Thursday, April 25, 2024

Phố Hàng bột mưu sinh thời bao cấp: Lạc rang húng lìu ‘ông Tàu’

Ông người gốc Quảng Đông, vì vậy mà xóm tôi gọi là “ông Tàu”. Khác với các con trai gái, dâu rể đều đổi qua mấy nghề, ông Tàu chỉ chuyên làm lạc rang húng lìu. Đến tận bây giờ, tôi vẫn tin rằng, đa phần những người bán lạc rang húng lìu trên phố xưa Hà Nội đều lấy mối lạc rang của ông Tàu xóm tôi.

 

Một vài năm sau ngày tiếp quản Thủ đô, có ông già người Hoa, gốc Quảng Đông về xóm tôi sinh sống. Mọi người đều gọi ông là ông Tàu.

Ông Tàu đã già, dáng to cao. Mỗi chiều hè, thường thấy ông mặc quần đùi ngồi trước cửa, tay che chiếc bụng đã chảy xệ, tay phe phẩy quạt. Cứ thế lặng thinh nhìn người, xe qua lại.

Phố Hàng bột mưu sinh thời bao cấp: Lạc rang húng lìu

 

Phố Hàng bột mưu sinh thời bao cấp: Lạc rang húng lìu

Tái hiện cửa hàng lương thực và trưng bày các vật dụng gia đình tại một triển lãm thời bao cấp ở Hà Nội

Ông sống cùng vợ chồng con gái và mấy đứa cháu ngoại trong căn nhà số 93B phố Hàng Bột. Căn hộ của ông nằm trong dãy nhà hai tầng, phía trước có khoảng đất trống rất rộng được dùng để làm vườn hay sân theo thiết kế của ông chủ người Pháp để lại. Mặt trước của các căn nhà là những thanh gỗ dài gài vào nhau thay cho tường. Kiểu thiết kế này rất thuận tiện để buôn bán. Khi kéo những thanh gỗ qua rãnh trên đoạn tường xây lửng là có ngay một khoảng trống hệt như ô cửa bán hàng ở các cửa hàng mậu dịch thời đó.

Nhà ông, duy có người con rể, tên Tiêu, là làm Nhà nước (Nhà máy in Tiến Bộ), còn những người khác đều buôn bán nhỏ: vợ chồng ông Quảng đạp xích lô và bán bánh cuốn; bà Vượng (vợ ông Tiêu) bán tạp hóa tại nhà. Đến những năm chiến tranh phá hoại rồi thời bao cấp, bà Vượng thành lập Tổ phục vụ của khối 24. Một cái bếp lò to đốt than bùn được đắp lên ở khoảng sân trước nhà để đun nước sôi, phục vụ mọi người. Tết đến, bà đắp thêm một cái bếp nữa để nhận luộc bánh chưng thuê. Ngoài ra, Tổ phục vụ còn bán cả dưa cà và muối mắm.

Đến thời mở cửa, nhà bà chuyển sang bán phở gà. Phở bà nấu rất ngon, nức tiếng ở phố Hàng Bột thời đấy. Sau này già yếu, các con thay bà tiếp quản quán phở, hợp tác với một người quê Nam Định bán phở Cồ một dạo nhưng không thành công. Rồi mấy chị em chuyển sang bán cơm bình dân thì lại ổn và duy trì quán cơm đến tận bây giờ.

Không giống với các con trai gái, dâu rể đều đổi qua mấy nghề, ông Tàu chỉ chuyên làm lạc rang húng lìu. Thời kỳ đầu, ông còn xách hòm lạc đi bán rong trên phố. Sau, sức yếu, ông chỉ giao buôn cho những bạn hàng cũ. Ông Tàu rất kỹ tính. Ông cùng ông Quảng đạp xích lô ra tận bến Phà Đen, nơi có những chiếc thuyền buôn mang lạc từ Nghệ An – Hà Tĩnh ra bán. Chở lạc về, ông Quảng lại nhờ thanh niên trong xóm bê hộ những bao tải lạc nặng trịch ra khỏi xe xích lô, rồi chất thành đống ở gian sau nhà bà Vượng.

Khu bếp sau nhà là nơi ông Tàu chế biến lạc rang húng lìu. Ông đun nước, trần lạc, vớt ra để ráo rồi mới ướp húng lìu. Húng lìu ông cũng tự tay làm. Có người quen bán thuốc Bắc nên ông mua được các dược liệu như bột cây húng dổi, bột quế, đại hồi, thảo quả, đinh hương và tự rang, xay. Cùng với húng lìu, ông còn thêm cả đường hóa học, ít muối tinh, nước trắng, trộn đều tất cả rồi mới cho lạc vào đảo, và ủ suốt một đêm cho lạc ngấm sâu hương vị. Bây giờ, nghe tới đường hóa học là mọi người thấy ngại ngần, nhưng thực ra, nó lại là thành phần dược phẩm chủ yếu trong các liều thuốc dành cho người muốn giảm béo hoặc mắc bệnh tiểu đường. Dùng đường hóa học ướp lạc rang để tránh cho lạc không bị cháy vỏ, dính cát.

Hộp đựng cát già, ông để cạnh cái lò than, rang đi rang lại nhiều lần nên màu cát biến thành đen nhánh. Ông dùng chiếc xẻng nhỏ xúc cát trong hộp, thả vào chảo, đảo đến khi cát nóng già mới cho lạc vào và lại đảo tiếp. Những lúc đấy, trẻ con hàng xóm, đứa nào bén mảng lại gần chờ ăn chực ắt bị ông chửi “Tỉu nà ma”. Ông chửi nhưng mắt lại cười nên khi mùi thơm của lạc rang bay khắp xóm, thể nào cũng có thêm dăm đứa khác đến chờ ông sàng lạc. Sàng đi sàng lại đến khi cát rơi hết, ông mới xúc một bát con cho đám trẻ háu ăn, rồi đổ chỗ lạc còn lại vào hòm, ủ đến tận chiều.

Đám trẻ chia nhau bát lạc rang căng mẩy, béo bùi. Hạt nào hạt nấy giòn tan, thơm lừng húng lìu, phảng phất các vị ngòn ngọt, mằn mặn, beo béo. Cứ sau một năm học, chúng tôi lại gom những cuốn vở cũ, để dành biếu ông Tàu gói lạc. Ông cuốn giấy vở lại trông giống cái kén sâu kèn to, đổ lạc gần đầy rồi gấp miệng. Chỉ một lúc, cả cái phản đầy những “con sâu kèn lạc” chờ người đến lấy, mang đi bán. Đến tận bây giờ, tôi vẫn tin rằng, đa phần những người bán lạc rang húng lìu trên phố xưa Hà Nội đều lấy mối lạc rang của ông Tàu xóm tôi.

Ông Tàu mất đã lâu và đám trẻ ăn chực lạc rang ngày xưa nay đã già, nhưng vẫn nhớ về ông – ông già bán lạc rang trên phố, tiếng Việt chưa sõi, vừa chửi “Tỉu nà ma” vừa cười với đám trẻ. 

(Lược trích từ tác phẩm Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ của Hồ Công Thiết, NXB Lao động và Chibooks ấn hành, 2023)

 
 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img