Wednesday, April 24, 2024

Nhiều bài học từ đại dịch ‘chưa có tiền lệ’

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng qua đại dịch Covid-19, chúng ta đã có những “cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt”, những đại án nghiêm trọng và cả những giọt nước mắt, song điều quan trọng là phải rút ra được những bài học để suy nghĩ và hơn thế để thay đổi.

Hôm qua (29.5), Quốc hội (QH) dành 1 ngày để thảo luận về giám sát tối cao chuyên đề huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế cộng đồng.

SAI PHẠM NGHIÊM TRỌNG LIÊN QUAN VIỆT Á

Báo cáo của đoàn giám sát cho hay tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội huy động trong giai đoạn 2020 – 2022 khoảng 230.000 tỉ đồng. Kinh phí mua và sử dụng vắc xin Covid-19 tính đến hết năm 2022 là 15.134 tỉ đồng chi cho hơn 102 triệu liều (ngân sách nhà nước là 7.467,18 tỉ đồng, Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 là 7.667 tỉ đồng). Kinh phí mua sắm kit test là 2.593 tỉ đồng…

Nhiều bài học từ đại dịch

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Đáng chú ý, báo cáo giám sát chỉ ra đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; đặc biệt là trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân VN từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19. Nhiều cán bộ ở T.Ư và địa phương bị xử lý hình sự.

Báo cáo cũng dẫn việc thực hiện xét nghiệm với quy mô lớn chưa từng có và trong thời gian ngắn, yêu cầu trong 1 tuần (từ 9 – 15.9.2021) phải xét nghiệm cho toàn bộ người dân TP.Hà Nội gây quá tải và vượt quá năng lực xét nghiệm. Đáng nói, dù xét nghiệm 4,2 triệu mẫu nhưng chỉ phát hiện ra 21 ca dương tính.

Đoàn giám sát cũng nêu rõ có nhiều vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, vay, mượn kit xét nghiệm. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 2 năm 2020 và 2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất. Trong đó, một số đơn vị mua kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á giá trị lên tới 2.161,6 tỉ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).

Chia sẻ về điều này, theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), đã có những sai phạm nghiêm trọng xảy ra, “có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất kit test”. Đồng tình quan điểm ai tham ô, tham nhũng, ai “xà xẻo” trong hoạt động phòng, chống Covid-19 thì phải xử lý thật nghiêm khắc, song ông Trí cũng cho rằng “phải xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch. Nên sớm chấm dứt việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới”.

Nhiều bài học từ đại dịch

NGÀNH Y TẾ, CÁN BỘ Y TẾ PHẢI TRẢ GIÁ QUÁ LỚN

ĐB Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đề nghị QH cần sớm ban hành luật Tình trạng khẩn cấp để quy định thẩm quyền của Chính phủ, các cơ quan địa phương trong xử lý các tình huống khẩn cấp khi xảy ra đại dịch. Lý do, khi đó tất cả đều vừa làm vừa mò mẫm, đúc kết kinh nghiệm với một mong muốn duy nhất là kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi phát triển; không tránh khỏi những thiếu sót. “Nếu chúng ta áp dụng chính sách pháp luật

Cùng góc nhìn này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng nếu áp các quy định như hiện tại rất khó để thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có. “Ví dụ như vắc xin Covid-19, thử hỏi Chính phủ có mua được không với tất cả các quy định như bây giờ. Chúng ta có may mắn là ngoại giao vắc xin là đi xin và nguồn vắc xin của một công ty tư nhân thương thảo và ký được hợp đồng”, bà Lan nói và cho rằng điểm vướng lớn nhất là cơ chế đấu thầu vẫn chưa gỡ rối được.

Theo bà Lan, nhiều “điểm nghẽn” về chính sách, quản lý nguồn lực cũng được bộc lộ trong thời kỳ phòng, chống dịch. “Đơn cử như việc thiếu vắc xin, báo chí nói “ông nội, ông ngoại” đi can thiệp để có vắc xin tiêm thì chúng ta lại không cho tiêm vắc xin dịch vụ để bớt gánh nặng cho hệ thống công lập. Lúc cả cộng đồng sục sôi thiếu thuốc điều trị Molnupiravir thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong việc cấp số đăng ký, dù thuốc này có tác dụng ở nước ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng phải mua bán ngoài vòng pháp luật, đẩy giá, thiệt hại cho người dân rất nhiều.

Đồng ý tiêu cực thì phải chống nhưng chúng ta đã quan tâm đúng mức đến xây dựng, bồi bổ sao cho ngành y tế mạnh hơn để chống dịch và sau này hay chưa? Phần “xây” làm rất chậm nhưng chỉ tập trung “chống”, giống bệnh nhân thập tử nhất sinh, thay vì tập trung bồi bổ cho bệnh nhân thì chúng ta lại chỉ tập trung cắt phần hoại tử, cho dùng thuốc nặng, kết quả chắc chắn bệnh nhân sẽ chết”, ĐB đoàn TP.HCM nêu và chia sẻ thêm: “Nguyên hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ y tế đã phải trả giá là quá lớn, đoàn giám sát tới nhiều địa phương cũng chứng kiến rất nhiều người phải rơi nước mắt”.


VN đã có thể yên tâm công bố hết dịch Covid-19

Nhiều bài học từ đại dịch

 

Từ giữa năm 2022, trên diễn đàn QH, tôi đã đề nghị công bố hết dịch Covid-19. Tới thời điểm này, VN càng có thể yên tâm công bố hết dịch. Có 3 yếu tố đã đạt được để chuyển trạng thái phòng, chống dịch Covid-19 từ nhóm A (các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao) sang nhóm B (các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, có thể gây tử vong).

Thứ nhất, tỷ lệ ca bệnh nặng không còn, các ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng. Điều đó cho thấy Covid-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không còn nguy cơ gây tử vong cao. Thứ hai, VN đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cao trên diện rộng. Toàn quốc đã tiêm được hơn 266 triệu liều. Tất cả người từ 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Tỷ lệ tiêm mũi ba cho người từ 18 tuổi đạt 81%; tiêm mũi bốn cho người từ 18 tuổi nguy cơ cao đạt 89%; mũi ba cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69%. Thứ ba, tình hình Covid-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội

Xây dựng đề án phát triển nhân lực y tế khu vực công đến 2030

Nhiều bài học từ đại dịch

 

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ một đề án phát triển nguồn nhân lực ngành y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì số viên chức thôi việc, bỏ việc thời gian qua của ngành y tế chiếm đến 25% trong tổng số 39.000 người. Đồng thời, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xây dựng mới hoặc sửa đổi các văn bản đảm bảo ổn định về tổ chức, bộ máy, nhất là y tế dự phòng và cơ sở. Sửa đổi, bổ sung chính sách sử dụng, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng viên chức y tế; chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Chống dịch chưa có tiền lệ, Chính phủ đã rất quyết liệt

Nhiều bài học từ đại dịch

 

Khi dịch bệnh, chúng ta không lường trước được vì chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, Chính phủ rất quyết liệt. Tôi còn nhớ là 9 giờ đêm, Thủ tướng Chính phủ điện cho tôi nói là có thể thành lập được Quỹ vắc xin không. Tôi báo cáo với Thủ tướng là thành lập được và ngay 10 giờ đêm hôm đó, chúng tôi triệu tập họp và phân công nhiệm vụ cho các cục, vụ triển khai xây dựng quy chế và thành lập Quỹ vắc xin, đồng thời giao cho Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) xây dựng thông tư; 8 giờ hôm sau đặt trên bàn của Thủ tướng cả thông tư và cả thành lập quỹ. Tới nay, chúng ta có gần 11.000 tỉ đồng để chủ động về vấn đề mua vắc xin. Đây cũng là một thành công. Hay như xuất hàng viện trợ, chúng tôi cũng phải áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ, hồ sơ sau để đảm bảo cứu dân; phải nói đây cũng là một quyết liệt. Có những đêm Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp đến 2 giờ mới hoàn chỉnh được cơ chế, chính sách, khi trở về ngủ là gần sáng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Vẫn còn tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu trong y tế

Nhiều bài học từ đại dịch

 

Trong thời gian qua, Chính phủ đã trình QH ban hành, đồng thời ban hành nhiều nghị định, thông tư để tập trung cho công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế. Hiện, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình QH luật Đấu thầu, luật Giá và phía Bộ Y tế chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để trình luật Dược sửa đổi, luật Bảo hiểm y tế, luật Phòng bệnh… để giải quyết căn cơ những vấn đề này về cơ sở pháp lý.

Cùng đó, để giải quyết vấn đề về nguồn cung ứng thuốc thì thực hiện nghị quyết của QH, Bộ Y tế đã chỉ đạo, đến nay đã cấp được 4 lần điều chỉnh gia hạn thuốc và đã có 10.572 thuốc được gia hạn. Đến thời điểm này, về nguồn cung thuốc của đất nước chúng ta có khoảng 22.000 mặt hàng, có thể nói là đã đáp ứng được cơ bản những vấn đề về nhu cầu thuốc của nhân dân. Tuy nhiên, còn vấn đề về tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu, đây là một bài toán cần phải có những giải pháp tổng thể.

Trong đó, về phía trách nhiệm của ngành, chúng tôi cũng đã tiếp tục tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế mua sắm, cơ chế đấu thầu. Chúng tôi cũng rất mong các địa phương, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Y tế để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý hết sức đầy đủ và căn cơ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan


ĐB Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) cho hay đại dịch đi qua, ngoài thắng lợi thì còn để lại nhiều điều để bàn, suy nghĩ và quan trọng hơn là để thay đổi. Cử tri rất quan tâm các vụ việc như Việt Á, “chuyến bay giải cứu” đang được xử lý thế nào. Hiệu ứng tích cực của những vụ việc trên xử lý rất kiên quyết với những thành phần mà lâu nay được xem là khó chạm đến, tạo niềm tin cho người dân. Song, cũng còn đó những nỗi buồn về tình người, tình đồng chí và quan trọng hơn là tính mạng đồng bào.

“Có quá nhiều cái hợp lý trong thời điểm chống dịch nhưng không hợp pháp trong thời này, chúng ta ứng xử như thế nào? Tôi rất đồng cảm vì trong chống dịch căng thẳng, cán bộ hành động theo tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, đâu có thời gian đọc hết nghị định, thông tư… Mà các văn bản này có khi cũng không áp dụng được trong thời điểm đó”, ĐB Sáu nêu và cho rằng sau dịch đã xuất hiện ngày càng nhiều và nặng hơn “căn bệnh” sợ trách nhiệm, thu mình lại, dè chừng, ngại đưa ra quyết định. “Căn bệnh” này đang lây lan từ ngành y sang ngành khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và xem xét nhiều chiều.

Cũng theo ông, “có những lý do khiến cán bộ công chức không dám làm vì không biết làm thế nào cho đúng”. Văn bản pháp luật còn có chỗ chưa rõ, sơ hở, mâu thuẫn nhưng hỏi cấp trên thì được trả lời chung chung, cứ theo pháp luật mà làm. ĐB đề xuất cần tạo hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc.

“CÓ TRẠM Y TẾ MÀ NGƯỜI DÂN KHÔNG ĐẾN CŨNG NHƯ KHÔNG”

Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đoàn giám sát QH chỉ ra đại dịch Covid-19 đã phơi bày những yếu kém của hệ thống như chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế. Tỷ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%.

Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10 – 20 triệu đồng/trạm/năm, chỉ đủ cho điện nước, hành chính, không đáp ứng được kinh phí hoạt động chuyên môn. Tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ T.Ư đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực, thiếu khoảng 23.800 người.

Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, việc tăng lương, xây trụ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ của vấn đề thiếu hụt hệ thống. “Sự bất hợp lý về chính sách đã bóp nghẹt sự phát triển của các trạm y tế xã, phường. Không có lý gì cùng là một bệnh, nếu chữa ở xã chỉ được dùng thuốc hạ áp giá

100 đồng/viên, còn lên huyện, tỉnh lại được cấp viên thuốc đắt tiền hơn. Một đêm trực tiền thù lao chẳng đáng là bao, khám một bệnh nhân được 27.000 đồng mà còn trừ ngược, trừ xuôi”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Ông đề nghị từng địa phương cần có kế hoạch “may đo cẩn thận, không mặc đồng phục cho tất cả trạm y tế trong cả hệ thống”. Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến thêm bước nữa là phối hợp giữa bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện.

Cũng bày tỏ lo ngại về hệ thống y tế tuyến cơ sở, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) dẫn thực tế trạm y tế chỉ có một bác sĩ, có nơi chỉ có y sĩ, thậm chí nơi có bác sĩ thì lại là bác sĩ y học cổ truyền; được trang bị máy siêu âm nhưng lại “đắp chiếu trùm mền” do không ai có chuyên môn siêu âm… dẫn đến nhiều người dân vượt tuyến khám bệnh, chịu chi phí cao. Bác sĩ mới ra trường đa số không ai chịu về tuyến cơ sở làm việc. Ông kiến nghị nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở về trang thiết bị, cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ đội ngũ thầy thuốc để thu hút bác sĩ mới ra trường về tuyến cơ sở phục vụ. Đặc biệt, nghiên cứu mô hình không có trạm y tế ở xã, phường, thị trấn nơi có trung tâm y tế trên địa bàn, lý do “có trạm mà người dân không đến cũng như không”… 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img