Friday, March 29, 2024

Học ngành kỹ thuật có cần ‘khỏe như lực sĩ’?

Học khối ngành kỹ thuật có phải làm các công việc nặng nhọc, ngành ô tô điện chưa phát triển thì tốt nghiệp xong liệu có việc làm hay không… là những thắc mắc của các học sinh đang cân nhắc chọn ngành, nghề.

Không còn dùng cơ bắp mà dùng trí tuệ

Theo dõi chương trình tư vấn truyền hình trực tuyếnChọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kỹ thuật và công nghiệp” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 28.3, một bạn đọc thắc mắc: “Liệu học kỹ thuật có khó và vất vả hơn học kinh tế không? Có phải làm các công việc nặng nhọc cần sức khỏe hay không? Cần yếu tố nào để học tốt?”.

Học ngành kỹ thuật có cần

Học sinh lớp 12 tìm hiểu về các ngành kỹ thuật tại chương trình Tư vấn mùa thi năm 2023 của Báo Thanh Niên

PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho hay: “Phải thừa nhận chương trình học của các ngành kỹ thuật khá rõ ràng, có thể bị cho là cứng nhắc và khô khan. Tuy nhiên, đó là khối ngành kỹ thuật truyền thống. Hiện nay có nhiều ngành kỹ thuật được tích hợp với lĩnh vực kinh tế, công nghệ… nên kiến thức cũng rộng mở và cần nhiều tố chất, kỹ năng khác”.

Theo PGS-TS Hưng, ngày nay học kỹ thuật không chỉ cần có năng lực môn toán, vật lý, tư duy logic, tính toán mà còn cần tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề… Về mức độ khó khăn và vất vả, ông Hưng nhận định: “Mỗi lĩnh vực ngành nghề đều có cái khó khăn và thuận lợi riêng. Quan trọng là khi lựa chọn ngành nghề, các em phải thấy phù hợp với sở thích, năng lực của mình”.

Tiến sĩ Hoàng Thịnh Nhân, khoa Kỹ thuật-Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ thêm: “Ngày nay công nghệ phát triển, khối kỹ thuật giờ cũng không còn dùng cơ bắp mà dùng trí tuệ nhiều hơn. Nếu phải dùng tới sức lực thì đa số chỉ ở các cơ sở sản xuất có công nghệ thấp, xưởng thủ công… Các em không đam mê, không thích thú thì chắc chắn khi học tập và làm việc sẽ thấy khó khăn và vất vả”.

Ngành ô tô điện chưa phát triển thì cơ hội việc làm ra sao?

Là nữ nhưng học sinh Tố Uyên lại băn khoăn giữa ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa với ngành ô tô điện. “Ô tô điện chưa phát triển ở Việt Nam thì ra trường có cơ hội việc làm hay không?”, Tố Uyên băn khoăn.

Học ngành kỹ thuật có cần

Các chuyên gia trả lời thắc mắc của thí sinh trong chương trình tư vấn chiều nay tại Báo Thanh Niên

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng ô tô điện là xu hướng sẽ thống trị trong tương lai do con người đang ngày càng muốn thân thiện với môi trường, phát triển giao thông thông minh… “Đây là ngành xu hướng nên cơ hội việc làm chắc chắn sẽ rất rộng mở. Các em sẽ được học kiến thức liên quan ô tô, cơ chế chuyển hóa điện năng thành cơ năng…”, thạc sĩ Phương nói.

Trong khi đó, học sinh Quang Đại cho biết bản thân thích tất cả những gì liên quan đến ô tô và muốn sau này làm chủ gara của riêng mình, vậy nên học ngành gì để vừa có kiến thức ô tô vừa giỏi quản trị?

Giải đáp thắc mắc này, tiến sĩ Hoàng Thịnh Nhân lưu ý, công nghệ ô tô là một ngành kỹ thuật thu hút nhiều thí sinh trong những năm gần đây. “Khi học một ngành và tốt nghiệp, các em có thể làm được nhiều nghề và ngược lại để làm một nghề thì cũng có thể học nhiều ngành. Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật công nghệ ô tô rất thuận lợi để mở một gara. Tuy nhiên, các em cũng phải bổ sung thêm kiến thức về quản trị, thương mại, luật, kinh tế… để gara hoạt động hiệu quả hơn”.

Nhiều ngành kỹ thuật để lựa chọn

Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Hưng, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, khối ngành kỹ thuật rất rộng. Trong đó có những ngành cơ bản như: kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật hóa học và môi trường, cơ điện tử, kỹ thuật ô tô, kỹ thuật nhiệt-nhiệt lạnh, kỹ thuật y sinh.

“Trường ĐH Việt Đức tập trung đào tạo 5 ngành cơ bản gồm kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, điện-điện tử và khoa học máy tính”, PGS-TS Hưng thông tin.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và phát triển thương hiệu, cho hay trường có 20 ngành liên quan kỹ thuật công nghiệp như công nghệ ô tô, công nghệ ô tô điện, cơ khí, cơ điện tử, điều khiển và tự động hóa, robot và trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin, kỹ thuật xây dựng…

Tiến sĩ Hoàng Thịnh Nhân, khoa Kỹ thuật-Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho hay: “Trường đang tuyển sinh và đào tạo các ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử…”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img