Friday, March 29, 2024

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Tăng ngân sách cho ĐH là khả thi

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện ngân sách nhà nước chi cho GD-ĐT mới đạt 16 – 16,8% tổng chi, trong khi luật Giáo dục quy định tối thiểu là 20%. Nếu thực hiện đúng luật Giáo dục, tăng ngân sách cho giáo dục ĐH là khả thi.

Tuần trước, Báo Thanh Niên đã có chuyên đề về tài chính cho giáo dục ĐH (GDĐH), trong đó nêu thực trạng nguồn thu của GDĐH phụ thuộc vào học phí, trong khi các chuyên gia đều cho rằng ngân sách nhà nước (NSNN) phải là nguồn tài chính chủ yếu. Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Tăng ngân sách cho ĐH là khả thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

NHÀ NƯỚC CHI CHO ĐH: VN 35%, THẾ GIỚI 66 – 75%

Trước bình luận của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng VN có thể được xem như “một ngoại lệ” (về đầu tư NSNN cho GDĐH) khi đang là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn thu học phí, ông Sơn chia sẻ:

Có thể nói cùng với việc đẩy mạnh chủ trương thực hiện tự chủ ĐH và xã hội hóa GDĐH thì tài chính ĐH là một chủ đề được bàn luận khá nhiều và tạo ra sự chú ý đặc biệt trong một vài năm gần đây. Những phân tích về tài chính ĐH của nhóm chuyên gia WB gần đây, một phần dựa vào những số liệu do các đơn vị của Bộ GD-ĐT công bố trước đây, một phần dựa trên kết quả khảo sát của nhóm tại một số cơ sở GDĐH, đã tiếp tục làm rõ thực trạng và bổ sung một số khuyến cáo phù hợp (mặc dù một số số liệu thu thập, khảo sát được chưa đủ tính đại diện).

Hiện nay chưa có số liệu tính toán chính thức về tổng kinh phí và cơ cấu kinh phí chi cho các cơ sở GDĐH. Theo số liệu dự toán NSNN do Bộ Tài chính cung cấp và số liệu do Bộ GD-ĐT khảo sát, suất chi trên đầu sinh viên (SV) trung bình năm 2021 ước tính khoảng 25,5 triệu đồng/năm; trong đó kinh phí chi từ NSNN trung bình xấp xỉ 8,8 triệu đồng/SV, tương ứng với tỷ trọng khoảng 35%. Xét chung toàn hệ thống là vậy, nhưng nếu xét riêng những trường có mức tự chủ tài chính cao thì tỷ trọng NSNN sẽ thấp hơn rất nhiều, như báo cáo của nhóm chuyên gia đã đưa ra.

Theo số liệu thống kê năm 2019 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), suất chi phí trên một SV tính trung bình trong khối OECD xấp xỉ 18.950 USD và trung bình trong khối EU xấp xỉ 18.350 USD; trong đó NSNN chiếm trung bình 66% trong khối OECD và 75% trong khối EU. Một số nước có tỷ trọng chi NSNN tương đương hoặc thấp hơn VN như: Anh (24%), Nhật (32,6%), Úc (33,7%) và Mỹ (35,7%). Tuy nhiên, suất chi phí trên đầu SV ở các nước này đều nằm ở mức rất cao (20.000 – 35.000 USD/năm).

Tỷ trọng chi từ NSNN cho các trường ĐH thấp đồng nghĩa với việc các trường ĐH sẽ khó đi theo những định hướng, mục tiêu chiến lược mà Nhà nước đặt ra. Như nhiều chuyên gia đã phân tích, khi một trường ĐH phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí thì tất yếu sẽ tập trung vào mở ngành, tuyển sinh và đào tạo những ngành, những chương trình dễ thu hút người học, chi phí thấp song lại hiệu quả cao về mặt tài chính. Hệ quả là nhiều ngành khoa học, kỹ thuật và một số ngành đặc thù khác, nhất là ở trình độ sau ĐH, rất cần cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước, sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh nếu không có những cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc bảo đảm công bằng xã hội, khả năng tiếp cận GDĐH cho các nhóm yếu thế cũng là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Tăng ngân sách cho ĐH là khả thi

Đầu tư cho giáo dục ĐH là cho phát triển bền vững, hiệu quả đầu tư cao; đầu tư càng nhiều thì lợi ích càng lớn

CHÍNH SÁCH THIẾU ĐỒNG BỘ NÊN ĐẦU TƯ BỊ GIẢM

Vài năm gần đây, Chính phủ cũng như Bộ GD-ĐT đều cho rằng nếu hiểu tự chủ là tự lo về tài chính là hiểu sai về tự chủ, nhưng trên thực tế thì các trường tự chủ vẫn bị cắt hoàn toàn ngân sách khoản chi thường xuyên… Ông nghĩ thế nào về việc có nhiều ý kiến cho rằng việc giao tự chủ rồi từ đó cắt luôn chi thường xuyên của trường ĐH công lập là điều không thấy ở thông lệ quốc tế?

Việc giao tự chủ cho các trường ĐH chính là để phát huy tốt hơn sự năng động, sáng tạo của các trường, nâng cao năng lực quản trị ĐH và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống GDĐH, từ đó gia tăng hiệu quả đầu tư của Nhà nước, của người học và của xã hội. Thực tế là trong thời gian qua việc cắt giảm kinh phí chi thường xuyên đã buộc các cơ sở GDĐH phải năng động hơn để đổi mới tổ chức, quản trị và hoạt động nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm các nguồn lực từ xã hội, đồng thời sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực này. Báo cáo của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị tự chủ ĐH năm 2022, cũng như một số khảo sát vừa qua của nhóm chuyên gia WB tại các cơ sở GDĐH tiên phong trong triển khai tự chủ, cũng đã chỉ rõ điều này.

Một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường các nguồn lực cho các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, trong đó có GDĐH, nhưng chưa bao giờ đặt ra việc cắt giảm NSNN đối với GDĐH. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH (luật 34) đã quy định chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH, trong đó quy định phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng SV và hình thức khác.

Như vậy, việc phân bổ NSNN cho GDĐH được chuyển từ chủ yếu hỗ trợ chi thường xuyên sang chi đầu tư, chi theo nhiệm vụ cạnh tranh và chi hỗ trợ người học; điều này không phải là không thông dụng ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên trong thực tế, việc đổi mới cơ chế, chính sách tài chính này chưa được triển khai đồng bộ. Việc cắt giảm kinh phí chi thường xuyên không gắn kèm với việc gia tăng ngân sách thông qua cơ chế đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ đã gây nhiều khó khăn cho các cơ sở GDĐH .

 Vẫn phải tăng học phí

Trong điều kiện NSNN chưa thể tăng mạnh thì việc phải tăng học phí theo một lộ trình phù hợp là không tránh khỏi. Ở đây cần nhiều giải pháp chính sách đồng bộ từ cả Nhà nước và các cơ sở GDĐH. Trong đó, một trong những giải pháp hiệu quả nhất là tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới chính sách tín dụng và học bổng SV, hướng theo đối tượng và ngành đào tạo, tăng mạnh tỷ lệ SV được hỗ trợ tài chính, nhất là SV các ngành khoa học, kỹ thuật và một số các ngành đặc thù khác.

TĂNG ĐẦU TƯ CHO GDĐH LÀ MỘT YÊU CẦU CẤP BÁCH

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tăng đầu tư cho GDĐH. Theo ông, đây có phải là một đòi hỏi khả thi?

Việc tăng đầu tư cho GDĐH từ NSNN là một yêu cầu cấp bách và tất yếu. Việc này có khả thi hay không trước hết phụ thuộc vào quan điểm đầu tư, sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội về lợi ích đầu tư cho GDĐH. Như đã nói, đầu tư cho GDĐH là đầu tư cho phát triển bền vững, hiệu quả đầu tư cao; đầu tư càng nhiều thì lợi ích càng lớn, cho cả lợi ích công và lợi ích tư.

Quy hoạch tổng thể quốc gia đã đặt ra mục tiêu là đến năm 2030 VN trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống GDĐH tốt nhất châu Á với tỷ lệ SV ĐH đạt 260 trên 1 vạn dân.

Trong khi đó, các chỉ số thống kê về người có trình độ ĐH và quy mô SV trên dân số, mức chi NSNN cho GDĐH tính trên đầu người, trên GDP hay trên tổng NSNN chi cho GD-ĐT hay khoa học – công nghệ đều thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là những thách thức rất lớn đặt ra cho GDĐH VN, vừa phải tăng quy mô, tăng khả năng tiếp cận GDĐH cho mọi người dân, đồng thời phải nâng cao chất lượng GDĐH gắn với phát triển khoa học – công nghệ.

Muốn tăng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao và năng lực khoa học – công nghệ của đất nước, bên cạnh nỗ lực đổi mới của các cơ sở GDĐH thì nhất định phải tăng nguồn lực đầu tư, nhất là từ NSNN và xã hội. Theo số liệu do Bộ Tài chính cung cấp, NSNN chi cho GDĐH trong giai đoạn 2018 – 2020 đạt 0,25 – 0,27% GDP (4,3 – 4,7% tổng chi NSNN cho GD-ĐT); năm 2020 dự toán là 16.703 tỉ đồng nhưng thực chi là 11.326 tỉ đồng. Cũng trong giai đoạn đó, tổng NSNN thực chi cho GD-ĐT chỉ nằm trong khoảng 16 – 16,8% tổng NSNN. Như vậy, nếu NSNN thực chi cho GD-ĐT được nâng lên đạt 20% tổng NSNN, thì việc điều tiết một phần trong đó để nâng tỷ trọng chi cho GDĐH lên gấp đôi hiện nay (tức khoảng 0,5% GDP) là hoàn toàn khả thi. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img