Friday, April 26, 2024

Sân khấu thiếu nhi cần thêm nhân vật Việt đủ hay

Các vở diễn thiếu nhi có đủ nhân vật “quốc tịch” Nhật, Mỹ, Việt…, nhưng sân khấu này vẫn cần các nhân vật Việt đủ hay, đáng nhớ.

 

Đan xen “quốc tịch”, đa dạng phong cách

Với các vở diễn như Ngọc Rồng, Bầy chim thiên nga, Thuyền trưởng Húc, Ông lão đánh cá và con cá mập…, rất nhiều nhân vật nước ngoài đã bước lên sân khấu thiếu nhi Việt trong những năm gần đây. Ý kiến của các nhà sản xuất, đạo diễn gặp nhau ở chỗ các nhân vật này vốn đã quen thuộc với thiếu nhi VN. Các em đọc truyện tranh, truyện nước ngoài, xem phim và những nhân vật trong đó đã dần xuất hiện trong đời sống tinh thần của thiếu nhi Việt. Các vở diễn này đều bán được vé, khán giả phủ kín khán phòng mỗi mùa kịch thiếu nhi. “Những nhân vật đó khiến các em thấy thân quen”, đạo diễn Lê Quý Dương, Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội Sân khấu thế giới), nói.

Sân khấu thiếu nhi cần thêm nhân vật Việt đủ hay

 

Nhưng cũng có một dòng tác phẩm khác, nhân vật bước ra từ cổ tích Việt, từ các truyện ngắn của tác giả trong nước. Có thể kể đến Tấm Cám, Trại hoa vàng, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Giấc mơ của Bờm… Những vở diễn này đều có lượng vé bán ra ổn định, không thua kém gì các tác phẩm có nhân vật nước ngoài. Các vở cũng đều có hướng dàn dựng để diễn trong nhiều mùa. Tấm Cám đã trải qua nhiều mùa như vậy. Trại hoa vàng sau dịch Covid-19 cũng tiếp tục được công diễn. Giấc mơ của Bờm tuy mới diễn mùa đầu, song chủ trương cũng là dựng kỹ để có “tuổi thọ” vở diễn cao.

Nếu như những vở diễn có nhân vật nước ngoài xuất phát từ việc lựa theo thị hiếu trẻ em, thì các vở có nhân vật trong nước lại có những lý do khác. Các vở diễn liên quan đến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như Trại hoa vàng, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đều được lựa chọn do đây là nhà văn viết truyện thiếu nhi best seller nhiều năm.

Với Giấc mơ của Bờm, tác giả âm nhạc của vở, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, cho biết cả ê kíp muốn bảo tồn và lưu giữ văn hóa truyền thống. “Chọn nhân vật Bờm vì nó mang được nhiều yếu tố dân gian. Các em có thể hiểu hơn về giá trị của ca dao, tục ngữ, kho tàng văn hóa dân gian VN. Các em cũng hiểu thêm với người nông dân thì con trâu là đầu cơ nghiệp, nhất là khi nhiều em ở thành phố còn không phân biệt được đâu là trâu, đâu là bò”, bà Chiến chia sẻ.

Sân khấu thiếu nhi cần thêm nhân vật Việt đủ hay

Vở Giấc mơ của Bờm

Đầu tư cho nhân vật nội, câu chuyện Việt

Cũng theo nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, với mục tiêu như vậy nên văn hóa Việt được đưa vào đậm đặc trong Giấc mơ của Bờm. Ở đó có ca dao, hò vè, các làn điệu như hát ru, hát nói, xẩm, âm nhạc dân gian đương đại. “Ngôn ngữ âm nhạc cho phép tiếp cận không chỉ các trò chơi dân gian mà còn lồng ghép truyền thống. Chúng tôi có cả những đoạn rap gắn với ca dao, tục ngữ. Nhờ thế, văn hóa truyền thống dễ đến với các em ở thành phố hơn, nông thôn cũng gần thành phố hơn”, bà Chiến nói.

Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng cũng không nên đòi hỏi một sân khấu chỉ toàn nhân vật Việt hoặc quá phản đối các nhân vật từ nước ngoài. Thực ra, nhân vật nào xuất hiện không quan trọng bằng cách nhân vật đó xuất hiện. Nếu xuất hiện mà không hợp lý thì cả nhân vật VN cũng không cần thiết. Nhân vật hay thì khán giả thiếu nhi vẫn cảm thụ tốt.

Sân khấu thiếu nhi cần thêm nhân vật Việt đủ hay

Vở diễn với nhân vật là thuyền trưởng Húc

Mặc dù vậy, ông Lê Quý Dương cho rằng rất cần những nhân vật Việt đủ hay, đủ để “cân bằng” lại với các nhân vật nước ngoài đã quá nổi tiếng. “Ở đây có một vấn đề là những nước khi xây dựng chính sách phát triển văn hóa, lan tỏa văn hóa của họ, họ sẽ chú trọng tạo nên tác phẩm có ảnh hưởng và những biểu tượng. Có loại biểu tượng cho người lớn, có loại cho trẻ con. Thực ra đấy cũng là cách để tiếp thị, quảng cáo và xa hơn là quảng bá văn hóa”, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, một nền sân khấu có quá nhiều nhân vật nước ngoài sẽ dễ tạo phản xạ có điều kiện, tác động lâu dài đến trẻ em. “Nó tìm cách để người tiêu dùng tiêu dùng thứ văn hóa đó. Khi trẻ con quen với điều đó thì sẽ đòi hỏi, thậm chí nghiện. Nó tạo thành sự lan tỏa văn hóa, tạo ảnh hưởng sâu đậm, thậm chí có thể tàn bạo, vì nó tác động đến anh khi anh còn là một đứa trẻ. Và lâu dần, thay vì dựng vở để hội nhập văn hóa, ta lại phải chịu xâm lăng văn hóa”, Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác quốc tế nhấn mạnh.

Chính vì thế, theo ông Lê Quý Dương, các đơn vị cũng nên nhìn mình, nhìn nhau để sáng tạo các tác phẩm sao cho có sự đầu tư cho nhân vật nội, câu chuyện Việt. “Mình hội nhập nhưng mình phải hài hòa, điều tiết, quan trọng phải biết sàng lọc”, ông Dương nói.

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img