Friday, April 26, 2024

Đại biểu nói ‘thiếu minh bạch’ chọn sách giáo khoa, Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị minh chứng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu: có tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa.., trao đổi lại, Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị đại biểu cung cấp thông tin, minh chứng trường hợp sai phạm cho Bộ GD-ĐT để xử lý theo quy định.

Tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 ngày 1.6 của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã có ý kiến phát biểu về một số nội dung liên quan đến ngành giáo dục; nội dung trao đổi đề cập đến một số vấn đề Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện, được cử tri và xã hội quan tâm.
Đại biểu nói

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đoàn chủ tịch điều hành phiên thảo luận yêu cầu làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có Văn bản số 2706 ngày 2.6, trao đổi lại.

Cụ thể, trong phần phát biểu của mình, một trong những nội dung được đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu là: “Tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa mà báo chí thường phản ánh bắt nguồn từ Thông tư số 25 ngày 26.8.2020 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa”.

Văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, khi xây dựng Thông tư số 25 kể trên, Bộ GD-ĐT đã rất thận trọng thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xin ý kiến rộng rãi nhân dân, các sở GD-ĐT.

Đại biểu nói

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị đại biểu cung cấp thông tin, minh chứng về phản ánh chọn sách giáo khoa “thiếu minh bạch”

Việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25 được thực hiện cơ bản không có khó khăn, vướng mắc. Trong 63 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi về đoàn giám sát của Quốc hội, chỉ có 5 tỉnh, thành phố có kiến nghị, đề xuất liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa. 

Các ý kiến chủ yếu tập trung vào đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn chi trả kinh phí lựa chọn sách giáo khoa, tăng thời gian đọc bản mẫu sách giáo khoa trước khi họp hội đồng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh chỉ đạo hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 25 bảo đảm công tâm, khách quan, minh bạch, tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục; đặc biệt lưu ý đối với các sách giáo khoa có nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn trước khi tổ chức bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương. 

“Qua quá trình thanh tra, Bộ GD-ĐT không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong việc lựa chọn sách giáo khoa; phiếu chọn sách giáo khoa của giáo viên tại tổ chuyên môn trùng với danh sách đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục gửi về sở GD-ĐT để tổng hợp trình hội đồng lựa chọn cấp tỉnh, trùng với phiếu nhận xét sách giáo khoa của giáo viên. Qua thống kê báo cáo của các địa phương về kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các hội đồng cơ bản theo đề xuất của các nhà trường”, văn bản của Bộ GD-ĐT thông tin.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, “địa phương nào không thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 25 phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, và đề nghị đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy “cung cấp thông tin, minh chứng trường hợp sai phạm cho Bộ GD-ĐT để xử lý theo quy định”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img