Cạnh tranh với Boeing và Airbus?

Chiếc máy bay chở khách sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào Chủ nhật (28 tháng 5), điều mà truyền thông nước này ca ngợi là bước đi đầu tiên, hướng tới việc phá vỡ thế độc quyền sản xuất máy bay của Boeing và Airbus.

“C919 là bằng chứng quan trọng về sức mạnh tự đổi mới của Trung Quốc trong ngành sản xuất cao cấp”, tờ Global Times đã đăng tải.

COMAC và “tham vọng bầu trời” của Trung Quốc

Chiếc máy bay phản lực chở khách cỡ lớn sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc mang tên C919 đã cất cánh.

Trên thực tế, chiếc máy bay mang tên C919 được chế tạo bởi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), đã thực hiện hành trình kéo dài hai giờ từ Thượng Hải đến Bắc Kinh với khoảng 130 hành khách trên máy bay. Trung Quốc bắt đầu phát triển loại máy bay này vào năm 2007, rót ít nhất 70 tỷ USD từ quỹ nhà nước vào chương trình. Mặc dù, chiếc máy bay đã bị chậm trễ do lỗi thiết kế và vấn đề tìm nguồn cung ứng phụ tùng từ các nhà cung cấp của Mỹ, nhưng cuối cùng nó đã cất cánh trên bầu trời.

Ở một góc độ khác, các phương tiện truyền thông của phương tây cho rằng sẽ rất khó cho việc phá vỡ thế độc quyền của những gã khổng lồ hàng không như Boeing và Airbus khi chiếc máy bay C919 mặc dù được sản xuất trong nước của Trung Quốc nhưng lại chứa đầy công nghệ nước ngoài, bao gồm nguồn gốc động cơ, phanh, bánh xe, lốp xe và hệ thống điều khiển chuyến bay từ các công ty Mỹ và châu Âu.

Các báo cáo cho thấy, các thành phần và hệ thống cốt lõi quan trọng đối với hoạt động của C919 phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nước ngoài. 

Ví dụ, động cơ của C919 đến từ CFM International, một liên doanh giữa GE Aerospace của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp. Trong khi đó, lốp của C919 có nguồn gốc từ Michelin, hãng lốp khổng lồ của Pháp. Hệ thống giám sát áp suất lốp được cung cấp bởi Crane Aerospace and Electronics có trụ sở tại Mỹ.

Ngoài ra, các hệ thống trên máy bay khác bao gồm giải trí trên máy bay, liên lạc tích hợp, điều hướng, giám sát và các hệ thống cốt lõi trong cabin đều đến từ Collins Aerospace của Mỹ. Trong khi Honeywell, một gã khổng lồ công nghiệp khác của Mỹ, cũng cung cấp bánh xe và phanh cũng như thiết bị điện tử điều khiển chuyến bay cho C919.

Có thể thấy, theo một cách nào đó, đây là kết quả của sự thống trị của Boeing – Airbus, những gã khổng lồ hàng không lớn nhất trên thế giới.

“Vâng, nó được làm từ nhiều bộ phận của Mỹ và châu Âu bởi vì máy bay thương mại là độc quyền”, Damien Ma của Macro Polo China, cho biết. “Trung Quốc không và có lẽ sẽ không bao giờ có chuỗi cung ứng bản địa hóa hoàn toàn”.

COMAC và “tham vọng bầu trời” của Trung Quốc

COMAC được kỳ vọng sẽ phá vỡ sự thống trị của các gã khổng lồ Boeing và Airbus.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích lại cho rằng, ngay cả khi chiếc C919 của Trung Quốc đang “chứa đầy công nghệ nước ngoài” cũng không quan trọng trong việc họ có cạnh tranh được với Boeing Airbus hay không, mà tất cả sẽ phụ thuộc vào việc COMAC có thể đẩy mạnh sản xuất ra sao và thuyết phục các hãng hàng không mua máy bay phản lực của mình nhanh như thế nào. 

Theo tờ People’s Daily, trích dẫn báo cáo của ủy ban khoa học và công nghệ Thượng Hải, COMAC đã ký hợp đồng đặt hàng 1.035 máy bay phản lực C919 với vài chục khách hàng vào cuối năm ngoái.

Để so sánh, Airbus có hơn 13.000 máy bay đang hoạt động trên toàn thế giới tính đến cuối tháng Tư. Tương tự, Boeing có hơn 10.000 máy bay thương mại đang hoạt động trên toàn cầu. Rõ ràng, Boeing và Airbus sẽ vẫn là những “toà núi lớn” mà COMAC rất khó để vượt qua.

Đừng đùa với Trung Quốc!

Trên thực tế, “đừng đùa với Trung Quốc” đó là một sự thật mà rất nhiều người trên thế giới bao gồm cả những nhân vật nổi tiếng đã từng công nhận. Đơn cử trong lĩnh vực xe điện, mặc dù Mỹ là người chơi dẫn dắt nhưng những doanh nghiệp của Trung Quốc giờ đây mới là người chơi nổi trội với những tiến bộ mạnh mẽ.

COMAC và “tham vọng bầu trời” của Trung Quốc

C919 mang theo “tham vọng bầu trời” của Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, CEO Elon Musk của gã khổng lồ xe điện Tesla đã được hãng tin Bloomberg hỏi về đối thủ BYD đến từ Trung Quốc khi hãng xe điện này vẫn là cái tên lạ lẫm trên thị trường quốc tế. Elon Musk khi đó đã không ngừng cười nhạo và “không để BYD vào mắt”.

“Tôi không nghĩ rằng họ có một sản phẩm tốt. Tôi không cho rằng xe điện của họ có sức hút. Công nghệ thì không được mạnh lắm và bản thân BYD cũng có nhiều vấn đề phải đối mặt tại Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng họ chỉ nên tập trung sao cho đừng phá sản ở Trung Quốc là được”, tỷ phú Elon Musk cười nói.

Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau vài năm. Mới đây vị tỷ phú giàu thứ hai thế giới đã buộc phải thay đổi quan điểm về BYD.

“Đó đã là quá khứ nhiều năm trước. Sản phẩm của họ giờ đây cực kỳ cạnh tranh”, đó là một sự thật mà vị tỷ phú kiêu ngạo như Elon Musk đã phải cay đắng thừa nhận sai lầm của mình trong thời gian gần đây khi mà BYD đã soán ngôi Tesla của Elon Musk với tư cách là nhà sản xuất ô tô chạy bằng pin phổ biến nhất trên thị trường, theo một báo cáo từ Financial Times.

Quay trở lại với lĩnh vực hàng không, một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường hàng không Merics đã cho biết, với chính sách hỗ trợ công nghiệp mạnh mẽ của Trung Quốc và việc COMAC là một công ty nhà nước đang tạo bệ đỡ tốt cho C919 trên thị trường. Những yếu tố này cũng thúc đẩy “các mục tiêu chiến lược” của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không.

Thành tựu gần đây của COMAC còn vượt ra ngoài chuyến bay đầu tiên, khi công ty được đảm bảo cam kết mua 60 máy bay C919 từ Hainan Airlines. Những máy bay này sẽ được phân bổ cho các công ty con của Hainan Airlines, Urumqi Air và Suparna Airlines, củng cố sự hiện diện của C919 tại thị trường nội địa Trung Quốc và mở đường cho sự phát triển trong tương lai. Cam kết của Hainan Airlines phản ánh niềm tin vào khả năng của C919 và tiềm năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tham vọng của COMAC là mở rộng ra toàn cầu. Máy bay này được định vị để thách thức sự thống trị thị trường của Airbus và Boeing, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi nơi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng nhanh.

Tuy nhiên, việc đạt được sự công nhận quốc tế và phê duyệt theo quy định vẫn là một rào cản quan trọng đối với việc mở rộng toàn cầu của C919. Hiện tại, cả cơ quan quản lý châu Âu và Mỹ đều không cho phép sử dụng máy bay này, hạn chế khả năng tiếp cận các thị trường quốc tế quan trọng. COMAC và chính quyền Trung Quốc đang tích cực làm việc để đạt được các chứng chỉ cần thiết, đảm bảo rằng C919 đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành và an toàn quốc tế.

Trong khi con đường đạt được sự công nhận và chấp nhận toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, nhưng không thể đánh giá thấp sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất máy bay. C919 không chỉ là bước khởi đầu cho quá trình đi lên của Trung Quốc trong ngành hàng không mà còn là cả “tham vọng bầu trời” của Bắc Kinh.

Nhìn chung, cũng giống như sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực xe điện hay nhiều lĩnh vực khác, trong lĩnh vực hàng không này, có thể không “đùa” được với Trung Quốc.