Friday, April 26, 2024

Giai đoạn thắt chặt tiền tệ đang dần kết thúc?

Các chuyên gia nhận định: Trên thế giới, giai đoạn thắt chặt tiền tệ đang chậm lại và dự báo có thể đến hết tháng 6/2023, khả năng giai đoạn thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc.

Giai đoạn thắt chặt tiền tệ đang dần kết thúc?

 

Trao đổi trong (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia cho rằng, giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu chậm dần trên thế giới và áp lực đối với các doanh nghiệp cũng sẽ giảm dần đi, dự báo thị trường có thể có những điểm sáng hơn vào cuối năm nay.

Như hai ông cũng đã thấy, nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức, theo các ông, hiện các doanh nghiệp Mỹ đang phải đối mặt với mức lãi suất như thế nào?

Theo thống kê của chúng tôi, FED đã thực hiện tăng lãi suất 9 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Mức lãi suất ở Mỹ hiện đang trong khoảng 4,75% – 5%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Về cơ bản, tôi đánh giá mức lãi suất này cao gấp đôi so với thời kỳ trước đó. Hiện chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp đang trong khoảng 7-8%, do đó dự báo sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở Mỹ. Theo ước tính của Morgan Stanley, EPS của các doanh nghiệp trong S&P 500 dự kiến sẽ giảm 11% so với năm 2022.

Nếu chúng ta nhìn lại quá trình tăng lãi suất của FED trong một năm vừa qua, họ đã tăng từ khoảng 0,25% lên đến khoảng 4,75%. Một mức tăng quá nhanh và trong một đoạn thời gian ngắn như vậy gây ra những tác động nhất định. Theo thống kê của chúng tôi, lãi suất cho vay mà các doanh nghiệp ở bên Mỹ đang phải trả cũng tăng tùy từng mức, khoảng 3,25% đến 7,5%. Chính vì vậy, nó chắc chắn sẽ tác động vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ.

Sau câu chuyện về các ngân hàng hay các doanh nghiệp gặp khó khăn ở Mỹ, hiện FED đã điều chỉnh lại chính sách tăng lãi suất của mình, các ông đánh giá như thế nào về động thái này?

 

Theo tôi, FED đang phải đối mặt với bài toán khó giữa lạm phát và thanh khoản trong hệ thống tài chính. Trước đó, họ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và đặt ra mục tiêu giảm quy mô bảng cân đối kế toán của họ với 1 năm giảm khoảng 600 tỷ USD. Nhưng trong vòng 2 tuần trở lại đây, bảng cân đối kế toán của FED đã tăng hơn 400 tỷ USD sau loạt hiện tượng ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, Trong khi đó, mức lạm phát vẫn còn khá xa mục tiêu, CPI tháng 2 của Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo một khảo sát của CME Group, một xác suất khá cao (>80%) khi nhiều nhà đầu tư đang đặt cược FED sẽ dừng tăng lãi suất, thậm chí là có đợt cắt giảm luôn vào tháng 7/2023.

Giai đoạn thắt chặt tiền tệ đang dần kết thúc?
 

Chúng tôi đánh giá, FED sẽ vẫn tiếp tục dùng chính sách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, tất nhiên liều lượng có thể sẽ phải điều chỉnh giảm lại một chút bởi vì chúng ta hiểu rằng FED họ có mục tiêu về mặt chính sách rất quyết liệt đối với lạm phát. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất của FED sẽ đạt đỉnh đâu đó khoảng tầm tháng 6/2023, sau đó chúng ta sẽ thấy lãi suất của FED sẽ ổn định trở lại và sẽ có xu hướng giảm dần từ cuối năm 2023 hoặc có thể sang năm 2024 là sẽ xuống rõ rệt. Với những diễn biến của thị trường tài chính gần đây, đặc biệt như vụ việc của SVB, sẽ làm ảnh hưởng đến tài sản của người dân Mỹ. Theo đó, phần đầu tư và phần tiêu dùng chắc chắn sẽ ảnh hưởng, từ đó sẽ giúp lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến, lãi suất cũng sẽ hạ nhiệt. Hiện tại, mức lãi suất kỳ vọng sẽ đạt đỉnh không phải mức 5,5% như ban đầu mà đã giảm xuống còn 5,1 hoặc thậm chí là 5% thôi.

Còn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã giảm một số lãi suất điều hành xuống để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện mức lãi suất hiện nay theo ông đã “dễ thở” hơn cho các doanh nghiệp hay chưa?

Các chuyên gia đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã có bước đi khá nhanh, có thể nói là đi trước một bước, nhờ đó các NHTM đã bắt đầu giảm lãi suất huy động. Còn về phía lãi suất cho vay sẽ có mức giảm chậm hơn và giảm tùy ngành. Đối với một số gói vay ưu đãi trung hạn cũng đã giảm về mức 7.5%. Tuy nhiên, một số ngành rủi ro cao hơn thì mức lãi suất cho vay vẫn đang ở mức cao. Có lẽ cần thêm thời gian một vài tháng, chúng ta mới có thể có mức giảm lãi suất cho vay tốt hơn. Cũng như Mỹ, lãi suất cho vay hiện tại cao hơn khoảng 1,5 lần so với cách đây một năm.

Giai đoạn thắt chặt tiền tệ đang dần kết thúc?
 

Phần lãi suất mà tôi nghĩ rằng sẽ tác động nhiều đến thị trường, đó là phần lãi suất liên quan đến trần lãi suất đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng, nếu phần lãi suất này được hạ xuống, nó sẽ tác động về mặt tâm lý cũng như tác động thực tế hơn đối với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Như chúng ta đã biết, lãi suất của Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn tháng 10, tháng 11/2022. Nhưng từ mức đỉnh cao đó thì trong vòng tháng 1 đến tháng 3 của năm 2023, lãi suất đã hạ nhiệt, cũng đã giảm xuống mức 10% và sau đó 9,5%. Hiện tại, chúng tôi quan sát chỉ quanh quanh 9%, còn lãi suất bình quân tiền gửi dài hạn khoảng 8%. Tuy nhiên, dù lãi suất đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức khá cao so với giai đoạn trước đó nên sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng, nhu cầu tiêu dùng. Chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất hiện tại bắt đầu từ lãi suất cho vay sẽ cần phải giảm đâu đó khoảng từ 1,1% đến 1,5%.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng lãi suất trong nước từ nay đến cuối năm sẽ trong xu hướng giảm, theo các ông thì sao?

Chúng tôi cho rằng, đây là mối quan tâm chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đang chuyển mối quan tâm từ lạm phát sang nỗi lo giảm phát và suy thoái trong một, hai tháng tới, đặc biệt sau sự kiện loạt ngân hàng Mỹ gặp khó về thanh khoản. Và thực tế hầu hết các loại hàng hóa cũng đã giảm giá mạnh trong 2 tuần và và giảm về trước dịch COVID – 19.

Ở trong nước, về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, chúng tôi cũng kỳ vọng là sẽ có những điều chỉnh. Bởi lẽ khi tỷ giá vẫn còn giữ được ổn định, chúng ta sẽ không cần dùng đến các biện pháp về chính sách điều chỉnh lãi suất. Thứ hai, đó là tỷ giá đồng USD hiện tại vẫn đang ở ngưỡng khá thấp, nó cũng sẽ giúp cho chúng ta sẽ có những chính sách khá ổn định về lãi suất.

Tôi nghĩ điều này đúng, chúng tôi cũng đánh giá rằng lãi suất của FED sẽ đạt đỉnh vào tháng 6 và đồng USD sẽ không thể mạnh quá được nữa, khi đó áp lực trong việc điều hành tỷ giá ở Việt Nam cũng sẽ dễ thở hơn rất nhiều, giúp chúng ta có không gian để hạ lãi suất. Bên cạnh yếu tố về tỷ giá, một yếu tố rất quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm nay sẽ chú ý đó là lạm phát, nếu diễn biến lạm phát trong tháng 3 này tiếp tục hạ nhiệt, chúng ta sẽ có không gian để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất xuống. Và đặc biệt, nếu FED hạ tốc độ tăng lãi suất của mình, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tính toán việc cắt giảm và lãi suất điều hành xuống nhanh hơn dự kiến. Chúng tôi đang dự kiến việc giảm lãi suất điều hành có thể xảy ra vào tháng 7, tức là sang nửa sau của năm. Nhưng nếu diễn biến này diễn ra nhanh, có thể nó xảy ra sớm hơn, ngay trong tháng 5, tháng 6.

Vậy theo dự báo của ông, giai đoạn thắt chắt tiền tệ bao giờ sẽ chấm dứt?

Chúng tôi đánh giá trên thế giới, giai đoạn thắt chặt tiền tệ đang dần chậm lại và dự báo có thể đến hết tháng 6/2023, khả năng giai đoạn thắt chặt tiền tệ sẽ kết thúc. Còn ở Việt Nam, có nhiều sự thuận lợi để chúng ta sử dụng chính sách nới lỏng tiền tệ hơn như tôi đã chia sẻ ở trên và thực tế thì ở châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản cũng đều đang áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng.

Chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ diễn ra khác nhau ở một số khu vực. Ví dụ như bên Châu Âu thì Ngân hàng trung ương Châu Âu sẽ vẫn đang trong cuộc chiến chống lạm phát của mình và họ vẫn đang phải tăng lãi suất. Ở Mỹ, chúng tôi cho rằng chu kỳ này sẽ kéo dài đâu đó đến tháng 6/2023 như định hướng của FED và sau đó sẽ bắt đầu giai đoạn bớt thắt chặt. Giai đoạn nới lỏng tôi nghĩ rằng sẽ phải kéo dài sang năm 2024. Còn đối với Việt Nam, đặc thù của chúng ta là tăng trưởng tín dụng theo hạn mức. Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm cũng đã đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng đâu đó từ 14% – 15% và mục tiêu này vẫn đang xuyên suốt. Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng như hiện tại cho đến tầm 2, 3 tháng nữa và khi nào Ngân hàng Nhà nước thấy lạm phát ổn định thì chúng ta sẽ thấy có những động thái cắt giảm lãi suất rõ rệt hơn.

Giai đoạn thắt chặt tiền tệ đang dần kết thúc?
 

Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến như thế nào theo dự báo của các ông?

Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường chứng khoán sẽ dao động trong một biên độ khá hẹp. Về mặt hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, chúng tôi dự báo trong Qúy 1/2023, khả năng cao sẽ giảm khoảng 10%. Tuy nhiên, hiện cũng có một số ngành đang dần có đơn hàng trở lại như thép, thủy sản, dệt may, nông sản, du lịch… Thị trường chứng khoán Việt Nam được thống kê là một trong những thị trường giảm điểm nhiều nhất trong một năm qua và những thông tin xấu đã được phản ánh vào giá cổ phiếu nên khả năng giảm sâu thêm là khó xảy ra và dần tích cực lên vào các quý cuối năm.

Chúng tôi cho rằng trong trước mắt, khi mà trạng thái về thanh khoản còn đang thấp như thế này cộng với việc chúng ta sẽ phải đón nhận kết quả kinh doanh quý I/2023 chắc chắn sẽ không không khả quan. Như chúng tôi dự báo là tăng trưởng EPS của toàn thị trường sẽ âm trong quý I/2023, nó khiến cho định giá của thị trường Việt Nam vẫn chưa quá hấp dẫn, vẫn quanh mức đâu đó gần 13 lần, tương ứng với tỷ suất sinh lời của thị trường chỉ ở quanh mức 8%, nếu so sánh với phần mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện tại thì nó chưa quá hấp dẫn. Vậy chỉ khi nào chúng ta thấy lãi suất hạ được một cách rõ rệt, khiến cho phần lợi nhuận của doanh nghiệp có khả năng phục hồi tốt hơn, khi đó thị trường sẽ có con sóng phục hồi một cách rõ rệt hơn. Chúng tôi kỳ vọng rằng, xu hướng tăng trưởng phục hồi rõ rệt hơn vào từ nửa cuối của năm 2023 này.

Như vậy, nhà đầu tư nên làm gì vào lúc này, thưa hai ông?

Dự báo của chúng tôi về thị trường là có thể sẽ ổn định và tăng trưởng trở lại vào hai quý cuối năm nên hiện tại sẽ là cơ hội để chúng ta tích lũy những cổ phiếu tốt mà sẽ tích cực dần từ giờ đến cuối năm. Một số nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm như ngành thép, thủy sản, nông sản hay là dệt may.

Về mặt lựa chọn nhóm ngành đầu tư, chúng tôi cho rằng nhóm ngành đầu tiên là cổ phiếu liên quan đến ngành tài chính. Thực ra, ngành tài chính thì đang trải qua tâm điểm của con sóng và nó làm cho định giá của ngành này đang ngày càng trở nên hấp dẫn. Nhà đầu tư có thể tích lũy và thực sự trong ngành vẫn có những cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, sẽ vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt trong năm nay, tiếp theo những ngành như bán lẻ, hoặc ngành liên quan đến một phần câu chuyện đầu tư công nhưng mà cũng liên quan đến xu hướng chuyển động chính sách gần đây, đó là ngành năng lượng, dầu khí. Khi chúng ta thấy những chính sách để hỗ trợ ngành đang bắt đầu được thúc đẩy triển khai, có nhiều những cổ phiếu đang quay trở lại mức định giá thấp hơn cách đây 10 năm, nhưng triển vọng về lợi nhuận lại đang tăng trưởng tốt hơn.

Xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên!

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img