Wednesday, April 24, 2024

Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Chủ tịch VRA

Được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) tổ chức đại hội nhiệm kỳ 6 (2023 – 2028) vào chiều 28.3 tại TP.HCM.

Tham dự đại hội có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN; ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện nhiều bộ ngành, cơ quan, đơn vị; các hiệp hội ngành hàng, nguyên lãnh đạo VRA, đại biểu hội viên VRA.

Đại hội đã bầu ông Trần Ngọc Thuận, Ủy viên HĐQT Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Chủ tịch VRA nhiệm kỳ 5 (2018 – 2022) tái đắc cử nhiệm kỳ 6 (2023 – 2028).

Các Phó chủ tịch VRA nhiệm kỳ 6 gồm các ông Huỳnh Văn Bảo, Lê Thanh Hưng, Nguyễn Viết Tượng, Lê Hoàng Khánh Nhật; và ông Võ Hoàng An làm Tổng thư ký VRA.

Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Chủ tịch VRA

VRA tổ chức đại hội nhiệm kỳ 6 tại TP.HCM vào chiều 28.3

Tính đến cuối năm 2022, VRA có 116 hội viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. VRA vẫn tiếp tục thực hiện việc cấp giấy Chứng nhận hội viên từng năm cho hội viên theo quy định.

Trên cơ sở các phản ánh, kiến nghị của hội viên, từ năm 2018 cho đến nay, VRA kiên trì kiến nghị với các Bộ ngành liên quan và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật (về thuế, đất đai, các vấn đề tồn tại về môi trường cho ngành cao su) có ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp nói riêng, ngành cao su nói chung.

Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Chủ tịch VRA

Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Chủ tịch VRA

VRA thống nhất phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ 6, với nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tổ chức triển khai những hoạt động nâng cao hơn nữa vai trò của VRA trong nhiệm vụ hỗ trợ phát triển, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.

Cùng với đó, kết nối với các cơ quan quản lý và tăng cường hợp tác quốc tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho hội viên, doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam trong bối cảnh giá có thể duy trì ở mức thấp kéo dài…  

Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 5 về diện tích (khoảng hơn 929.000 ha), thứ 3 về sản lượng (đạt gần 1,29 triệu tấn) cao su thiên nhiên trên thế giới và dẫn đầu về năng suất trong khu vực châu Á.

Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Chủ tịch VRA

Đoàn chủ tịch đại hội VRA nhiệm kỳ 6 (2023 – 2028)

Tại Việt Nam, cao su là nông sản đầu tiên và duy nhất có nhãn hiệu chứng nhận. Chương trình xây dựng Thương hiệu ngành cao su Việt Nam do VRA thực hiện thông qua hình ảnh nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” đã bước sang năm thứ 7.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 89 sản phẩm cao su thiên nhiên của 31 nhà máy thuộc 19 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, cho thấy nhãn hiệu đã ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cao su, cũng như luôn được Bộ ngành, các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố chính thức trên trang chủ, xuất khẩu cao su thiên nhiên từ năm 2018 đến nay có mức tăng dần cả về lượng và kim ngạch.  

Xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam trong năm 2022 đã xác lập kỷ lục với lượng ước đạt hơn 2,1 triệu tấn, trị giá hơn 3,3 tỉ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 1,1% về giá trị so với năm 2021. Trong đó, hội viên VRA xuất khẩu chiếm khoảng 51,6% về lượng và 51,2% về giá trị (tính theo tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên). 

Về thị trường, trong giai đoạn 2018 đến nay, lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu sang Trung Quốc luôn chiếm hơn 60% tổng lượng xuất khẩu, là thị trường chính của Việt Nam. Trong năm 2022, xuất khẩu cao su thiên nhiên sang Trung Quốc vẫn tăng 14,6% về lượng và tăng 4,3% về giá trị so với năm 2021, với lượng ước đạt hơn 1,6 triệu tấn, tương đương gần 2,4 tỉ USD.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img