Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến nay về cơ bản, việc cắt giảm số lượng lớn lao động của công ty TNHH PouYuen Việt Nam đang được kiểm soát. Công ty đã có phương án chi trả hỗ trợ người lao động mất việc. Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu, kết nối cung cầu để lao động trong diện cắt giảm của công ty PouYuen Việt Nam tìm kiếm việc làm mới.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận định, trong thời gian tới, thị trường lao động có khả năng bị ảnh hưởng và trầm lắng do nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn phục hồi đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp dệt may, giày da, bất động sản, xây dựng, đồ gỗ mỹ nghệ…

Kết nối cung cầu, tìm kiếm việc làm cho lao động mất việc

Doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, quy mô nhỏ hơn để duy trì hoạt động (ảnh minh hoạ)

Chia sẻ với báo chí, ông Ngô Xuân Liễu – Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá việc cắt giảm lao động, nhất là tại các doanh nghiệp chiếm dụng nhiều lao động gây áp lực rất lớn cho các địa phương trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí…

Nhận định quá trình phục hồi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và có thể kéo dài đến quý 3, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các địa phương nắm bắt kịp thời, tổng hợp thông tin trên toàn quốc và qua các hiệp hội ngành nghề chịu tác động lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo, có phương án hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết. 

Với những doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm lao động, theo ông Ngô Xuân Liễu, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đã tiếp cận ngay và luôn với các doanh nghiệp vừa giải quyết kịp thời chính sách, chế độ cho lao động bị cắt giảm vừa kết nối tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu của họ. Ngoài ra, các trung tâm dịch vụ việc làm còn tổ chức các hoạt động kết nối việc làm ở tầm khu vực, liên khu vực trên toàn quốc thông qua giao dịch trực tuyến.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ để thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để bổ trí bổ sung nguồn vốn và nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Kết nối cung cầu, tìm kiếm việc làm cho lao động mất việc

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động 8 tỉnh phía Bắc vừa được Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức

Ngoài các giải pháp trước mắt và ngắn hạn để tháo gỡ khó khăn, qua phân tích số liệu tổng hợp hàng ngày về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, theo lãnh đạo Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, từ 60-70% người bị thất nghiệp là lao động giản đơn.

Có thể thấy, cơ cấu lao động đang có vấn đề, người lao động có trình độ cao thì nguy cơ thất nghiệp càng thấp. Ngược lại, người lao động có trình độ thấp, kỹ năng hạn chế… sẽ chịu tác động mạnh hơn và nguy cơ mất việc cũng cao hơn. 

Không những thế, trước đây chúng ta cạnh tranh bằng lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ thì hiện nay và trong thời gian tới, công nghệ phát triển khiến yếu tố trên không còn lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam nữa.

Do đó, đây là thời điểm cần xem xét, điều chỉnh cơ cấu kinh tế phải gắn với cơ cấu lao động. Thay đổi cơ cấu thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo, có trình độ và kỹ năng tay nghề cao… cũng là giải pháp lâu dài hạn chế việc cắt giảm lao động cũng như chủ động và dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, góp phần cùng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.