Friday, March 29, 2024

Quan chức cấp cao EU bi quan về triển vọng sớm chấm dứt xung đột Ukraine

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, ông  Josep Borrell ngày 29/5 nhận định cuộc xung đột tại Ukraine sẽ khó có tiến triển tích cực trong mùa Hè này khi hai bên tham gia xung đột đều không có ý định sớm đàm phán khi chưa đạt được lợi thế chiến trường.

Nhận định về xung đột Ukraine khi đang tham dự một hội nghị ở thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) hôm 29/05, quan chức cao cấp nhất phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell thừa nhận không lạc quan về những diễn biến trong những tháng tới của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo ông Josep Borrell, hiện tại đang không có bất kỳ tín hiệu tích cực nào về việc hai bên có thể tiến hành đàm phán để chấm dứt xung đột, đồng thời cho rằng phía Nga sẽ không chấp nhận đàm phán chừng nào chưa giành chiến thắng.

“Tôi không lạc quan về những gì sẽ diễn ra trong mùa Hè này tại Ukraine. Chúng ta có thể thấy cả hai bên đang tập trung một lực lượng quân rất lớn. Chúng ta cũng có thể thấy rõ ý định của phía Nga là giành chiến thắng trong xung đột này”, ông Borrell nói.

Cũng theo đánh giá của người phụ trách đối ngoại và an ninh của EU, sau khi huy động được thêm trên 300 ngàn lính dự bị vào cuối năm 2022, quân đội Nga chắc chắn đã có kế hoạch cho xung đột và châu Âu cần chuẩn bị cho việc hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Trước đó, ông Josep Borrell từng nhiều lần công khai thừa nhận, cuộc xung đột tại Ukraine có thể chấm dứt ngay lập tức nếu như phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Hiện tại, một số nước châu Âu đang ráo riết đẩy nhanh kế hoạch đào tạo phi công và cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại F-16 của Mỹ cho Ukraine. Đây cũng là một trong những chủ đề chính được thảo luận tại cuộc họp các Ngoại trưởng NATO diễn ra trong hai ngày 31/5 và 1/6 tại thủ đô Oslo của Na Uy.

Trong khi đó, chính quyền Nga cho biết, hôm 29/05 Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã chính thức ký luật rút Nga khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường (CFE) ở châu Âu. Đây là Hiệp ước được ký năm 1990 giữa NATO với các quốc gia thuộc khối Hiệp ước Warsaw trước đây nhằm giới hạn số lượng vũ khí thông thường tại châu Âu, tránh nguy cơ các bên tập trung lực lượng và tấn công chớp nhoáng. Tuy nhiên, phía Nga từ lâu đã chỉ trích Hiệp ước này không còn hiệu lực do các động thái gia tăng hiện diện quân sự và mở rộng phạm vi hoạt động của NATO tại châu Âu, đi ngược lại các cam kết của Hiệp ước./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Sau hôn sự
Bí mật người thừa kế
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img