Nâng chất cho gạo Việt

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng từ đầu năm đến nay, đạt bình quân 517 USD/tấn, cao nhất trong 10 năm qua. Thậm chí bước sang tháng 6/2023 giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng do nhu cầu thế giới cao. Ghi nhận trong ngày 2/6, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 498 USD/tấn còn gạo 25% tấm ở mức 483 USD/tấn. Với mức giá này, hiện gạo Việt Nam đang cao hơn từ 5 – 18 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu  gạo đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng 41% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022; đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị. 

Tại cuộc họp giao bao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết tổng quan chung tốc độ sản xuất nông nghiệp tháng 5 tăng chậm, xuất khẩu tích cực mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn. 

“Nếu thuận lợi, xúc tiến thương mại mạnh mẽ và quyết liệt, các nhóm ngành hàng như lúa gạo, rau quả hết quý III sẽ đạt được kết quả bằng quý III/2022, quý IV/2023 tăng tốc thì con số 55 tỷ xuất khẩu nông lâm thuỷ sản có thể về đích”, ông Tiến nhận định.

Trong 3 năm gần đây, thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi nên sản lượng đều tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn; năm 2021 tăng lên 6,2 triệu tấn; năm 2022 tăng vọt lên 7,1 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn.

Nâng chất cho gạo Việt

Để phân khúc xuất khẩu gạo chuyển hướng sang gạo chất lượng cao thì việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại các địa phương là giải pháp mang tính mấu chốt.

Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng ban hành thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, giá trị tương đương khoảng 2,62 tỉ USD. Điều này có nghĩa Việt Nam muốn tăng đơn giá gạo xuất khẩu bình quân lên 655 USD/tấn. Quan điểm của chiến lược nêu rõ xuất khẩu gạo gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice trên thị trường thế giới, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu tiêu thụ của từng thị trường. 

Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030, tỉ trọng gạo có giá trị cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, Việt Nam phấn đấu tỉ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40%. Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV, cho rằng việc điều chỉnh giảm “lượng” tăng “chất” là chiến lược phù hợp. Bởi sản xuất lúa ở vùng trọng điểm của cả nước là ĐBSCL đã có sự thay đổi, từ sản xuất ba vụ giảm xuống còn hai vụ, hoặc từ hai vụ xuống còn một vụ. Thậm chí, có một phần khá lớn diện tích sản xuất lúa đã được nông dân chuyển sang cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…

Thực tế cho thấy, để phân khúc xuất khẩu gạo chuyển hướng sang gạo chất lượng cao thì việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại các địa phương là giải pháp mang tính mấu chốt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, sản xuất lúa gạo cần dựa theo thị trường để có định hướng sản xuất, tránh “cung vượt cầu” hoặc rơi vào phân khúc thị trường thứ cấp sẽ ảnh hưởng đến giá trị xuất xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, chế biến sâu là con đường giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, muốn sản phẩm chế biến có mặt ở châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đòi hỏi phải có sự đầu tư về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật.