Trong Báo cáo tình hình doanh nghiệp quý I/2023 gửi UBND TP.HCM mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, hầu hết các ngành chủ lực của TP.HCM như dệt may, gỗ, vật liệu xây dựng, cơ khí điện…đều sụt giảm doanh thu cả nội địa lẫn xuất khẩu.

TP.HCM: HUBA kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo HUBA, hầu hết các ngành chủ lực của TP.HCM như dệt may, gỗ, vật liệu xây dựng, cơ khí điện…đều sụt giảm doanh thu cả nội địa lẫn xuất khẩu.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ 2022. HUBA cho rằng, khó khăn phổ biến của các doanh nghiệp ngành này là thiếu hụt dòng tiền, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Do vậy, từ giữa năm 2022 đến nay các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành dệt may. Trong khi đó, ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%, hay đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm 30-40%.

“Hiện các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại”, đại diện HUBA nhấn mạnh.

Theo HUBA, ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ hiện giảm xuất khẩu khoảng 15%. Trong đó, các sản phẩm dặm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%. Thị trường nội địa cũng không khả quan khi các sản phẩm nội thất các dự án hiện “đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền”, hoạt động bán lẻ cũng sụt giảm rất lớn.

Đối với ngành vật liệu xây dựng, HUBA cho biết, hiện có khoảng 40% doanh nghiệp trong tỉnh trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản nếu không có gì thay đổi.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, HUBA đã đề xuất hàng loạt giải pháp về kích cầu đầu tư, hỗ trợ xúc tiến thương mại, cải cách hành chính… trong đó nhấn mạnh đến yếu tố hỗ trợ về vốn.

Cụ thể, theo HUBA, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu… và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp. Do đó, doanh nghiệp muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, ngân hàng không chấp nhận nhà xưởng làm tài sản đảm bảo nên doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

HUBA đề xuất Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỉ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hằng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.

HUBA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm, thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021.

Đối với vấn đề lãi suất, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỉ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3%. Đồng thời, HUBA cũng đại diện các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp trả lương cho người lao động, kích thích sức mua, kích thích thị trường.