Friday, March 29, 2024

Lo ngay ngáy về an toàn cho học sinh khi đi tham quan

Sau sự cố hơn 50 học sinh tiểu học ở Hà Nội phải nhập viện nghi ngộ độc sau chuyến dã ngoại, phụ huynh lại lo ngại về nguy cơ mất an toàn của các hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế do nhà trường tổ chức.

Tạm hoãn lịch tham quan

Sau khi hơn 50 học sinh Trường tiểu học Kim Giang (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) phải cấp cứu vì nghi ngộ độc thực phẩm sau chuyến dã ngoại ngày 28.3 vừa qua, nhiều trường trên địa bàn quận đã thông báo tạm hoãn hoạt động tham quan, dã ngoại theo kế hoạch.

Lo ngay ngáy về an toàn cho học sinh khi đi tham quan

Hơn 50 học sinh Trường tiểu học Kim Giang phải nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm sau chuyến dã ngoại

Sáng 29.3, phụ huynh nhiều trường ở Q.Thanh Xuân nhận được thông báo về việc tạm hoãn hoạt động tham quan, dã ngoại theo kế hoạch sau khi có chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận.

Anh T.H, một phụ huynh có con học lớp 2 Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Q.Thanh Xuân), cho hay: theo kế hoạch thì ngày 30.3, khối lớp 1, lớp 2 con anh sẽ đi tham quan tại trang trại Cánh Buồm Xanh (H.Gia Lâm, Hà Nội), cùng địa điểm mà Trường tiểu học Kim Giang mới đưa học sinh đến.

Do vậy, sau khi biết tin gần 50 cháu phải cấp cứu vì nghi ngộ độc thực phẩm sau chuyến đi, dù đã đóng tiền cho con (260.000 đồng/học sinh) nhưng vợ chồng anh H. dự định sẽ không cho con tham gia vào ngày 30.3. Sáng 29.3, anh cũng đã nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm về việc tạm hoãn lịch tham quan.

“Kể cả khi chưa xảy ra sự việc, mỗi lần con đi tham quan với nhà trường là mỗi lần vợ chồng tôi lo ngay ngáy vì thực tế đã có không ít vụ mất an toàn xảy ra trong các chuyến đi này từ trước đến nay”, anh H. nói.

Cũng tại Hà Nội, tháng 2 vừa qua, một nam sinh lớp 11 của Trường THPT Lý Thánh Tông (H.Đông Anh, Hà Nội) bị đuối nước khi đi dã ngoại tại Mai Châu (Hòa Bình) khiến dư luận rất đau lòng.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các văn bản chỉ đạo đều đã khá đầy đủ và chi tiết. Đầu năm học 2022 – 2023 này, Sở đã ban hành văn bản về bảo đảm an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông phòng, chống tai nạn thương tích… cho học sinh.

Theo đó, đối với việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, các nhà trường phải xây dựng kế hoạch rõ thành phần tham gia, đơn vị phối hợp thực hiện, thời gian, địa điểm, kinh phí, phương án bảo đảm an toàn, phương án phòng, chống dịch bệnh và lịch học bù cho học sinh, nếu tổ chức vào ngày không được nghỉ theo quy định.

Việc tổ chức hoạt động ngoại khóa phải được đồng thuận của cha mẹ học sinh; cần bố trí cán bộ giáo viên, cha mẹ học sinh cùng tham gia và quản lý học sinh, bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức.

Cũng theo văn bản này, nhà trường chỉ thực hiện kế hoạch khi đã được cấp quản lý trực tiếp đồng ý, đồng thời báo cáo kết quả về cấp quản lý trực tiếp chậm nhất 10 ngày sau khi tổ chức xong. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước ngành GD-ĐT Hà Nội và pháp luật về công tác tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh của đơn vị.

Nhiều địa phương đồng loạt chấn chỉnh

Không chỉ nguy cơ mất an toàn với học sinh, việc tổ chức các hoạt động tham quan thu phí quá cao, không đúng mục tiêu giáo dục gần đây ở không ít nhà trường cũng khiến nhiều địa phương phải ra văn bản chấn chỉnh.

Mới đây nhất, Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản khẩn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp. Trong đó, Sở yêu cầu nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức.

Tháng 2.2023 vừa qua, Sở GD-ĐT Nghệ An cũng có văn bản chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho học sinh. Trong đó, nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để thu tiền trái quy định và không đồng loạt đưa học sinh đi tham quan du lịch.

Khi tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường; yêu cầu các đơn vị phải xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học cụ thể, phù hợp về nội dung, mục tiêu yêu cầu cần đạt của chương trình, thời lượng và điều kiện thực tế của nhà trường.

Cũng trong tháng 3 này, Sở GD-ĐT Cần Thơ cũng có văn bản chỉ đạo, quy định rõ trách nhiệm và cách thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Sở GD-ĐT Phú Thọ thì yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở ngoài trường học phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường đã xây dựng từ đầu năm học.

Các hoạt động giáo dục tổ chức ngoài nhà trường phải được trao đổi, bàn bạc và có sự thống nhất với phụ huynh học sinh; phải có sự phối hợp với phụ huynh học sinh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho người tham gia.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img