Chùng nhịp cải cách

Theo khảo sát gần đây nhất của Ban IV, thủ tục hành chính là một trong 4 thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang đối mặt trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong khi đó, 84% doanh nghiệp đánh giá sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và ở mức “kém hiệu quả”.

Thiếu nhất quán trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật, thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh cũng là một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đề cập nhiều tại các diễn đàn kinh tế.

Cấp thiết khôi phục Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh

Trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ môi trường kinh doanh thuận lợi thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương đang chùng xuống (ảnh minh hoạ)

Điển hình là việc xin giấy phép phòng cháy chữa cháy trở thành trở ngại lớn cho doanh nghiệp khi mở rộng nhà máy hay lắp đặt điện mặt trời dù đây là lĩnh vực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Thời gian cấp phép dài ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, doanh nghiệp tăng thêm gánh nặng chi phí.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề nổi cộm khác tập trung trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, lao động… khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, gia tăng chi phí thực thi.

Hơn 5 tháng đầu năm 2023 đã trôi qua với nhiều khó khăn, thách thức tiếp tục tác động đến tiềm lực và sức khoẻ của nhiều doanh nghiệp chưa sự phục hồi tích cực sau biến cố của đại dịch Covid-19. Trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn nâng cao năng lực cạnh tranh thì mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống, chưa tương xứng với tầm quan trọng và sự cần thiết của cải cách như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

Mạnh mẽ cải cách thể chế để đạt mục tiêu kép

Trao đổi bên lề Quốc hội, TS. Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá cao chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đôn đốc thực thi, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Quốc hội đang thảo luận, xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, thành phố để thúc đẩy sự phát triển.

Cấp thiết khôi phục Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh

Những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế đang tạo áp lực và động lực cho chương trình cải cách thực chất, hiệu quả.

Tuy nhiên, những chỉ đạo sát sao trên, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đã và đang lo lắng, giải quyết những sự việc cụ thể, đặc thù cho thấy thể chế chung, môi trường kinh doanh đang có một số vấn đề. Việc tiếp tục cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trở thành vấn đề cấp bách để không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn hướng đến phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian tới.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ sự nuối tiếc năm nay Chính phủ không tiếp tục ban hành nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như Nghị quyết số 02/NQ-CP như thông lệ (trước đó là Nghị quyết số 19/NQ-CP). Các nội dung này lại được đề cập trong một đề mục của Nghị quyết chung về phát triển kinh tế – xã hội (Nghị quyết 01).

Đây cũng là sự nuối tiếc của TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). TS. Nguyễn Quốc Việt đánh giá:  Nghị quyết 02/NĐ-CP và Nghị quyết số 19/NQ-CP trước đó về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những thành tựu đáng kể nhất của Việt Nam thời gian qua. Thực thi các nghị quyết này, các cơ quan chức năng đã rà soát, đánh giá sự mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định trong pháp luật nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đảm bảo quyền tài sản, tự chủ, tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

“Các Nghị quyết trên được đánh giá là đã “thổi luồng gió mới” vào công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam, dần dần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế và pháp luật, nhất là trong việc rà soát nâng cao công tác thực thi pháp luật, giảm thiểu các điều kiện kinh doanh bó buộc, các thủ tục hành chính phiền hà, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh quốc gia” – TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Với tầm quan trọng đó, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đề nghị cấp thiết khôi phục lại việc ban hành Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trên cơ sở đó, đưa ra chương trình đồng bộ, tổng thể, chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp cụ thể.

Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ: các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tài khoá và tiền tệ là cần thiết. Tất cả giải pháp này cần được thực hiện triển khai trong môi trường thể chế, thủ tục minh bạch, rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân và có kỷ luật thực thi nghiêm ngặt. Tuy nhiên hiện nay, trong môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc, quy định pháp luật còn chồng chéo, việc triển khai các chính sách hỗ trợ đều có hạn chế. Chừng nào có hệ thống pháp luật minh bạch, quy định pháp lý rõ ràng thì chừng đó các giải pháp hỗ trợ vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp mới hiệu quả.