Friday, April 19, 2024

ASEAN tìm giải pháp cho tình trạng khói mù xuyên biên giới

Ðại diện 5 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) gồm Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Thái Lan dự kiến sẽ nhóm họp tại Singapore từ ngày 7-8/6 để giải quyết tình trạng khói mù xuyên biên giới

Ðây là cuộc họp lần thứ 24, kể từ khi Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được ký kết vào năm 2002.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad cho biết tình trạng khói mù có thể trở nên nghiêm trọng hơn do thời tiết khô nóng vào giữa năm 2023. Ông Nik Nazmi nêu rõ Malaysia mong muốn hội nghị tới sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc thời tiết trở nên nóng hơn, khả năng xảy ra các sự cố liên quan đến khói mù và các biện pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, ASEAN cần có một lộ trình để bổ sung, sửa đổi các quy định về hợp tác xuyên biên giới hiện nay liên quan đến tình trạng ô nhiễm khói mù.

ASEAN tìm giải pháp cho tình trạng khói mù xuyên biên giới
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Tình trạng khói mù đã xảy ra tại một số khu vực miền Bắc Thái Lan, Myanmar và Lào kể từ đầu năm 2023. Tại Malaysia, một số khu vực ở thủ đô Kuala Lumpur, bang Johor và Kelantan trong tháng 4 đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe. Trong khi đó, Cục Khí tượng Malaysia (MetMalaysia) ngày 19-3 đã đưa ra cảnh báo cấp độ 1 về nguy cơ xảy ra sóng nhiệt ở một số khu vực. Ðến nay, Bộ Y tế Malaysia đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh do nắng nóng, trong đó có 2 trường hợp trẻ tử vong do say nắng và mất nước ở bang Kelantan.

Ông Nik Nazmi cho hay Chính phủ Malaysia đang triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn các hành vi đốt lửa ở ngoài trời theo Mục 29A của Luật về Chất lượng Môi trường. Theo đó, các đối tượng bị kết tội có thể bị phạt tối đa 500.000 RM (112.000 USD) hoặc bị phạt tù lên tới 5 năm, hoặc phải chịu đồng thời cả hai hình phạt. Kế hoạch này sẽ giúp các bộ, ban, ngành liên quan có cơ sở pháp lý để triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu việc đốt lửa ngoài trời – một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khói mù.

Cục Môi trường (DoE) cũng đã triển khai thực hiện kế hoạch ngăn chặn các hành vi đốt lửa ngoài trời từ tháng 3 và sẽ cùng với MetMalaysia theo sát các thông tin dự báo thời tiết, các điểm nắng nóng, số ngày không có mưa và các vụ cháy xảy ra.

Chính phủ Malaysia dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp của Ủy ban quốc gia về khói mù và thời tiết khô nóng để thảo luận về vấn đề này, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các cuộc tuần tra, giám sát tại các khu vực dễ xảy ra cháy nổ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan, ngày 6/6 cho biết nước này đang triển khai các phương án nhằm giảm lượng khói mù xuyên biên giới có thể ảnh hưởng tới Singapore.

Bộ trưởng Luhut nêu rõ nhà chức trách đang tìm cách sử dụng công nghệ điều chỉnh khí hậu để tạo ra mưa nhân tạo và tăng cường dự trữ nước, giúp ngăn chặn các vụ cháy đất than bùn.

Tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới xảy ra nghiêm trọng nhất vào năm 2016, do việc đốt rừng phát quang tại các đồn điền trồng cọ ở Sumatra và Kalimantan gây cháy rừng. Chính phủ Indonesia đã nhận được phản ánh từ các quốc gia láng giềng, trong đó có Singapore.

Từ đó đến nay, lượng khói mù đã giảm đáng kể, khi Indonesia tập trung hơn vào các giải pháp môi trường và tuyên truyền cho người dân.

Ngày 30/5 vừa qua, Trung tâm Khí tượng ASEAN (ASMC) cho biết thời tiết khô hạn và nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài hơn dự kiến từ tháng Sáu đến tháng 10 ở khu vực phía Nam ASEAN – bao gồm Singapore – với nguy cơ cao xảy ra khói mù và hỏa hoạn xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia dự báo nguy cơ cháy rừng sẽ tăng cao khi Indonesia bước vào mùa khô bắt đầu từ tháng Tư năm nay. Dự kiến đây sẽ là giai đoạn khô hạn nhất của Indonesia kể từ năm 2019, do hiện tượng La Nina suy yếu.

Tuy nhiên, ông Luhut khẳng định chính phủ Indonesia đã chủ động các phương án để giảm thiểu tác động do thời tiết gây ra.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Ninh an như mộng
Chuyện gì khó có má lo
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img