Trước thực tế khó khăn của EVN trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho dự án Ô Môn 3, khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho dự án Ô Môn 4, khiến các dự án này có thể bị chậm so với tiến độ triển khai tổng thể của chuỗi dự án, các bộ, ngành kiến nghị Thủ tướng đồng ý chuyển 2 dự án điện khí Ô Môn 3, Ô Môn 4 bị chậm tiến độ sang PVN làm chủ đầu tư.

Chuyển dự án điện khí Ô Môn 3 và 4 sang PVN làm chủ đầu tư

EVN đang gặp khó trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho dự án Ô Môn 3 và khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho dự án Ô Môn 4.

Theo đó, EVN thừa nhận hiện đang gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA dành cho dự án Ô Môn 3, cũng như khả năng huy động nguồn vốn vay thương mại cho dự án Ô Môn 4, khiến các dự án này có thể bị chậm so với tiến độ triển khai tổng thể của Chuỗi dự án Lô B. Bên cạnh đó là cơ chế huy động điện lên lưới để bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng khí cung cấp trong khi giá thành sản xuất điện khí đang cao hơn giá bán điện của EVN.

Phó Thủ tướng  Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án Nhiệt điện khí Ô Môn 3, Ô Môn 4 là hết sức quan trọng, bảo đảm sự vận hành thông suốt, đồng bộ, hiệu quả của Chuỗi dự án khí, điện Lô B – Ô Môn.

“”Vì lợi ích đất nước, chúng ta không thể để chậm mãi thế này được, phải rõ trách nhiệm của các tập đoàn, bộ, ngành để tháo gỡ hoặc đề xuất hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phân tích, nhìn nhận những khó khăn của EVN, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương chuyển giao hai dự án này cho PVN làm chủ đầu tư.

Về thực tế, PVN hiện đang có điều kiện thuận lợi về việc huy động nguồn vốn, năng lực thực hiện, cũng như có thể quản lý thống nhất, vận hành đồng bộ hạ tầng dùng chung của Chuỗi dự án này. Do đó, sau khi thống nhất việc chuyển giao chủ đầu tư của hai dự án này, Phó Thủ tướng đề nghị EVN phối hợp chặt chẽ với PVN để khẩn trương chuyển giao toàn bộ kết quả những công việc đã được triển khai, cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư liên quan đến hai dự án Nhiệt điện khí Ô Môn 3, Ô Môn 4.

Phó Thủ tướng giao PVN khẩn trương hoàn thiện thủ tục, huy động nguồn vốn để nhanh chóng hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu triển khai hai dự án. Xem xét, tính toán việc phân phối khí trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B – Ô Môn, tránh được rủi ro, dự phòng các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, kỹ thuật trong quá trình chuyển giao 2 dự án; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của EVN và PVN; báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

PVN sớm hoàn thiện thủ tục, huy động nguồn vốn để nhanh chóng hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu triển khai 2 dự án; xem xét, tính toán việc phân phối khí trong chuỗi dự án khí – điện lô B Ô Môn, tránh được rủi ro, dự phòng các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước.

Theo PVN, dự án Nhiệt điện khí Ô Môn 3 nằm trong nhóm 9 dự án nguồn điện cần triển khai nhanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thuộc Chuỗi dự án trọng điểm khí – điện lô B cần ưu tiên đầu tư để tiêu thụ hết khí lô B, phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Chuyển dự án điện khí Ô Môn 3 và 4 sang PVN làm chủ đầu tư

Dự án Nhiệt điện khí Ô Môn 3 nằm trong nhóm 9 dự án nguồn điện cần triển khai nhanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thuộc Chuỗi dự án trọng điểm khí – điện lô B cần ưu tiên.

Trong đó, Chuỗi dự án khí – điện Lô B (bao gồm Dự án Phát triển mỏ khí Lô B, Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, các Dự án Ô Môn 1, 2, 3, 4) có quy mô lớn với sản lượng khai thác khí hàng năm dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho bốn nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến 3.810MW khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia.

Chuỗi dự án khí – điện Lô B sẽ là nguồn điện quan trọng, cung cấp bổ sung cho hệ thống điện quốc gia tại khu vực miền Nam giai đoạn 2026 – 2030. Bên cạnh đó, chuỗi dự án cũng phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải carbon theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26. Các dự án thành phần thuộc chuỗi dự án đều là các dự án trọng điểm của Nhà nước, trong quá trình xây dựng sẽ tạo thêm cơ sở hạ tầng, công ăn việc làm cho địa phương, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một số địa phương tại vùng Tây Nam Bộ.

PVN cũng cho rằng, do nằm ở vị trí chiến lược ngoài khơi, tiếp giáp đường biên giới trên biển với nhiều nước, nên việc triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B sẽ góp phần củng cố quốc phòng – an ninh, khẳng định chủ quyền biển đảo khu vực biển Tây Nam của Tổ quốc.

Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 có diện tích sử dụng đất khoảng 8,3ha, tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 27.596 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 9.926 tỷ đồng, vốn huy động 17.670 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án nằm tại trung tâm điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Thời hạn hoạt động của dự án là 31 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất.

Còn dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 4 có địa điểm xây dựng tại khu vực Thới Lợi, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Quy mô công suất khoảng 1.050MW, tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng.