Tại cuộc làm việc với Lãnh đạo tỉnh Sơn La, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Sơn La tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo; phối hợp với các địa phương của Lào nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để cùng phát triển nhanh và bền vững hơn.

Cần mô hình nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa tại thủ phủ rau quả Tây Bắc

Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La mới được khánh thành.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng ủng hộ quan điểm cần có một mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo đúng nghĩa, nơi mà công tác nghiên cứu, ươm tạo giống mới, chất lượng cao được chú trọng nhiều hơn, trước mắt là tại Sơn La – thủ phủ rau quả của vùng Tây Bắc và một địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Sơn La tăng cường trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay với các địa phương khác để có nhiều hơn nữa những mô hình phát triển mới, có thể là giải pháp cho cả khu vực. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển; tính toán, chuẩn bị các dự án đầu tư, trong đó có dự án ODA, thật tốt, có trọng tâm, trọng điểm, lấy hiệu quả làm đầu, tránh tình trạng đầu tư manh mún, lãng phí, rủi ro về công tác cán bộ.

Trước đó, tỉnh Sơn La đề nghị được hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La tại huyện Mộc Châu.

Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 trước đó xác định, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La được quy hoạch với diện tích 200 ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với các lĩnh vực chính như trồng trọt (rau, hoa, chè, cây ăn quả ôn đới); chăn nuôi (bò sữa, bò thịt); bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản.

Cần mô hình nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa tại thủ phủ rau quả Tây Bắc

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La được quy hoạch với diện tích 200 ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với các lĩnh vực chính như trồng trọt, chăn nuôi.

Trên thực tế, được xem là thủ phủ rau quả của vùng Tây Bắc, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các cấp, các ngành của tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo các giống mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Hiện tỉnh có trên 83.000 ha cây ăn quả, gần 19.000 ha cà phê, gần 22.500 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 281 mã số vùng trồng, với diện tích trên 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với 3.084 hộ gia đình, 787 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, trong đó có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. 

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã phê duyệt, cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 42 dự án, với tổng mức đầu tư đăng ký ban đầu 8.412 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản. Hiện có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Tiếp tục xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; duy trì và phát triển bền vững nhãn hiệu các sản phẩm nông sản đã được bảo hộ.

Toàn tỉnh có 110 sản phẩm OCOP, tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất, Trà vỏ cà phê; Cá Tép dầu; Chè Trọng Nguyên; Mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; Trà Xanh mây; Hồng giòn sấy dẻo; Ống hút tre Bình Mình; Gạo nếp tan Ngọc Chiến; Ống hút, cốc, dao, thìa, dĩa tre Gia Phát; Trà Sencha; Ngọc trai Queenpearl; Điểm du lịch Pha Đin tốp; Điểm du lịch cộng đồng Ngọc Chiến…. 

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN&PTNT Sơn La, cho biết: Thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung đầu tư nguồn nhân lực có trình độ; hoàn thành các dự án khu ứng dụng công nghệ đảm bảo cơ sở hạ tầng nghiên cứu và nhân lực để triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu. Làm chủ các công nghệ tiên tiến, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phòng trừ dịch bệnh hại và thực hiện bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; quan tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ dựa trên tình hình sản xuất thực tiễn để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh, đó là hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp thời gian tới.

Với mục tiêu và giải pháp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành Nông nghiệp Sơn La tiếp tục phát triển mạnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc trong tương lai không xa.