Giá nguyên vật liệu tăng cao đội vốn thi công trong khi đó rất khó để điều chỉnh hợp đồng.

Nhà thầu đuối sức

Hiện trạng chung của các doanh nghiệp thi công công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay đều phải “cắn răng” giảm lãi, thậm chí bù lỗ để có thể hoàn thiện công trình đúng tiến độ. Nguyên nhân xuất phát từ việc nguyên vật liệu xây dựng tăng giá quá cao và kéo dài chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Với đơn giá từ xi măng, sắt thép, đất, cát xây dựng,… tăng từ 10-20%, có mặt hàng tăng giá từ 2-3 lần (cát xây dựng) khiến các dự án đội giá. Theo tìm hiểu, đa số đơn giá thi công đều tăng từ 30-40%, tuy nhiên đây là phần thiệt hại doanh nghiệp phải tự chịu vì hợp đồng đã ký kết từ lâu.

Quảng Nam: Vật liệu tăng giá, nhà thầu chịu thiệt

Một công trình tạm dừng vì không có nguồn cung.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Long Quảng Nam – một đơn vị chuyên thi công công trình tại các huyện miền núi cho rằng giá nguyên vật liệu tăng cao đã có nhiều tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Theo vị này, vì không thể điều chỉnh hợp đồng nên nếu muốn dự án đúng tiến độ, doanh nghiệp phải chấp nhận bù lỗ.

“Hợp đồng đã ký với địa phương từ lâu nên không thể thay đổi, nếu có thì phải chờ quyết định đồng ý của tỉnh. Như vậy rất lâu. Vì vậy đa số các nhà thầu đều phải chấp nhận bù lỗ để hoàn thiện đúng tiến độ, nếu không sẽ bị xử lý, làm mất uy tín gây khó khăn cho sau này”, ông Tấn nói.

Không chỉ có doanh nghiệp chịu lỗ, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp xin dừng thi công, trả lại dự án cho địa phương vì “làm không nổi”. Theo đó, Công ty cổ phần Giao thông công chính Tam Kỳ đã có văn bản gửi UBND TP Tam Kỳ, các chủ đầu tư như Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ, xin dừng thi công hàng loạt các công trình trên địa bàn.  

Các dự án do đơn vị này thi công gồm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KDC-TĐC và chuẩn mặt bằng trường mẫu giáo Họa Mi, KDC-TĐC phục vụ dự án nâng cấp tuyến đường Tam Kỳ – Tam Thanh (giai đoạn 1+2), KDC – TĐC Tân Trà,.. và nhiều dự án khác.

Tại văn bản do ông Nguyễn Thanh Chơn, Giám đốc Công ty này ký gửi nêu rõ nguyên nhân là do tình hình kinh tế tại thời điểm hiện nay rất khó khăn, giá cả vật tư, nguyên vật liệu tăng đột biến, chênh lệch rất cao so với giá ký kết hợp đồng tại thời điểm năm 2019, 2020 cộng với lãi suất vay ngân hàng rất cao, tình hình cho vay của các ngân hàng bị siết chặt, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay,… Cùng với đó, về tài chính của công ty tại thời điểm này rất khó khăn không đảm bảo được nguồn lực để tiếp tục thi công các dự án trên.

“Do vậy, Công ty Cổ phần giao thông chính Tam Kỳ rất thiết tha, kính đề nghị UBND TP Tam Kỳ, BQL các dự án đầu tư và xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất tạo điều kiện cho Công ty xin dừng thi công các công trình trên địa bàn thành phố Tam Kỳ tại thời điểm hiện nay và xin hoàn tất các hồ sơ thanh, quyết toán và thanh lý hợp ông”, văn bản do ông Nguyễn Thanh Chơn ký nêu rõ.

Xử lý thế nào?

Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, địa phương đã chỉ đạo Ban quản lý dự án TP Tam Kỳ rà soát toàn bộ dự án do Công ty cổ phần Giao thông công chính Tam Kỳ và những công ty khác trúng thầu thi công để báo cáo. Vị này cho hay, Chủ đầu tư sẽ làm việc với từng dự án, báo cáo đầy đủ cho UBND thành phố về nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm thuộc về phía chính quyền hay nhà thầu để xem xét, chỉ đạo với từng dự án cụ thể, theo đúng quy định của pháp luật.

“Không phải doanh nghiệp muốn dừng là dừng được, phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ xem xét cụ thể từng dự án về lý do khách quan, chủ quan, lỗi của ai người đó phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cũng nhìn nhận việc doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn vì giá vật liệu tăng cao là có. Tuy nhiên, vị này cho rằng chưa đến nỗi để doanh nghiệp xin dừng dự án.

Quảng Nam: Vật liệu tăng giá, nhà thầu chịu thiệt

Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều dự án lâm cảnh khó khăn trong thi công, nhà thầu lo thua lỗ.

“Từ đầu năm đã xuất hiện tình trạng cát xây dựng trên địa bàn tăng cao, mỗi khối khi về đến huyện đã ngót nghét gần 800.000 đồng. Để thay đổi hợp đồng cần có quyết định đồng ý của tỉnh, còn hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực thi công”, ông Trần Duy Dũng nói.

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư trọng điểm nhưng tình hình vật liệu đất, cát sỏi phục vụ thi công các công trình đang khan hiếm, nhiều nơi nguồn cung vật liệu không đáp ứng được nhu cầu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án và quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải ưu tiên cung ứng vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. 

“Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản khẩn trương tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp. Trong đó, nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán, kê khai nộp thuế đúng với sản lượng khai thác thực tế, xuất hóa đơn bán hàng đúng với giá thanh toán. Đơn vị nào trung bình 02 năm kê khai thấp hơn 60% công suất nêu trong giấy phép hoặc kinh doanh thua lỗ 02 năm liên tiếp (không tính thời gian xây dựng cơ bản mỏ) thì thuộc đối tượng ưu tiên kiểm tra, thanh tra trước và Sở Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã liên quan đo đạc, xác định chính xác trữ lượng khai thác để truy thu và xử lý vi phạm (nếu có) theo đúng quy định”, ông Nguyễn Hồng Quang nêu tại kết luận.