Thursday, April 25, 2024

Vì sao quyền sở hữu nhà ở cho đối tượng nước ngoài chưa thông?

Quy định chưa thống nhất của luật Đất đai 2013, luật Nhà ở 2014và luật Kinh doanh bất động sản 2014 khiến quyền sở hữu nhà ở cho đối tượng nước ngoài còn bị hạn chế.

Nhiều luật chưa thống nhất nên trở thành rào cản

Theo tờ trình của Chính phủ về luật Nhà ở 2014 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, pháp luật về đất đai không có quy định cho phép người nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất ngoài dự án để xây dựng nhà ở, dẫn đến hạn chế quyền phát triển nhà ở của đối tượng này; không có quy định đối tượng sử dụng đất là cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Vì sao quyền sở hữu nhà ở cho đối tượng nước ngoài chưa thông?

Quy định sở hữu nhà ở cho đối tượng nước ngoài tại luật Đất đai 2013, luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh bất động sản 2014 còn chưa thống nhất

Trong khi đó, pháp luật nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản lại có quy định cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu đối với nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Điều này gây khó khăn trong việc công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở cho đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Bên cạnh đó, quy định về khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở còn có cách hiểu khác nhau. Một số quy định còn chưa rõ ràng cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc còn đang tản mát tại các văn bản dưới luật nên cần thiết phải luật hóa để bảo đảm tính pháp lý trong thực hiện.

Chưa phát huy được động lực phát triển thị trường bất động sản

Thực tế, số lượng sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài trong thời gian vừa qua vẫn còn hạn chế so với nguồn cung về nhà ở trong nước và so với số lượng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, chưa là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Vì sao quyền sở hữu nhà ở cho đối tượng nước ngoài chưa thông?

Cần quy định cởi mở hơn để thu hút nguồn lực phát triển thị trường bất động sản

Cụ thể, theo báo cáo của các địa phương, từ khi thực hiện luật Nhà ở 2014 đến nay, trên cả nước đã có 3.035 tổ chức, cá nhân nước ngoài (260 tổ chức, 2.775 cá nhân) đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, chủ yếu tại Hà Nội (1.765), TP.HCM (850), Bắc Ninh (110), Bình Dương (210), Bà Rịa – Vũng Tàu (50)…

Tờ trình của Chính phủ đánh giá, so với số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu trước khi có luật Nhà ở 2014 (chỉ có 126 cá nhân, tổ chức nước ngoài) thì kể từ khi luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa là động lực để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Về công tác quản lý, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng đã có văn bản thông báo cho các địa phương hướng dẫn cụ thể việc xác định khu vực được phép cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở. Một số địa phương cũng đã công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương về các dự án cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở, bảo đảm công khai, minh bạch và theo dõi chặt chẽ số lượng mua nhà ở tại các dự án trên địa bàn.

Nên cởi mở hơn nhưng cần kiểm soát tốt

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng quy định pháp luật liên quan đến sở hữu nhà ở cho đối tượng nước ngoài thời gian qua đã mở hơn rất nhiều so với trước khi có luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, vẫn có điểm chưa thống nhất nên không thể phát huy trở thành động lực lớn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh.

Theo ông Đính, tại nhiều nước, chính sách pháp luật cởi mở hơn đã tạo nên động lực rất quan trọng giúp thị trường bất động sản phát triển tốt. Đợt sửa đổi luật Đất đai 2013, luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh bất động sản 2014 lần này là dịp rất tốt để thống nhất quy định liên quan đến vấn đề này, tạo nên động lực mới cho thị trường phát triển.

Ông Đính cũng cho rằng, cần quy định cởi mở hơn về việc cho phép đối tượng nước ngoài được sở hữu nhà ở là chung cư hay nhà ở gắn liền với đất để thu hút ngoại tệ. Tuy nhiên, cũng cần tính toán đến giới hạn tỷ lệ nhà ở cho đối tượng nước ngoài sở hữu ở từng khu vực, khoảng cách giữa các khu vực sao cho hợp lý; sao cho cơ chế chính sách vừa kích thích được nguồn lực nhưng vẫn phải đảm bảo các vấn đề: an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, văn hóa bản địa…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img