Saturday, April 20, 2024

Doanh nghiệp yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng bồi thường 1.000 tỉ đồng

Một doanh nghiệp trúng thầu thuê 13 biệt thự và 2 lô đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND tỉnh này bồi thường 1.000 tỉ đồng, khi hai bên xảy ra tranh chấp.

Ngày 28.3, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ “tranh chấp hợp đồng thuê nhà; yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán; yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, đòi lại tài sản và tranh chấp về hợp đồng hợp tác” giữa nguyên đơn UBND tỉnh Lâm Đồng và bị đơn Công ty CP đào tạo – nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin Cadasa (gọi tắt Cadasa).

Theo HĐXX phúc thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng chưa thu thập chứng cứ đầy đủ khi giải quyết vụ án. Những thiếu sót này cấp phúc thẩm không khắc phục được, do đó chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Trúng thầu thuê 13 biệt thự và 2 lô đất 50 năm

Theo nội dung bản án sơ thẩm, năm 2005, Cadasa trúng thầu thuê 13 biệt thự và 2 lô đất số 17, 19 thuộc sở hữu nhà nước (tại đường Trần Hưng Đạo, P.10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Thời hạn thuê 50 năm. Sau đó, giữa Sở Tài chính tỉnh và Cadasa ký hợp đồng giá thuê hơn 2,7 tỉ đồng/năm (không bao gồm tiền thuê đất 50 năm) cho chu kỳ 5 năm.

Tháng 11.2010, giữa Cadasa và Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng ký lại hợp đồng chu kỳ thuê 5 năm thứ hai, với giá thuê hơn 2,8 tỉ đồng/năm.

Năm 2017, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 17.11.2015, Cadasa vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê khi chưa thanh toán tiền thuê chu kỳ 2 của 13 biệt thự. Đặc biệt, Cadasa cho một số cá nhân, tổ chức thuê lại hoặc kinh doanh lại khi chưa được sự đồng ý của bên cho thuê.

Doanh nghiệp yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng bồi thường 1.000 tỉ đồng

Biệt thự giai đoạn đang trùng tu, sửa chữa

Vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước; buộc Cadasa và những người liên quan trả lại toàn bộ các biệt thự đã thuê; buộc Cadasa phải thanh toán số tiền thuê nhà và quyền sử dụng đất còn nợ để nộp vào ngân sách nhà nước.

Ngược lại, đại diện hợp pháp của Cadasa – ông Nguyễn Thế Hùng trình bày sau khi tiếp nhận các biệt thự, công ty đã trùng tu và đưa các biệt thự vào hoạt động kinh doanh.

Ông Hùng thừa nhận chậm nghĩa vụ nộp tiền theo hợp đồng nhưng cho rằng đều được UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài chính Lâm Đồng đồng ý gia hạn. Đồng thời việc chậm thanh toán là do UBND tỉnh Lâm Đồng không giảm trừ tiền thuê của biệt thự số 15 khi không giao đúng hạn theo thỏa thuận; không giảm trừ tiền thuê đất của lô đất 17, 19 đã được thu hồi năm 2012, trong khi bị đơn đã trả đủ chu kỳ 1; giá thuê đấu giá là cho toàn bộ 13 căn biệt thự và 2 lô đất 17, 19 trong khi đó UBND tỉnh lại thu hồi 2 lô đất 17, 19 để bán đấu giá cho cá nhân khác, làm cho phía công ty phá sản dự án tổng thể liên quan đến 13 biệt thự và 2 lô đất.

Doanh nghiệp yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng bồi thường 1.000 tỉ đồng

Một căn biệt thự đã trùng tu xong, đưa vào kinh doanh

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Hùng trình bày quan hệ hợp đồng giữa các bên là bình đẳng trên cơ sở bàn bạc, không thể nguyên đơn ban hành các quyết định buộc bị đơn phải chấp hành. Quá trình thực hiện hợp đồng, phía Sở Tài chính cũng có lỗi, vì vậy nếu hủy hợp đồng thuê thì UBND tỉnh phải bồi thường 1.000 tỉ đồng cho công ty.

Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Cadasa. Buộc Cadasa phải thanh toán cho Sở Tài chính Lâm Đồng gần 33 tỉ đồng tiền thuê nhà còn thiếu và tiền phạt vi phạm chậm thanh toán. Buộc Cadasa tiếp tục chịu tiền thuê nhà theo thỏa thuận năm 2011, kể từ ngày 1.4.2022 cho đến khi UBND tỉnh Lâm Đồng nhận lại được 13 căn biệt thự.

Cấp phúc thẩm: Cần đánh giá việc thu hồi 2 lô đất có đúng quy định

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Hùng vẫn trình bày, nếu HĐXX vẫn hủy hợp đồng thuê giữa các bên thì yêu cầu UBND tỉnh phải bồi thường thiệt hại vì số tiền đầu tư của công ty vào dự án là rất lớn, trong khi thời hạn thuê được ký kết là 50 năm.

HĐXX phúc thẩm nhận định hợp đồng thuê biệt thự và đất giữa các bên có thời hạn 50 năm. Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho rằng Cadasa vi phạm hợp đồng nên có thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, nên phát sinh tranh chấp. Do đó, khi giải quyết vụ án, tòa án cần phải căn cứ vào quy định điều 427, 428 bộ luật Dân sự 2015 để xem xét giải quyết hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Cụ thể, trong trường hợp này phải tiến hành trưng cầu giám định chất lượng thực tế công trình xây dựng do Cadasa tiến hành đầu tư, sửa chữa tại thời điểm xét xử làm cơ sở giải quyết vụ án.

Ngoài ra, theo HĐXX phúc thẩm, căn cứ hồ sơ, Cadasa có những vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng như chậm nộp tiền thuê nhà. Nhưng công ty có văn bản xin gia hạn thì nguyên đơn đồng ý, do đó, đây được coi là thỏa thuận lại của hợp đồng.

HĐXX phúc thẩm cũng nêu, 2 lô đất 17, 19 là một phần không thể tách rời của hợp đồng thuê đất, nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng lại thu hồi trong khi hợp đồng vẫn đang có hiệu lực. Do đó, cần đánh giá việc thu hồi có đúng quy định theo điều 38 luật Đất đai năm 2003…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img