Nhiều thương hiệu lên kế hoạch mở rộng

Mới đây, hai nhà bán lẻ hàng đầu đất nước mặt trời mọc là Uniqlo và MUJI đã tiết lộ kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam. Các thương hiệu này đang mở thêm cửa hàng, với mục tiêu nhắm đến những người tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Vì đâu các nhà bán lẻ Nhật Bản "thích" Việt Nam?

Nhà bán lẻ MUJI tiếp tục lên kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Uniqlo, nhà bán lẻ thời trang hàng đầu Nhật Bản đã thâm nhập vào Việt Nam hơn ba năm trước. Tuy nhiên, họ đã kịp thành lập 15 cửa hàng tại Việt Nam. Giờ đây, công ty con của gã khổng lồ thời trang nhanh Fast Retailing tiếp tục công bố kế hoạch mở một cửa hàng mới ở tỉnh Bình Dương. 

Trong khi đó, một nhà bán lẻ khác là MUJI cũng đã mở một cửa hàng rộng 2.000m2 ở Thủ Đức, TP. HCM, bày bán mọi thứ từ đồ gia dụng đến quần áo, đồ nội thất và phụ kiện.

Doanh số bán hàng của MUJI có mức độ tăng trưởng khá tốt nhờ các mặt hàng văn phòng phẩm, mỹ phẩm và đồ nội thất được người tiêu dùng trẻ ưa chuộng. Việc công ty mở rộng sang Việt Nam là một bước đi chiến lược khi nhận thấy thị trường văn phòng phẩm Việt Nam đang khá phân mảnh và đầy tiềm năng. Hãng có kế hoạch sẽ mở thêm các cửa hàng tại Hà Nội vào cuối năm nay.

Vì đâu các nhà bán lẻ Nhật Bản "thích" Việt Nam?

Gã khổng lồ bán lẻ AEON lên kế hoạch tăng gấp đôi số TTTM tại Việt Nam.

Trước đó, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản là AEON cũng đã lên kế hoạch tăng gấp 3 lần số lượng trung tâm thương mại lên con số 16 trên khắp Việt Nam vào năm 2025, như một phần trong chiến lược mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu.

Hiện tại, gã khổng lồ bán lẻ này đang có khoảng 200 cửa hàng tại Việt Nam, trong đó có 6 trung tâm mua sắm. Hầu hết các cửa hàng được tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, các đô thị lớn nhất của Việt Nam.

Theo kế hoạch, một trung tâm thương mại sẽ được mở tại trung tâm thành phố Huế vào năm 2024. Công ty cũng đang xem xét tăng số siêu thị tại Hà Nội lên 100 siêu thị vào năm 2025, gấp khoảng 10 lần con số hiện tại. AEON cho biết, Việt Nam là “thị trường quan trọng nhất trong chiến lược ra nước ngoài của chúng tôi”.

Thị trường hứa hẹn

Trên thực tế, Việt Nam đang được coi là một trong những thị trường có sức hút mạnh mẽ với các nhà bán lẻ quốc tế, với giá trị 170 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) được dự đoán lên tới 10% trong vòng 5 năm tới.

Vì đâu các nhà bán lẻ Nhật Bản "thích" Việt Nam?

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang có nhiều sức hút với các nhà bán lẻ quốc tế.

Do vậy, Việt Nam đã và đang ghi nhận ngày càng nhiều nhà bán lẻ Nhật Bản gia nhập thị trường địa phương, từ trung tâm thương mại cho đến các chuỗi cửa hàng tiện ích trong khu dân cư.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam đã tăng 17% vào năm ngoái, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường trọng điểm của Nhật Bản. Ngay cả CEO của Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, đã từng nhận định, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một khối thương mại bao gồm Việt Nam, Nhật Bản, Australia, Mỹ và 8 quốc gia khác, mang lại mức thuế thấp hoặc bằng 0 và thủ tục nhập khẩu đơn giản, các sản phẩm và dịch vụ của Nhật Bản càng có nhiều lợi thế. Điều này đã khiến cho cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam, một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng nhất ở Đông Nam Á của các nhà bán lẻ Nhật Bản lại càng mở rộng.

Khi nhìn vào danh sách các nhà bán lẻ của Nhật Bản tại Việt Nam, có thể thấy không thiếu một tay chơi lớn nào của đất nước mặt trời mọc, từ AEON, Fast Retailing, Soc & Brothers, và các thương hiệu bán lẻ khác như Ministop, FamilyMart, 7-Eleven…

Rõ ràng, ngay cả trong bối cảnh suy thoái về kinh tế, các nhà bán lẻ Nhật Bản đang hoạt động tốt vì nhiều yếu tố, trong đó liên quan đến việc họ cung cấp nhiều sản phẩm cũng như tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành, từ lựa chọn sản phẩm, trình bày đến dịch vụ.

Trong khi đó, theo một khảo sát doanh nghiệp mới đây của JETRO, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm nay, với 80% cho biết có kế hoạch mở rộng trong 1 đến 2 năm tới.

Cùng với việc Nhật Bản đang là một trong những đối tác lớn của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ hỗ trợ phát triển chính thức đến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại. Có lẽ, các gã khổng lồ bán lẻ Nhật Bản sẽ ngày càng có “đất diễn” tại thị trường Việt Nam.