Suy thoái kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút vốn FDI nhưng trong thời gian qua, nguồn vốn này tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Trong 5 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký mới đã tăng gần 28% so với cùng kỳ.

Cũng trong những tháng đầu năm, Việt Nam đón nhiều đoàn doanh nghiệp toàn cầu đến tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, trong đó, có đoàn 50 doanh nghiệp Mỹ.

“Đại bàng” tìm đến Việt Nam “làm tổ”

Tập đoàn Boeing dự kiến tăng cường hiện diện tại Việt Nam thông qua đầu tư phát triển chuỗi cung ứng

Boeing là một trong những “đại bàng” lớn tham gia đoàn doanh nghiệp trên và đầu tháng 5, tập đoàn này đã khánh thành văn phòng đại diện tại Hà Nội. Hơn nửa tháng sau đó, bên lề hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC và hội nghị Bộ trưởng thương mại khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) tại Mỹ, làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ông Steve Biegun – Phó Chủ tịch cấp cao của tập đoàn cho biết sẽ đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.

Cũng trong tháng 5, Apple – một tập đoàn toàn cầu khác có mặt trong đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam hồi đầu năm – đã lần đầu tiên mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cá nhân hóa cho khách hàng tương tự như các cửa hàng Apple Store trên toàn thế giới. Động thái này của Apple được các chuyên gia đánh giá là dấu hiệu cho thấy nhà Táo có những đánh giá tốt thị trường Việt Nam cũng như tăng sự hiện diện của thương hiệu này tại Việt Nam.

Trong giai đoạn trước đó, Việt Nam là điểm đến của các nhà cung cấp cho Apple. Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2022, số lượng cơ sở sản xuất của các nhà cung cấp cho Apple đặt tại Việt Nam tăng từ 18 lên 27, đứng thứ 7 thế giới và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á sau Thái Lan (28 cơ sở). Việt Nam cũng được đánh giá là một trong hai điểm đến đầu tư hấp dẫn của Apple.

Sự quan tâm và có mặt của các dự án đầu tư đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu như Mỹ, trước đó là Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho thấy: Việt Nam là điểm đến của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao, đi cùng với đó là những chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây chính là điều Việt Nam mong muốn hướng đến trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thời kỳ mới.

Vui mừng trước những thông tin tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài song các chuyên gia cũng nhận định: để đảm bảo tính lan toả trong vốn FDI cũng như ngày càng nâng cao chất lượng nguồn vốn này, Việt Nam cần tiếp tục khắc phục tồn tại nội tại. Theo TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hai thách thức Việt Nam cần giải quyết.

“Đại bàng” tìm đến Việt Nam “làm tổ”

Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của tập đoàn toàn cầu

Thứ nhất, Việt Nam cần phải hiểu rõ về những yếu tố đang cản trở nhà đầu tư, nắm thật rõ nhược điểm của môi trường đầu tư và quyết liệt cải thiện. Yếu tố luật pháp chính sách và thực thi luật pháp chính sách mang tính quyết định về đầu tư, Việt Nam đang hành động chậm để giải quyết những vấn đề này. Ngoài ra, vấn đề thủ tục đầu tư cũng cần phải sớm được giải quyết, Việt Nam nói nhiều đến chính phủ số, chính phủ điện tử nhưng hệ thống hành chính còn cồng kềnh, nhiều thủ tục.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu đã và đang thay đổi đáng kể do tác động của những yếu tố: địa chính trị phức tạp, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu hay vấn đề mới nảy sinh như chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu… thúc đẩy sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới, mang đến nhiều sự thay đổi trong các quyết sách đầu tư.

Việt Nam cần lưu ý theo dõi thay đổi chính sách, chiến lược đối ngoại của từng nước, đặc biệt là chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam để điều chỉnh các biện pháp thu hút dòng vốn đầu tư nhằm giữ chân nhà đầu tư hiện tại và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.