Dự thảo Nghị quyết nếu được các đại biểu Quốc hội thông qua, sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy sự đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói riêng và qua đó, phát huy vai trò đầu tàu của Thành phố, thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm (vùng KTTĐ) phía Nam.

Phát triển vùng KTTĐ phía Nam: Kỳ I - Yêu cầu đột phá hậu Covid-19

Việc thu hút các nguồn lực như vốn, lao động, công nghệ là một phần không thể thiếu trong hoạch định chiến lược của vùng kinh tế

Vùng KTTĐ phía Nam – vùng “hạt nhân” kinh tế

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Với hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế, đây là điểm kết nối kinh tế nội địa và quốc tế; là trung tâm giao thương hàng hải. Khu vực này cũng là trung tâm của các ngành công nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tài chính, ngân hàng, logistics, văn hóa, y tế và giáo dục của Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh là lõi phát triển về kinh tế, tài chính, thương mại và đóng vai trò tạo động lực thúc đẩy sự phát triển chung của cả khu vực. Trong xu hướng mới hiện nay, chiến lược phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh phải đảm bảo được mục tiêu thu hút các nguồn lực từ tài chính đến con người, phải gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững kết hợp với nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên tiềm năng và vị thế sẵn có.

Sự thành công từ Đại hội XIII của Đảng đã đặt nền móng vững chắc cho những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 5 năm thuộc giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân kỳ vọng khoảng 6,5-7% và GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD vào năm 2025. GDP bình quân đầu người đến năm 2030 kỳ vọng đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt 30% GDP. Để đạt được điều đó, việc đánh giá và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế hướng đến phát triển nền kinh tế bền vững trên cả nước là cần thiết, đặc biệt là tại vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam với TP.HCM là hạt nhân.

Cho đến nay vùng KTTĐ phía Nam gồm các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Đây được xem là vùng KTTĐ năng động, có mức độ tăng trưởng mạnh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, với TP.HCM là hạt nhân. Số liệu chính thức công bố trong 6 tháng đầu năm 2022, vùng KTTĐ phía Nam đạt Quy mô GDP khoảng 982 nghìn tỷ đồng, đứng đầu trong số 4 vùng kinh tế trọng điểm trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, TP.HCM đóng góp một phần lớn nhất vào quy mô GDP của vùng, đạt khoảng 512 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,14%. Đồng thời, TP.HCM đứng đầu trong danh sách 10 tỉnh, thành có Quy mô GDP cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị tăng cao. Vùng KTTĐ phía Nam cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước từ các dự án FDI, khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động.

Với hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế lớn đã giúp vùng kinh tế này trở thành trung tâm du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics, v.v. lớn nhất cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 8% diện tích và 17% dân số so với cả nước, nhưng trong nhiều năm qua sản xuất vùng KTTĐ phía Nam này đạt hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 40%, tăng trưởng kinh tế trung bình gấp hơn 1,5 lần so với cả nước. Ngoài ra, vùng còn đóng góp hơn 44% tổng thu ngân sách của cả nước, thu hút 56% số dự án và 45% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ngay từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, với tầm nhìn tổng quát cho định hướng đến năm 2030. Khi đó, vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao, phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức, là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và Châu Á, là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế. Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững tại vùng KTTĐ phía Nam. Hiện nay, một trong những vấn đề đặt ra chính là làm thế nào để thu hút nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài dựa trên những lợi thế sẵn có, hướng đến lộ trình phát triển kinh tế bền vững của cả vùng lẫn quốc gia.

Yêu cầu đột phát thời hậu Covid-19

Có thể thấy, cú sốc phi truyền thống từ COVID-19 là chất xúc tác buộc các quốc gia phải thay đổi chiến lược phát triển, tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời xem xét lại những mối quan hệ thương mại. Xu hướng trong thời gian qua cho thấy sự đứt gãy trong chuỗi giá trị, sự quay đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những thách thức về an ninh phi truyền thống cũng dần lớn hơn, liên quan đến an ninh mạng, an ninh kinh tế, lương thực, năng lượng, môi trường, v.v. Nhìn xa hơn, việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến các mắt xích tăng cường khả năng tự động hóa nhằm cải thiện năng lực sản xuất và rút lui khỏi chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến nội địa hóa nền kinh tế, khi đó việc tái cấu trúc nền kinh tế và tìm ra những hướng phát triển mới chính là vấn đề phải được định hình và chuẩn bị kỹ lưỡng.

Phát triển vùng KTTĐ phía Nam: Kỳ I - Yêu cầu đột phá hậu Covid-19

Liên kết kinh tế vùng đang đối mặt nhiều thách thức

Một bài học cho Việt Nam chính là sự bùng phát của làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại 19 tỉnh thành phía Nam đã được triển khai theo Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021. Làn sóng dịch bệnh lần này tấn công trực diện vào các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP.HCM, trước đó là Bắc Giang và Bắc Ninh, thủ phủ công nghiệp, cung ứng các hàng hóa trung gian quan trọng của chuỗi giá trị và các dây chuyền sản xuất cho các nhà máy trong cả nước. Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) ghi nhận chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tại thời điểm lúc bấy giờ vào tháng 8/2021 giảm khoảng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo giảm đến 9,2%. Đầu tàu kinh tế TP.HCM chiếm hơn 20% quy mô kinh tế của Việt Nam và đóng góp 1/3 cho ngân sách quốc gia lại đang chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh trong đợt bùng phát lần đó.

Có thể thấy, vùng KTTĐ phía Nam vẫn chưa thực hiện hiệu quả khả năng liên kết vùng, kết nối chưa đồng bộ, cơ chế, chính sách cho phát triển vùng chưa tạo được đột phá trong quản lý; các thành viên trong vùng chưa rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, kết nối chiến lược và quy hoạch vùng còn nhiều bất cập, trùng lặp. Không những vậy, vùng còn bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều khu vực còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa bảo đảm hết nhu cầu an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, từ đó làm giảm vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Để khắc phục và hướng đến phát triển kinh tế bền vững, vùng KTTĐ phía Nam cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy kinh tế vùng thay cho tư duy kinh tế từng địa phương bằng cách phát triển một nền kinh tế bền vững.

Theo đó phát triển nền kinh tế bền vững được hiểu là quá trình đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định và đều đặn, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, nợ chính phủ, đảm bảo cân đối cán cân thương mại, đầu tư có chất lượng, có năng suất cao thông qua việc nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản xuất, không làm phương hại đến xã hội và môi trường. Sự phát triển bền vững sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng, phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn. Tức là tăng trưởng và phát triển nền kinh tế lành mạnh, vẫn đáp ứng được những nhu cầu của cuộc sống, nâng cao đời sống người dân nhưng lại tránh được sự suy thoái hoặc đình trệ kinh tế trong tương lai. Quan trọng hơn, để phát triển trong một môi trường mới và có sẵn năng lực để trở nên thích ứng và chủ động, bên cạnh việc phát triển kinh tế bền vững của vùng KTTĐ phía Nam, nền kinh tế của vùng cũng cần có một cấu trúc hợp lý để những gì tạo nên “bên trong” phải trở nên liên kết và phù hợp với “bên ngoài”. Việc thu hút các nguồn lực như vốn, lao động, công nghệ là một phần không thể thiếu trong hoạch định chiến lược của các vùng kinh tế.

Vùng KTTĐ phía Nam đang đối mặt nhiều thách thức: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân có xu hướng chậm lại kể từ khi COVID-19 xảy ra, tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp – xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước chưa có điểm nổi bật so với trước đây. Kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay của vùng đang quá tải: các sân bay bị quá tải, cảng biển nước sâu để đón tàu tải trọng lớn còn hạn chế, đường bộ thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Nguồn vốn phân bổ ngân sách chưa hợp lý, điều tiết ngân sách ở Trung ương còn ở mức thấp. Những vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nguyên vật liệu khi phí tăng cao, v.v.

Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút các nguồn lực nhằm cách cải thiện tính linh hoạt trong sản xuất, rút ngắn thời gian giữa các quy trình sản xuất và hoạt động bền vững, rút ngắn khoảng cách giữa các chuỗi cung ứng với thị trường hiện tại, là trung tâm cung ứng vốn và phát triển bền vững. TP.HCM với vai trò đầu tàu cần phải tạo ra mạng lưới cho các địa phương khác phát triển và các địa phương trong vùng cũng cần liên kết với nhau chặt chẽ hơn để tạo ra sự đồng bộ với mục tiêu sự phát triển của mỗi nơi là tiền đề cho các địa phương khác cùng phát triển, hướng đến nền kinh tế bền vững tại khu vực KTTĐ phía Nam và cả nước.