Thursday, April 18, 2024

Giảm biên chế bằng cách nào ?

Số lượng cán bộ, công chức cấp xã dự kiến sẽ tăng lên khi áp dụng tiêu chí quy mô dân số, trong khi đó tổng biên chế vẫn phải tinh giản theo lộ trình. Đây là bài toán khó với ngành nội vụ.

Ngày 28.3, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự thảo 3 nghị định: tinh giản biên chế; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

KHÓ “ĐUỔI VIỆC” CÁN BỘ BỊ KỶ LUẬT

Theo dự thảo nghị định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, số lượng cán bộ, công chức được tính theo đơn vị hành chính, trong đó xã, thị trấn loại I là 22 người, loại II là 20 người và loại III là 18 người (cấp phường ít hơn 1 người). Bên cạnh đó, các phường, xã có dân số lớn hơn tiêu chuẩn cũng sẽ được tăng thêm biên chế. Cụ thể, phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 5.000 người được thêm 1 công chức; thị trấn và xã đồng bằng cứ thêm 4.000 người thì thêm 1 công chức. Phương án này được nhiều lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đồng tình, bởi lẽ nhiều xã, phường có dân số đông, như Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh, TP.HCM) hơn 150.000 người, hay P.Long Bình (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cũng trên 135.000 người.

Giảm biên chế bằng cách nào ?

Công chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa Văn phòng UBND Q.5, TP.HCM

Trong khi đó, các tỉnh miền Tây đề xuất tăng thêm biên chế với các xã có diện tích rộng. Ông Nguyễn Hoàng Thông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, cho biết dân cư các tỉnh miền Tây phân bố theo tuyến, sống dọc kênh, rạch chứ không tập trung thành cụm như ở đô thị. “Nếu đưa thêm yếu tố diện tích để tăng định biên người hoạt động không chuyên trách thì các tỉnh miền Tây được hỗ trợ rất nhiều”, ông Thông nói.

Về vấn đề tinh giản biên chế, ông Thông nêu thực tế nhiều người bị kỷ luật, uy tín không đủ nhưng không có đơn tự nguyện xin nghỉ thì tổ chức cũng không thể đưa vào diện tinh giản. Do đó, ông Thông đề xuất bổ sung quy định lấy phiếu tín nhiệm những trường hợp này, nếu số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% thì đưa vào danh sách tinh giản biên chế.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Nội vụ Hậu Giang, cho biết việc tinh giản biên chế tại địa phương đang gặp khó khăn do quy định hiện hành chỉ áp dụng với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp. Dù vậy trên thực tế, số trường hợp này rất thấp. Để giải bài toán trên, tỉnh Hậu Giang muốn được áp dụng phương án đánh giá cán bộ hằng năm theo bộ tiêu chí riêng, kết hợp giữa khối Đảng và chính quyền. Các trường hợp dù hoàn thành nhiệm vụ 2 năm nhưng có số điểm thấp hơn những người khác sẽ thuộc diện tinh giản. Ông Trí cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh đã xin ý kiến cơ quan T.Ư về đề án này, trong đó Bộ Nội vụ đồng tình, còn Ban Tổ chức T.Ư ủng hộ nhưng nói làm theo quy định. Dù rất tâm huyết nhưng Hậu Giang không dám triển khai vì chưa có quy định.

GIAO QUYỀN CHỦ ĐỘNG CHO ĐỊA PHƯƠNG

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá việc tinh giản biên chế của giai đoạn trước chủ yếu là giảm số người được giao nhưng chưa sử dụng, còn giai đoạn hiện nay là giảm thật sự. Việc tinh giản biên chế còn đối mặt một áp lực khác khi nhiều cán bộ, công chức dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021 (8 huyện và 561 xã) đến nay vẫn chưa bố trí xong. Trong khi đó, giai đoạn 2023 – 2030 có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện cần sắp xếp bằng 3 lần và cấp xã gấp 2 lần giai đoạn 2019 – 2021.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết 3 nghị định được lấy ý kiến rất quan trọng và cấp bách để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Quốc hội.  Việc xây dựng 3 nghị định này trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao thẩm quyền cho các địa phương. Như nghị định về cán bộ, công chức cấp xã, các tỉnh dựa trên bộ khung được Chính phủ giao và phân bổ về cho huyện, rồi sau đó huyện căn cứ thực tiễn từng xã để giao xuống. “Có xã chỉ cần 15 người thôi, nhưng có xã cần 30 người. Đây là điểm rất đổi mới”, bà Trà đánh giá, đồng thời nhấn mạnh việc này giúp địa phương chủ động hơn trong quản lý địa bàn.

TP.HCM có 33 đề án sáng tạo, dám đột phá

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14/2021, Thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện. Sở Nội vụ được giao làm cơ quan đầu mối tiếp nhận đăng ký ý tưởng từ các sở, ngành, địa phương. Qua đánh giá 92 đề án gửi về, Sở Nội vụ nhận định có 33 đề án đạt yêu cầu, 69 đề án bị trả về do chưa có yếu tố đột phá, dám nghĩ, dám làm.

Theo quy trình, tổ thẩm định gồm đại diện các sở ngành sẽ thẩm định lại các đề án dựa trên các quy định hiện hành, rồi chuyển về cho đơn vị làm đề án chi tiết, trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Tương tự đối với tinh giản biên chế, bà Trà cũng cho biết sẽ giao cho địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác, yêu cầu cụ thể, trình tự thủ tục, đối tượng, còn Bộ Nội vụ chỉ làm công tác hậu kiểm.

Đối với nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá đây là vấn đề “rất mới và rất khó”. Nghị định sẽ ban hành khung cơ bản, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào để cụ thể hóa phù hợp thực tiễn địa phương, đơn vị. Dù đánh giá đây là nghị định khó nhưng bà Trà bày tỏ “khó mấy cũng phải làm, và phải làm cho bằng được”. Tuy nhiên, việc xây dựng nghị định sẽ không quá cầu toàn mà sẽ để thực tiễn chứng minh và hoàn thiện dần, có thể nâng lên thành văn bản pháp quy cao hơn, tạo nền tảng cho cán bộ dám làm, dám đột phá.

Bà Trà cho biết dự thảo nghị định này sẽ gửi lấy ý kiến các cơ quan tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, cần thiết thì xin ý kiến Bộ Chính trị để đảm bảo chặt chẽ về cơ sở chính trị, thống nhất chung trên cả nước. Dự kiến, nghị định sẽ được ban hành trong tháng 6.2023.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img