>> Minh bạch để thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Đây là những chỉ đạo tại Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra với mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Đầu tư nước ngoài thích nghi bối cảnh mới

Chia sẻ với DĐDN, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới của Thủ tướng Chính phủ là một chỉ đạo kịp thời trong tình hình mới.

– Những biến động của khu vực, thế giới và những chuyển biến của các vấn đề trong nước đòi hỏi hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cần có sự điều chỉnh, thưa ông?

Thời gian qua, thu hút đầu tư nước ngoài đã có thành tựu lớn, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài còn có bất cập, có nơi còn thiếu thống nhất, gắn kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư; môi trường kinh doanh chưa có ưu việt đáng kể so với mặt bằng thu hút đầu tư trên thế giới và tại khu vực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư, nguồn lao động đã qua đào tạo còn yếu và thiếu; sự liên kết giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế…

Hiện nay, tình hình kinh tế chính trị thế giới và khu vực có những sự biến động. Nhiều nước đã chắt lọc đầu tư bằng hình thức đẩy các lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư có công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động phổ thông chất lượng thấp… sang nước khác.

Đặc biệt, một số nước đang đẩy mạnh “xoá nhoà” chính sách ưu đãi của các quốc gia khác trong việc thu hút đầu tư thông qua chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Cùng với đó, vấn đề địa chính trị, an ninh… đã làm biến động môi trường đầu tư của khu vực, thế giới và Việt Nam. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh kịp thời nhằm thu hút được các nhà đầu tư có chất lượng.

– Như vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để thích nghi với bối cảnh mới, thưa ông?

Tình hình hiện nay đang chuyển biến theo xu hướng bình quân hoá các điều kiện ưu đãi thu hút đầu tư giữa các nước. Ở đây chính là thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, sự gia tăng cải thiện môi trường đầu tư của các nước trong khu vực và trên thế giới cạnh tranh rất quyết liệt.

Nói về điều kiện hạ tầng, thời gian vừa qua, hạ tầng giao thông, điện, nước, khu, cụm công nghiệp, logistics… của Việt Nam đều đã được cải thiệt đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện theo yêu cầu, nhịp độ cần phải gia tăng mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Đơn cử hạ tầng giao thông, không chỉ có hạ tầng đường bộ mà còn phải đầu tư cho hạ tầng đường thuỷ, đường sắt hay đường hàng không. Thực tế, chi phí logisitcs của Việt Nam hiện nay đang đứng cao top đầu thế giới.

Đầu tư nước ngoài thích nghi bối cảnh mới

>> Nâng thời hạn thị thực điện tử để hút khách nghỉ dưỡng và đầu tư nước ngoài

>> Nhà đầu tư nước ngoài “băn khoăn” về chất lượng nhân lực

>> Thị trường bất động sản Việt Nam hút vốn đầu tư nước ngoài

Còn về môi trường hành chính, phong trào thi đua giữa các địa phương về sự hài lòng của doanh nghiệp qua các “thước đo” PCI, PAPI đã cho thấy có sự chuyển biến tích cực. Phải thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng và thái độ phục vụ của bộ máy hành chính đã liên tục cải thiện. Nhưng cũng chưa đáp ứng được hết mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.

Môi trường chính sách cũng phải “thích ứng” nhanh, nếu không thay đổi sẽ dẫn đến nguy cơ thu hút đầu tư “ngược”. Đó là thu hút các công nghệ lạc hậu, không nâng cao được năng suất lao động mà còn lạm dụng lao động, tiêu tốn năng lượng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn thấp kém…

– Có một điểm đáng chú ý về dòng vốn ngoại cam kết trong 4 tháng đầu năm nay, việc rót thêm vốn mở rộng đầu tư của các nhà đầu tư hiện hữu bị sụt giảm mạnh. Điều này theo ông có đáng lo ngại không?

Việc các nhà đầu tư không muốn mở rộng kinh doanh, tăng vốn là một trong những chỉ số buộc chúng ta phải xem xét, đánh giá lại môi trường đầu tư hiện nay. Đó là môi trường có đảm bảo tính hấp dẫn hay không? Đây là một chỉ số rất cụ thể, một dấu hiệu mà chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận.

Theo tôi, có thể ở đây cũng có sự “nghe ngóng” của các nhà đầu tư. Họ đang “quan sát” xem ứng phó với chính sách áp thuế tối thiểu toàn cầu của chúng ta như thế nào? Cơ chế hỗ trợ bù đắp cho chính sách thuế tối thiểu của Chính phủ Việt Nam ra sao?

Tuy nhiên để “giữ chân” các nhà đầu tư hiện tại, đồng thời thu hút các nhà đầu tư mới không chỉ với ưu đãi thuế mà phải bằng những chính sách khác phù hợp với cam kết quốc tế, phù hợp với điều kiện của chúng ta. Vừa đạt mục đích bảo vệ được lợi ích quốc gia, vừa giữ chân được nhà đầu tư, vừa hút được các nhà đầu tư mới.

Đặc biệt các chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Chỉ thị 14 cần lưu tâm như: Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế, hài hòa lợi ích các bên.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với tình hình Việt Nam, trình Quốc hội vào Kỳ họp tới.

– Trân trọng cảm ơn ông!