân mới là điều quan trọng nhất.

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa  “Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội.” Thân thể khỏe mạnh phải luôn đồng hành với sự an vui trong tâm hồn. BS Nguyễn Huy Hoàng cho biết, sức khỏe thể chất và tinh thần có mối liên kết chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Khi tinh thần lạc quan, vui vẻ thì chúng ta ăn ngon hơn, làm việc hiệu quả hơn, hệ miễn dịch cũng hoạt động tốt hơn từ đó sức khỏe thể chất cũng tốt hơn. Ngược lại, khi chúng ta mệt mỏi, căng thẳng… thì ăn không ngon, ngủ không yên, sức đề kháng của cơ thể suy giảm.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều yếu tố  tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Ví dụ như với người trẻ, đó là áp lực học hành và áp lực công việc. Với người già, đó là sự buồn chán, đơn điệu, thiếu người chia sẻ, tâm sự, thiếu các không gian cộng đồng dành cho người cao tuổi. Với phụ nữ, đó là hàng trăm mối lo về cơm áo gạo tiền, về chăm sóc con cái và bố mẹ, và đủ thứ việc không tên khác, nhưng lại không nhận được sự chia sẻ của chồng con.Với người kinh doanh, lại là nỗi lo về công việc, làm sao để xây dựng các mối quan hệ, làm sao để làm ra lợi nhuận…Những căng thẳng, lo âu, bất an, nếu chúng ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó mang lại thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Làm thế nào để sống khỏe mạnh, “thân tâm an lạc”?

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, để đón một năm mới khỏe mạnh, với thân thể cường tráng, không bệnh tật, tinh thần an vui, ngay từ bây giờ mỗi người hãy dành thời gian đầu tư, quan tâm chăm sóc cho sức khỏe của bản thân.

“Việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe không bao giờ là muộn màng và cần có kiến thức đúng đắn và phải đầu tư thời gian vào việc tập thể dục, cũng như  thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.” – BS Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh đồng thời hướng dẫn như sau:

Thứ nhất, mỗi ngày chúng ta nên tập thể dục trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 phút. Nếu không có nhiều thời gian thì có thể thực hiện những bài tập ở ngay trong văn phòng, chia làm 2 -3 lần/ ngày, mỗi lần 15- 20 phút. Đồng thời mọi người nên chú ý chọn những bài tập thể lực phù hợp với sức khỏe của mình. Ví dụ như khớp gối không tốt  thì không nên đi bộ hoặc chạy nhiều mà chúng ta nên đạp xe hay bơi…

Thứ hai, về chế độ ăn uống: Nên thực hiện chế độ ăn đa dạng, phong phú. Bữa ăn cần có đầy đủ các nhóm thực phẩm như tinh bột, chất đạm bao gồm các loại thịt cá, trứng, sữa, đậu đỗ…; chất béo và rau củ quả. Không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm hoặc kiêng khem khắt khe. Với những bệnh nhân có bệnh lý cần kiêng loại thực phẩm nào đó thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Thứ ba là cần kiểm soát tốt các stress, căng thẳng trong cuộc sống và học cách chấp nhận, thích nghi với hoàn cảnh. Có những việc không thể thay đổi theo ý muốn thì hãy để thuận theo tự nhiên, không nên dồn quá nhiều công sức vào đó. Làm việc hết công suất để kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình và cống hiến cho xã hội… nhưng bạn cũng nên dành thời gian để thư giãn tinh thần. Có như vậy mới giữ cho tinh thần được thoải mái, cân bằng, tâm trí rộng mở, an vui.

Đồng thời, bạn cũng đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là với những người bắt đầu bước vào tuổi trung niên. Rất nhiều người ngại không muốn khám sức khỏe vì sợ phát hiện ra bệnh này, bệnh kia, phải lo lắng, phải chữa trị tốn kém. Song theo BS Nguyễn Huy Hoàng , đó là quan niệm không đúng. Việc kiểm tra sức khỏe hàng năm sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý nếu có. Nếu phát hiện muộn, kết quả điều trị rất hạn chế mà lại gây tốn kém cho người bệnh và gia đình.

Mùa xuân của đời người chính là sức khỏe. Mùa xuân ấy có ở với mỗi người lâu hay không, có giữ được sự tươi mới và tràn đầy năng lượng sống hay không, phụ thuộc vào ý thức và hành động của mỗi chúng ta. Khi còn khỏe mạnh, mỗi người, hãy là bác sĩ của chính mình bởi không ai có thể quan tâm sát sao sức khỏe của bạn bằng chính bản thân bạn./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img