Thursday, March 28, 2024

Đông Nam Á bất lực trước nạn tắc đường?

Kẹt xe là căn bệnh trầm kha của Đông Nam Á. Thói quen sở hữu xe cá nhân, ý thức tuân thủ luật cùng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng thiếu thốn là nguyên nhân.

Đông Nam Á bất lực trước nạn tắc đường?

Mỗi ngày sau giờ làm, Ekaristi Lydia đều tìm mọi cách trì hoãn việc phải lên đường trở về nhà ở khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Jakarta, Indonesia, tất cả nhằm tránh cảnh tắc đường.

Dù vậy, ngay cả khi giờ kẹt xe cao điểm nhất đã qua, Lydia vẫn phải mất tới 90 phút để “bò” trên quãng đường dài 30 km, vừa bấm còi inh ỏi vừa len lỏi qua những điểm đen ùn tắc, mới có thể về đến nhà, theo Channel News Asia.

Quá nhiều xe cá nhân

Với du khách nước ngoài, nạn tắc đường ở Jakarta, cũng như nhiều thành phố khác ở Đông Nam Á như Manila, Bangkok hay Kuala Lumpur, là điều rất kỳ lạ. Với người dân bản địa, tắc đường là điều khổ sở họ phải chung sống mỗi ngày, bởi đơn giản là không có lựa chọn khác.

Lydia, cư dân ở Jakarta, cho hay cô cũng muốn dùng phương tiện công cộng để đi làm. Nhưng để đến bến tàu gần nhà nhất, cô mất 30 phút đi taxi. Và sau khi đi tàu đến bến gần văn phòng nhất, cô mất thêm 45 phút để đi bus tới nơi làm việc. Tổng thời gian di chuyển bằng cách này nhiều hơn lái xe khoảng một giờ, trong khi chi phí tương đương.

Đông Nam Á bất lực trước nạn tắc đường?

Tác nghẽn giao thông ở Kuala Lumpur. Ảnh: CNA.

“Khi dùng phương tiện công cộng, người ta không kiệt quệ về tinh thần nhưng sẽ kiệt sức vì phải đi bộ nhiều hơn, liên tục chuyển phương tiện và phải tranh giành chỗ ngồi”, Lydia nói.

Có nhiều nguyên nhân khiến các thành phố ở khu vực Đông Nam Á đối mặt nạn tắc đường kinh niên.

Tại nhiều nước Đông Nam Á, sở thích của người dân là sở hữu phương tiện cá nhân. Số xe cá nhân thậm chí nhiều hơn cả số cư dân.

Toàn bộ Bangkok và khu vực ngoại ô có khoảng 11 triệu dân, nhưng có tới 11,7 triệu phương tiện cơ giới. Tương tự, 9 triệu dân ở Kuala Lumpur và các khu lân cận sở hữu gần 10 triệu phương tiện. Jakarta và khu vực đại đô thị bao quanh có 20,7 triệu phương tiện trong khi dân số chỉ là 13,5 triệu.

“Ngay cả những người không sở hữu nhà vẫn có ôtô hoặc xe máy”, Djoko Setijowarno, chuyên gia mạng lưới Hiệp hội Vận tải Indonesia, nói.

Giá xe hơi ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia nhìn chung rất rẻ, đồng thời không có hạn chế trong sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân. Diện tích đỗ xe giá rẻ quá nhiều cũng khuyến khích người dân lái xe, khiến tắc đường càng thêm trầm trọng.

Ở Bangkok, việc đỗ xe được đánh giá là dễ dàng và “không được kiểm soát”. Tiến sĩ Sumet Ongkittikul thuộc Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan nhận định 80-90% vụ tắc đường ở Bangkok là do đỗ xe.

Hàng loạt vấn đề

Theo các chuyên gia, kỷ luật giao thông là một nguyên nhân khác của nạn tắc đường. Tại nhiều thành phố, người tham gia giao thông có thể thản nhiên dừng và đỗ xe ở những nơi họ không được phép. Xe taxi thường xuyên đậu ở làn bên trái để chờ khách. Trong khi đó, không có chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe các hành vi vi phạm luật giao thông.

Năng lực đường bộ cũng là một nguyên nhân. Tại các thành phố lớn, tồn tại tình trạng những con đường rộng 6 làn xe tồn tại song hành với những đường ngõ ngách chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua.

“Nhà chức trách không thể tái xây dựng mạng lưới giao thông để đáp ứng lưu lượng di chuyển ngày một cao hơn”, giáo sư Walter Theseira, chuyên gia kinh tế khu vực, nhận định.

Đông Nam Á bất lực trước nạn tắc đường?

Tắc đường tại Jakarta. Ảnh: CNA.

Nhiều chuyên gia cho rằng xây dựng thêm đường và cao tốc một mình chúng không phải là câu trả lời, thậm chí nó còn tạo ra vấn đề. Nhiều cao tốc từng là giải pháp tháo gỡ của 10 năm trước, giờ bản thân chúng thường xuyên tắc cứng.

Nguyên nhân gốc rễ của kẹt xe là quy hoạch đô thị ở các thành phố không thể theo kịp tốc độ bùng nổ dân số và đô thị hóa.

Ví dụ ở Jakarta, phần lớn người dân chuộng những ngôi nhà mặt đất, vì thế đất ở khan hiếm, người dân phải dạt ra sống ở ngoại ô. Nhưng, phần lớn khu văn phòng và trung tâm hành chính của chính phủ tập trung ở nội đô, khu vực rộng 20 km2 được biết tới với tên gọi Tam giác Vàng.

Quản lý hiệu quả những thành phố có mức độ di chuyển dày đặc như thế đồng nghĩa giảm ưu tiên xây dựng đường, thay vào đó là phát triển các lựa chọn di chuyển.

“Danh mục ưu tiên là các hình thức giao thông có thể vận chuyển lượng lớn người dân, ví dụ hệ thống tàu điện và xe bus”, tiến sĩ Sumet nói.

Không có giải pháp toàn diện

Tăng cường hệ thống giao thông công cộng có thể giải quyết nạn tắc đường, nghe thì có vẻ đơn giản. Các thành phố ở Đông Nam Á từ lâu đã đầu tư mạnh theo cách này, xây dựng thêm những mạng lưới tàu điện và xe bus trị giá hàng tỷ USD, mở rộng lối đi bộ, tạo điều kiện cho người dùng xe đạp.

“Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để người dân chuyển sang giao thông công cộng”, Giám đốc Sở Giao thông Jakarta Agung Rahardjo nói.

Đầu tháng 5, Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi chủ trì cuộc họp một ủy ban của chính phủ nhằm tìm cách tháo gỡ tình trạng tắc đường ở thủ đô. Một trong các ưu tiên là tăng cường sự tiện lợi và an toàn của giao thông công cộng, kết nối mạng lưới cơ sở hạ tầng xe bus và tàu điện.

Đông Nam Á bất lực trước nạn tắc đường?

Hệ thống thu phí giao thông điện tử ở Singapore. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc tập trung các nguồn lực cho giao thông cộng cộng có thể phải trả giá đắt, làm thay đổi giá trị đất đai, tạo ra “những động lực làm biến dạng quy hoạch và liên kết đô thị”.

Theo tiến sĩ Sumet, các thành phố giờ cần làm tăng chi phí của người sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân.

“Tăng chi phí dành cho phương tiện cá nhân và dùng chúng để hỗ trợ giao thông công cộng. Người dân cần phải trả nhiều tiền hơn nếu muốn dùng xe cá nhân, bất kể là thông qua thuế nhiên liệu, phí tắc đường hay chi phí đậu xe”, ông Sumet nói.

Thu phí tắc đường là giải pháp mới nhất được nhắc tới, dù đây không phải lần đầu tiên chúng được xem xét.

Jakarta đang xem xét lắp đặt hệ thống thu phí với các phương tiện đi vào những con đường chính từ 0,34-1,29 USD/lượt, trong thời gian từ 5h-22h. Mục tiêu là đưa hệ thống vào sử dụng từ 2024, giảm 30% phương tiện cá nhân. Bangkok cũng đang xem xét khả năng thu phí đường bộ trong khoảng 1,46-3,5 USD/lượt ở nội đô.

Singapore là nước đầu tiên trên thế giới đưa vào hệ thống thu phí tắc đường, bên cạnh hàng loạt biện pháp khác nhằm hạn chế xe cá nhân. Quốc gia nhỏ bé này đã thành công trong việc hạn chế người dân sở hữu xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Nhưng các láng giềng khác ở Đông Nam Á sẽ khó học theo Singapore, ít nhất là lúc này, bởi thiếu đi một mạng lưới giao thông công cộng phù hợp và toàn diện.

“Không có giải pháp nào là toàn diện bởi giao thông biến đổi qua từng năm. Vấn đề sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều bởi nhà chức trách đơn giản là không có khả năng thuyết phục người dân từ bỏ phương tiện cá nhân”, giáo sư Theseira nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img