Tình trạng thiếu đơn hàng đang diễn ra tại các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ… Một số doanh nghiệp cực chẳng đã phải tính đến phương án cắt giảm lao động. Mới đây, Pouyuen Việt Nam – doanh nghiệp sử dụng số lao động nhiều nhất TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm gần 6.000 lao động, chiếm khoảng 10% tổng số lao động của công ty. 

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp xoay xở cầm cự

Công ty Pouyuen Việt Nam có kế hoạch cắt giảm gần 6.000 lao động trong tháng 6 và tháng 7. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm, công ty cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng

Trao đổi với DĐDN, bà Đỗ Thị Thuý Hương – Uỷ viên BCH Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết về những khó khăn của doanh nghiệp điện tử trong việc thiếu đơn hàng. Tình trạng này bắt đầu từ cuối năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp điện tử giảm dần.

Dự báo, năm nay, thị trường sản lượng điện tử toàn cầu suy giảm 16% khiến tốc độ tăng trưởng của ngành điện tử Việt Nam chậm lại, chỉ đạt 5,76%, trong khi con số tăng trưởng năm 2021 là 13%. Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết sẽ hết đơn hàng từ tháng 6 tới và tác động đến kim ngạch xuất khẩu trong quý 2.

Tương tự với ngành dệt may, tại hội thảo chuyên đề cập nhật, thông tin thị trường tháng 5 vừa được Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức, lãnh đạo tập đoàn nhận định tình hình sản xuất kinh doanh quý II dự báo tiếp tục theo chiều hướng xấu. Cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục thấp trong quý III/2023 trong khi cung lại tăng trong năm 2023 do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi kinh tế. 

Trước thực trạng trên, đại diện các hiệp hội ngành nghề cho biết, các doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt thông tin diễn biến thị trường, cập nhật xu hướng phát triển của ngành để điều chỉnh định hướng chiến lược, tổ chức sản xuất linh hoạt, chủ động. Trong đó, ưu tiên cắt giảm chi phí không cần thiết, tối ưu hoá sản xuất, chú trọng chất lượng và nâng cao năng suất.

Nhận định, trong thách thức khó khăn, doanh nghiệp có cơ hội phát triển, nhất là xu hướng dịch chuyển đầu tư sản xuất cũng như việc tham gia sâu vào các FTA, Việt Nam thu hút đầu tư FDI lớn và chất lượng trong ngành công nghiệp điện tử. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp điện tử khai thác các cơ hội lớn của thị trường, Hiệp hội sẽ tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển thương mại, hội chợ triển lãm, tư vấn pháp lý, cấp chứng chỉ điện tử…

Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp xoay xở cầm cự

Nhiều doanh nghiệp đang tái cơ cấu, tối ưu hoá chi phí và sản xuất để vượt qua giai đoạn khó khăn (ảnh minh hoạ)

Trong đó, giải pháp hợp tác khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực được chú trọng để khắc phục điểm yếu của ngành. Người lao động có trình độ thấp, kỹ năng hạn chế..  là rào cản của doanh nghiệp trong việc tiếp cận chuyển giao công nghệ trong khi ngành điện tử có đặc thù phụ thuộc nhiều vào công nghệ và công nghệ hiện đang phát triển nhanh.

Xem xét đầu tư theo chiều sâu, tạm dừng chương trình mở rộng cũng là nội dung chỉ đạo quan trọng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhằm tối ưu hoá nguồn vốn, bảo tồn sức mạnh cốt lõi, giữ chân người lao động để tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác như ngành sợi xúc tiến lại thị trường Trung Quốc. Đồng thời tiếp tục thích ứng với tình hình mới: tổ chức sản xuất chủ động đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp…

Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, chia sẻ với báo chí, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương phối hợp các bộ, ngành thường kỳ cung cấp thông tin cập nhật về biến động các thị trường xuất khẩu lớn; đánh giá cơ hội, thách thức, nhất là yêu cầu mới phát sinh, xu hướng thiết lập các hàng rào kỹ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa giúp doanh nghiệp có kế hoạch thích ứng phù hợp, không bị động trước tín hiệu thị trường.