Thursday, April 18, 2024

Dệt may, da giày, đồ gỗ hoạt động cầm chừng

Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn trong tình trạng ngóng đơn hàng, thu hẹp hoạt động và chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Đơn hàng giảm sâu

Nói về tình hình hoạt động hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đều có chung câu trả lời là “rất khó khăn”, “chưa có gì sáng sủa”. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong 5 tháng đầu năm nay đạt 12,32 tỉ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khá thấp nếu so với kim ngạch cả năm 2022 vừa qua ngành dệt may mang về lên đến 44 tỉ USD. Hơn nữa, trên thực tế, con số sụt giảm của các DN đều lớn hơn mức này.

Dệt may, da giày, đồ gỗ hoạt động cầm chừng

Các doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ… vẫn thiếu đơn hàng, hoạt động cầm chừng

Ông Nguyễn Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công, chia sẻ doanh thu của công ty trong 5 tháng đầu năm nay giảm khoảng 20 – 25% so với cùng kỳ năm trước. Một số khách hàng hứa hẹn có thể đơn hàng sẽ nhích lên từ cuối quý 3/2023 đến đầu quý 4/2023 nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn.

“Tình hình cũng không thể dự báo được khi nào đơn hàng mới nhích lên, có lẽ cũng chỉ hy vọng đến cuối năm do phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới, nhất là ở những thị trường lớn như Mỹ và châu Âu mới có thể tính toán. Trong bối cảnh khó khăn chung, Thành Công cũng cố gắng tìm thêm khách hàng mới ở các quốc gia nằm trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và giảm những chi phí chưa cần thiết. Chúng tôi cũng làm mọi cách để có thể duy trì sản xuất, đảm bảo công việc cho người lao động bằng cách chấp nhận những đơn hàng có lợi nhuận thấp hay thậm chí không có lợi nhuận. Thật ra, nếu DN không chấp nhận làm đơn hàng giá thấp, thì ngay lập tức khách hàng có thể đặt hàng sang Bangladesh. Đây là đối thủ đáng gờm của ngành dệt may Việt Nam nhờ chi phí nhân công rẻ và đồng nội tệ cũng giảm giá mạnh”, ông Tùng cho biết.

Đồ gỗ thậm chí còn thê thảm hơn. Đại diện Công ty sản xuất thương mại dịch vụ Leglor (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết chỉ còn hoạt động cầm chừng, đã cho công nhân nghỉ bớt. Thiếu đơn hàng và giờ là thiếu vốn khiến công ty càng khó xoay xở.

Theo vị này, thông thường với ngành gỗ, đối tác nước ngoài sẽ đặt đơn hàng trước hơn 1 năm. Vì vậy, đơn hàng của năm 2023 từ cuối năm vừa qua mà không có thì đến nay rất khó để có. Doanh thu của công ty cả năm nay sẽ chỉ còn khoảng 20 – 30% so với năm 2022. Để có thể tìm được đơn hàng cho năm sau thì sắp tới công ty phải tham gia hội chợ ngành đồ gỗ sẽ diễn ra vào cuối tháng 8. Từ nay đến đó sẽ phải chuẩn bị làm hàng mẫu để giới thiệu, chào hàng với các đối tác… Nhưng tình hình khá khó khăn, đặc biệt thiếu vốn do công ty chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng nên chưa biết sẽ thực hiện như thế nào. Còn tìm kiếm thêm khách hàng mới ngay là “không thể nào”. Bởi tình hình tiêu thụ chung trên toàn thế giới đều giảm, nhất là các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu.

Đợt khó khăn này thì công ty lớn hay nhỏ đều bị ảnh hưởng. Hiện chưa có dấu hiệu gì để DN lạc quan hơn. Chúng tôi cũng chỉ hy vọng là nhu cầu tiêu dùng của thế giới dần dần hồi phục trở lại vào cuối năm.

Ông Phạm Xuân Hồng

Hơn nữa, các đối tác lớn từ trước đến nay như Tập đoàn IKEA, Carrefour, Walmart… đều đặt hàng khắp nơi và không chỉ tiêu thụ tại Mỹ, châu Âu mà từ đó còn bán hàng đến hàng loạt quốc gia khác. Vì vậy, dù DN có tìm kiếm ở các quốc gia khu vực Trung Đông, Nam Mỹ… thì cũng không dễ có được khách hàng mới”, vị này nói thẳng.

Ngành da giày cũng tương tư. Lãnh đạo một DN nhỏ tại TP.HCM nói: Cứ nhìn vào “ông lớn” của ngành này như Công ty PouYuen Việt Nam là sẽ biết ngay “khó khăn cỡ nào”. Trong tháng 5 vừa qua, PouYuen Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 4.400 người và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thêm lao động trong tháng 6, đưa tổng số lao động bị nghỉ việc lên hơn 5.700 người. Vào tháng 3 vừa qua, công ty này đã giảm 2.358 người lao động. Nguyên do được đề cập ban đầu là vì tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, người dân các nước thắt chặt chi tiêu kéo theo việc sụt giảm các đơn hàng sản xuất gia công tại công ty. Do đó tình trạng DN cắt giảm lao động, số còn lại cũng giảm giờ làm, giảm thu nhập là tình hình chung và chưa biết khi nào sẽ khá hơn.

70% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, đúc kết lại về tình hình của các DN ngành này là “cầm cự, chống đỡ và chờ cơ hội”.

Ông cho hay đơn hàng của một số DN trong quý 2/2023 nhích nhẹ 10% so với quý 1/2023 do tình hình đầu năm quá ảm đạm. Mức tăng đó là không đáng kể và tính chung đơn hàng trong 5 tháng đầu năm nay vẫn đang giảm 30 – 40% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả DN đều buộc phải chạy ngược chạy xuôi để tìm đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng nhỏ, giá thấp miễn là có việc làm cho công nhân. Một số đơn vị lớn có khả năng tìm được thêm đơn hàng ở các thị trường mới như Úc,

Ả Rập Xê Út hoặc mở thêm đơn hàng nhiều chủng loại ở thị trường nội địa… Nhưng đây là những đơn hàng nhỏ nên không thể nào bù đắp lại được với mức giảm quá mạnh của hai thị trường lớn là Mỹ và châu Âu.

“Đợt khó khăn này thì công ty lớn hay nhỏ đều bị ảnh hưởng. Hiện chưa có dấu hiệu gì để DN lạc quan hơn. Chúng tôi cũng chỉ hy vọng là nhu cầu tiêu dùng của thế giới dần dần hồi phục trở lại vào cuối năm”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 95.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ngược lại, số DN rút lui khỏi thị trường là 88.000 DN, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17.600 DN rút lui khỏi thị trường.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Lê Minh Thiện, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ 5 tháng đầu năm nay giảm gần 30%. Nếu tính riêng tháng 4 và tháng 5 thì mức giảm lên đến 60%, giảm mạnh hơn cả quý 1/2023. Lý do là trong quý đầu năm nay, nhiều DN vẫn còn đơn hàng tồn lại từ năm 2022 nên xuất khẩu chỉ giảm ít. Sau đó đơn hàng mới chưa có nên doanh số lao dốc. Về lý thuyết khi đơn hàng xuất khẩu giảm, một số đơn vị muốn tìm kiếm đơn hàng trong nước thì cũng không thể có được, bởi theo ông, thu nhập của người dân cũng giảm, thắt chặt chi tiêu. Hơn nữa, thị trường bất động sản, xây dựng đóng băng thì ngành gỗ làm sao có được đơn hàng?

Ông Thiện ước tính ngành gỗ hiện nay chỉ còn khoảng 30% DN còn cầm cự và 70% đã đóng cửa ngừng hoạt động tạm thời bởi càng làm càng thua lỗ. Do đó, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2023 cũng sẽ giảm khoảng 60 – 70%. Cũng như nhiều ngành hàng xuất khẩu khác, ngành gỗ cũng chỉ biết hy vọng thị trường sẽ tích cực hơn từ cuối quý 3/2023 trở đi, bởi không ai có thể thay đổi được tình hình chung của thị trường thế giới. Do đó, trong thời điểm hiện nay, DN chỉ mong nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời để các DN có nguồn lực còn trụ lại được. Chẳng hạn như hoàn thuế nhanh cho các DN; chính sách miễn giảm thuế, giảm lãi suất… phải được thực hiện càng nhanh càng tốt. Bởi theo ông Thiện, ví dụ việc giảm lãi suất nhưng có vài ngân hàng chỉ giảm rất ít, còn nhiều nơi vẫn giữ nguyên không hề thay đổi. Cứ như thế này thì các DN ngừng hoạt động càng nhiều, lượng công nhân bị mất việc càng ngày càng gia tăng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img